Độc đáo nhà Gươl trong trường học

Thái Bình -Thanh Huyền 14/07/2021 06:30

Xây dựng nhà Gươl trong trường học là chủ trương của ngành giáo dục huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam nhằm hưởng ứng phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực” do Bộ GDĐT phát động.

Nhà Gươl trong trường học là nơi gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu.

Nhà Gươl là nét văn hóa độc đáo của người Cơ Tu, bởi nơi đây là trung tâm sinh hoạt của cả buôn làng. Đây cũng là không gian tổ chức nhiều lễ hội truyền thống của buôn làng như: Lễ ăn mừng lúa mới, lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng Cơ Tu cùng nhiều lễ hội khác.

Chính vì vậy, nhà Gươl luôn nằm ở trung tâm bản làng. Với nhiều ý nghĩa kể trên và nhằm bảo tồn văn hóa người Cơ Tu, ngành giáo dục huyện Nam Giang quyết định đưa nhà Gươl vào khuôn viên trường học.

Từ chủ trương của huyện, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) huyện Nam Giang đã được đầu tư xây dựng nhà Gươl mới ở khuôn viên trường. Đây là nơi tổ chức sinh hoạt ngoại khóa cho học sinh, đồng thời đưa văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu đến gần với các em.

Khi Ban Giám hiệu đề xuất ý tưởng xây dựng nhà Gươl, Ban cha mẹ học sinh của trường hưởng ứng nhiệt tình, bắt tay cùng xây dựng. Tất cả nguyên vật liệu đều được Ban cha mẹ học sinh của trường phân công cho phụ huynh các lớp phụ trách chuẩn bị. Với sự cố vấn, giám sát của một số già làng Cơ Tu bản địa, nhà Gươl truyền thống được dựng ngay tại khuôn viên của trường.

Già làng Alăng Ró, xã Tà Pơ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam là nghệ nhân cũng là người phụ trách dựng nhà Gươl tại trường cho biết: “Từ bao đời nay người Cơ Tu chung sống trong làng, những ngôi nhà quây quần bên nhau, ở giữa là nhà Gươl. Nó gắn liền với đời sống sinh hoạt, văn hóa của cả buôn làng. Nếu như người Ba Na, Ê Đê ở Tây Nguyên có Nhà Rông, người Kinh có Đình thì người Cơ Tu có nhà Gươl. Đó là linh hồn của làng”.

Nhiều lễ hội được diễn ra ở trước sân nhà Gươl.

Theo Già làng Alăng Ró, từ xa xưa đến giờ, ý nghĩa của việc làm nhà Gươl là để tập trung người dân hội họp và chỉ dạy cho con cháu những điều hay và truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Dựng nhà Gươl trong trường học để góp phần giáo dục học sinh về ý thức bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, giữ tính cộng đồng làng bản khi các cháu học tại trường.

Ngay góc sân trường, một nhà Gươl mái lá truyền thống được dựng lên, mái lợp bằng lá, sàn nhà được làm bằng 2 lớp gỗ và 1 lớp tre lồ ô. Tổng diện tích 20 m2, kinh phí đầu tư gần 100 triệu đồng.

Một giáo viên của Trường PTDTNT khẳng định: “Nhà Gươl không chỉ làm nơi đón tiếp khách, vui chơi sinh hoạt, mà còn là không gian mở giúp học sinh nhận thức và tự hào về giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Dưới mái Gươl, những nét đẹp văn hóa độc đáo, lễ hội, cồng chiêng được nhà trường lồng ghép các buổi ngoại khóa giáo dục giới tính, an toàn giao thông và luyện tập điệu múa “tân tung da dá”... Những giờ ngoại khóa, sinh hoạt tại nhà Gươl, em nào cũng háo hức tham gia. Em Bh’nướch Thị Diễm, học sinh Trường PTDTNT Nam Giang chia sẻ: “Em ở nội trú dù xa nhà nhưng có mái nhà Gươl này giúp em bớt nhớ nhà, nhớ ba mẹ và các em”.

Trao đổi với chúng tôi, cô Lê Cảnh Phương Hạnh, Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Nam Giang cho biết: Trường luôn luôn chú trọng đến các mặt hoạt động giáo dục để học sinh phát triển toàn diện. Đặc biệt là công tác duy trì bản sắc văn hóa địa phương thì nhà trường rất chú trọng. Đối với học sinh đến từ các bản làng xa xôi, xa nhà, học bán trú việc có nhà Gươl ngay tại trường khiến các em rất vui, ham học hơn.

Cô Hạnh còn cho biết, hàng tháng nhà trường tổ chức một buổi sinh hoạt cộng đồng vào ban đêm, mời các già làng uy tín trong những thôn bản ở gần trường đến để kể những câu chuyện cổ của đồng bào, hướng dẫn các học sinh cách đánh cồng chiêng hoặc múa “tân tung da dá” để cho các em học sinh được lưu giữ, duy trì bản sắc văn hóa của mình.

“Hiện nay các em được tiếp cận với thông tin nhanh chóng thông qua các mạng xã hội cho nên có sự xao lãng trong học hành cũng như giữ gìn bản sắc dân tộc cực kỳ khó khăn. Việc xây dựng Gươl trong trường học không chỉ phát huy giá trị văn hóa đặc trưng của địa phương mà còn thể hiện công tác xã hội hóa chăm lo cho sự nghiệp giáo dục của chính đồng bào các Cơ Tu nơi đây. Ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng phòng GDĐT huyện Nam Giang, Quảng Nam nhấn mạnh.

Việc xây dựng nhà Gươl trong các trường học là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo với nhiều ý nghĩa thiết thực, vì thế huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đang triển khai nhân rộng mô hình này. Đây là không gian gắn bó đối với các học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số huyện Nam Giang.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Độc đáo nhà Gươl trong trường học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO