Doanh nghiệp “vùng xanh” gặp khó khi hoạt động trở lại

NAM ANH 13/09/2021 14:36

Ngay sau khi được phép hoạt động sản xuất trở lại, các doanh nghiệp tại nhiều khu vực “vùng xanh” trên địa bàn Thủ đô đã vấp phải những khó khăn, như sự thiếu hụt nguồn nhân lực – lao động để phục hồi sản xuất.

Nhiều doanh nghiệp ở "vùng xanh" Thạch Thất khó tìm lao động. Ảnh: Hà An.

Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất trong thời điểm phòng, chống dịch bệnh Covid-19 đạt hiệu quả, TP Hà Nội thiết lập 3 vùng, “vùng đỏ”, “vùng cam” và “vùng xanh” đối với những quận huyện trên địa bàn. Trong đó những doanh nghiệp nằm ở “vùng xanh” được phép duy trì, phát triển các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Đại Đoàn Kết Online, ngay sau khi được phép hoạt động sản xuất trở lại, thì các doanh nghiệp tại nhiều khu vực “vùng xanh” trên địa bàn Thủ đô đã vấp phải những khó khăn. Đầu tiên và nan giải nhất, đó là sự thiếu hụt nguồn nhân lực – lao động để phục hồi sản xuất.

Bởi ngay từ trước thời điểm TP Hà Nội bước vào giãn cách (24/7), nhiều doanh nghiệp đã rơi vào tình trạng hoạt động cầm chừng, doanh thu lợi nhuận không có, nên buộc phải cắt giảm lao động.

Hiện nhiều huyện trên địa bàn Thủ đô thành “vùng xanh”, song sự liên kết giữa những vùng xanh này gần như không có, do bị chia cắt bởi những “vùng đỏ”, “vùng cam”, khiến doanh nghiệp gặp khó trong việc thu hút lao động sản xuất. Bên cạnh đó, phương án “3 tại chỗ” được áp dụng ở “vùng xanh” cũng khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó.

Đơn cử như địa bàn “vùng xanh” huyện Gia Lâm. Theo đó, bắt đầu từ ngày 6/9, 19/22 xã, thị trấn “vùng xanh” của huyện này được phép bán hàng mang về, đồng thời duy trì và đẩy mạnh sản xuất, góp phần phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, nhưng phải đảm bảo phương châm “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” và có phương án phòng, chống dịch đã được UBND xã, thị trấn phê duyệt…

Về những khó khăn kể trên, lãnh đạo Công ty Cổ phần Nhôm Đô Thành (KCN Phú Thị, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) cho biết, kể từ khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh theo phương án “3 tại chỗ” được duyệt với 129 công nhân làm việc.

Các doanh nghiệp kiến nghị có liên kết "vùng xanh". Ảnh: Nam Anh.

Việc duy trì sản xuất trong khi dịch diễn biến phức tạp khiến chi phí doanh nghiệp tăng cao. Hiện không chỉ Công ty Cổ phần Nhôm Đô Thành, mà còn nhiều doanh nghiệp khác trong KCN Phú Thị đang làm phương án trình UBND huyện Gia Lâm phê duyệt cho phép công nhân ở trong vùng xanh thuộc huyện được về nơi ở và đi làm như bình thường; chỉ áp dụng “3 tại chỗ” với các công nhân thuộc “vùng cam”, “vùng đỏ”.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp kinh doanh sắt và gỗ thuộc KCN Bình Phú, KCN Phùng Xá (đều thuộc huyện Thạch Thất, TP Hà Nội) cho hay, họ được tạo điều kiện hết sức thuận lợi để phát triển sản xuất trở lại. Nhờ đó, một số doanh nghiệp đã đạt 100% hiệu suất dây truyền. Tuy nhiên, việc sản xuất chưa thể hoàn toàn trở lại còn thiếu lao động trầm trọng.

Kiến nghị liên kết "vùng xanh"

Như nhiều doanh nghiệp cán thép ở KCN Phùng Xá muốn tuyển lao động tự do ở huyện liền kề ngay đó (nhằm tiết kiệm chi phí) là huyện Hoài Đức, nhưng lại gặp khó. Bởi trên thực tế, nhiều doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong khâu thu hút lao động tự do. Huyện Hoài Đức giáp ranh với huyện Thạch Thất, nhưng hiện “vùng xanh” Hoài Đức không cho phép lao động ra khỏi địa bàn.

Theo nhiều chủ doanh nghiệp đóng trên địa bàn KCN Phùng Xá và Bình Phú, nếu trong thời điểm hiện tại, để các doanh nghiệp tự tìm kiếm nguồn lao động trong “vùng xanh” của mỗi huyện, e rằng sẽ rất khó khăn, không đủ số lượng.

Nhiều chủ doanh nghiệp nơi đây cho biết, doanh nghiệp đã lên nhiều phương án chống dịch, thường xuyên tổ chức cho lao động xét nghiệm PCR định kỳ, sẵn sàng ký cam kết tự chịu trách nhiệm nếu để xảy ra ca nhiễm Covid-19. Và trên cơ sở này kiến nghị có cơ chế “vùng xanh” liên kết giữa các huyện, nhằm thuận lợi tuyển lao động.

Còn tại một “vùng xanh” khác, đó là huyện Đan Phương, tình hình sản xuất của các doanh nghiệp địa phương bắt đầu vào guồng. Nhằm tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, huyện Đan Phượng ưu tiên tiêm vaccine cho toàn bộ công nhân. Đồng thời cho phép công nhân từ các “vùng xanh” khác về Cụm công nghiệp huyện Đan Phượng làm việc.

Theo đại diện Ban quản lý Cụm công nghiệp huyện Đan Phượng: hiện đã có 26 doanh nghiệp thuê đất trong cụm công nghiệp này hoạt động trở lại. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn phải hoạt động cầm chừng bởi hiện nay chưa có sự thống nhất chỉ đạo liên huyện, trong việc cho lao động “vùng xanh” về làm việc, do ưu tiên phòng chống dịch tại các quận, huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Doanh nghiệp “vùng xanh” gặp khó khi hoạt động trở lại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO