Cuộc chơi lớn nhiều thách thức

Minh Phương 01/07/2019 23:00

Với EVFTA, cơ hội đến với các doanh nghiệp (DN) Việt Nam rất lớn, song những vấn đề về công nghệ, năng lực quản trị vẫn là rào cản với DN Việt- đó là nhận định của giới chuyên gia, nhà quản lý tại buổi tọa đàm về EVFTA do Bộ Công thương phối hợp với VCCI tổ chức vào ngày 1/7, tại Hà Nội.

Cuộc chơi lớn nhiều thách thức

Các diễn giả tại tọa đàm.

Chuẩn bị kỹ tâm thế, nhân lực, vật lực

Tại buổi tọa đàm, nhà quản lý, giới chuyên gia đều nhận định: Hiệp định này sẽ mang lại cơ hội rất lớn cho DN Việt trong việc thâm nhập thị trường rộng lớn như EU đồng thời cũng có rất nhiều thách thức đặt ra khi tham gia cuộc chơi lớn này. Chính bởi vậy, việc cần làm của các DN Việt Nam hiện nay là phải chuẩn bị kỹ càng về tâm thế, nhân lực, vật lực để có thể tiếp cận các cơ hội mà EVFTA mang lại.

Theo ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chúng ta không phủ nhận sẽ phải đối mặt với các thách thức, tuy nhiên ông Lộc cũng cho rằng “tôi tin vào nội lực DN Việt Nam”. Đáng chú ý, đối với các sản phẩm mà Việt Nam có sức cạnh tranh thấp, Hiệp định cũng có lộ trình để DN có thời gian thích nghi. Ngoài ra, có rất nhiều sản phẩm mà Việt Nam và EU không cạnh tranh nhau trực tiếp, đó là một lợi thế.

Để tận dụng được cơ hội từ Hiệp định này, ông Lộc cho rằng, phải vượt qua 4 thách thức. Đầu tiên là vấn đề nguồn gốc xuất xứ. Hiện nay nhiều mặt hàng xuất khẩu của chúng ta nhập khẩu nguyên liệu từ ASEAN, Trung Quốc… mà không phải từ châu Âu hay Việt Nam. Thứ đến là vấn đề rào cản kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm. Tiêu chuẩn châu Âu là cao nhất, khó nhất do vậy cần có sự nỗ lực của DN, chính sách từ phía Nhà nước và cần cả sự hợp tác từ EU để hỗ trợ DN Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu khắt khe. Thứ ba là chi phí tuân thủ bởi Hiệp định này yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn, môi trường. Và một khó khăn nữa được đặt ra đó là DN phải hiểu rõ, nắm bắt cụ thể từng cam kết.

“Ký kết Hiệp định này cũng như FTA khác đó là “thông” thị trường, tiếp đến phải thoáng về thể chế. Thị trường thông rồi, mở ra rồi mà thể chế vẫn trói buộc thì DN khó sống” - ông Lộc nhấn mạnh.

Thách thức trong quá trình thực thi

Đứng ở vai trò nhà quản lý, ông Trần Tuấn Anh - Bộ trưởng Bộ Công thương nhấn mạnh, EVFTA cũng như IPA là các FTA thế hệ mới đòi hỏi yêu cầu rất cao từ cả hai phía Việt Nam và EU. Mục tiêu cao nhất của Hiệp định này chính hướng tới những cơ hội mới giữa Việt Nam và EU thông qua trao đổi thương mại.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công thương, nhìn vào cơ cấu thương mại giữa Việt Nam với EU sẽ thấy thay vì tính cạnh tranh, EVFTA sẽ mang tính bổ sung rất lớn. Thị trường EU với 28 quốc gia rất phù hợp với các sản phẩm mang tính đặc thù của những ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam. Dung lượng cũng như quy mô thị trường của EU là điều kiện cho các DN Việt Nam khai thác cơ hội.

“Các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam không chỉ mang lại giá trị gia tăng lớn mà còn có điều kiện tạo nên chuỗi giá trị toàn cầu. EVFTA có hiệu lực sẽ giúp Việt Nam có điều kiện cải thiện năng suất lao động, trình độ công nghệ. Chính vì thế, việc xây dựng thương hiệu là việc làm tiên quyết mà các DN Việt Nam cần tính toán và khai thác trên cơ sở Việt Nam hiện nay đang có tới 39 sản phẩm hàng hóa có chỉ dẫn địa lý”- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khích lệ.

Tuy nhiên theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Hiệp định EVFTA càng đưa vào thực thi sớm thì hiệu quả càng cao, cho nên thách thức sẽ không nằm trong ý nghĩ chủ quan mà sẽ phát sinh trong quá trình thực thi. Chính vì thế, Nhà nước cần tiếp tục cải cách các chính sách để tiến tới đáp ứng các nhu cầu của DN và người dân, nếu có sự tương tác chặt chẽ và hiệu quả giữa cộng đồng DN với người dân cũng như khu vực công thì những khó khăn sẽ biến thành hiệu quả và cơ hội.

“Chưa bao giờ Việt Nam có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự thực thi Hiệp định EVFTA như lúc này. Những quy tắc của EVFTA không còn là thông tin chung chung của hiệp định mà đã đi vào cụ thể đối với từng nhóm ngành hàng. Vấn đề còn lại hiện nay chính là chương trình hành động cụ thể và cách thức thực hiện do Chính phủ, các bộ, ngành cũng như các địa phương đề ra để khi thực thi EVFTA có hiệu quả cao nhất” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Tại tọa đàm, bà Cecilia Malmstrom - Cao ủy phụ trách thương mại EU cho biết, EU mong muốn trở thành nhà đầu tư lớn hơn nữa tại Việt Nam. Theo bà, Hiệp định EVFTA sẽ thay thế cho 21 hiệp định song phương Việt Nam có với các nước châu Âu, bảo vệ quyền lợi cho các DN thuộc khối này, hướng họ đầu tư mạnh mẽ hơn vào nền kinh tế 95 triệu dân. Bà Cecilia Malmstrom cũng cho rằng, việc ký kết FTA với Việt Nam ngày 30/6 là thông điệp gửi đến thế giới trong bối cảnh bảo hộ thương mại đang dâng cao.

* “Doanh nghiệp và người dân sẽ trực tiếp vận hành Hiệp định nên những chủ thể này có vai trò vô cùng quan trọng. Cao uỷ Thương mại Liên minh châu Âu đã sẵn sàng cho việc đảm bảo các lộ trình thực hiện sau khi Hiệp định đi vào thực thi. Cao uỷ Thương mại Liên minh châu Âu bảo vệ người tiêu dùng EU khi nhập khẩu hàng hoá, chính vì thế Việt Nam cần nhiều nỗ lực để tuân thủ những tiêu chuẩn quốc tế, không chỉ được quy định bởi Hiệp định EVFTA này mà cả những hiệp định khác”, theo bà Cecilia Malmstrom- Cao ủy phụ trách thương mại EU.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cuộc chơi lớn nhiều thách thức

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO