Đồi bị san bằng, người bản Khúa bức xúc

Điền Bắc 20/04/2022 14:11

Bỏ tiền mua lại hàng chục nghìn mét vuông đất lâm nghiệp của các hộ dân xung quanh, sau đó một cá nhân đã ngang nhiên san ủi, đào bới quả đồi rộng 8.000 m2. Sự việc xảy ra tại xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp (tỉnh Nghệ An), khiến người dân bất bình, nhưng chính quyền lại cho rằng việc san gạt để tạo mặt bằng… trồng keo?

Người dân tự ý mua đất, san ủi, đào xới quả đồi, sau một thời gian dài chính quyền xã mới hay biết.

Bạt cả một quả đồi

Theo phản ánh của người dân bản Khúa, xã Châu Lý, cuối tháng 2/2022, tại một quả đồi cách QL48D chừng 500m, xuất hiện máy múc, xe tải vào khu vực nói trên tiến hành chặt cây, sau đó đào bới, san gạt với quy mô lớn. Việc san ủi diễn ra khoảng hơn 1 tuần, khiến quả đồi rộng hàng héc ta đã bị san phẳng. Một khối lượng đất được san gạt từ trên cao rồi đắp thành mặt bằng ở phía dưới.

Ngoài ra, theo người dân sống xung quanh khu vực này cho biết, một lượng đất đá thừa cũng được những người này múc lên xe để chở đi bán san lấp ở các khu vực lân cận. “Họ vào đào xới quả đồi này khoảng hơn 1 tuần, họ chuyển một phần đi san lấp cho một số công trình lân cận” - một người dân bản Khúa cho biết.

Tại hiện trường, theo quan sát của chúng tôi, những phản ánh của người dân là có cơ sở. Ngay từ QL48D, theo con đường dân sinh rộng chừng 5m, đi sâu vào khoảng 500m, quả đồi rộng lớn, với khối lượng lớn đất đá đã bị đào bới nham nhở. Tính từ độ cao đỉnh đồi xuống vị trí thấp nhất khoảng 3m, một phần lớn đất đá đã được mang đi. Những vị trí chưa bị san ủi, cây đã bị chặt hết. Tại diện tích bị san phẳng đã thấy “phủ” lên hàng trăm cây keo non.

Cũng theo phản ánh của người dân bản Khúa, đây là khu đất trồng keo của 5 hộ dân địa phương, mới đây có người ở xã Châu Quang vào mua lại rồi đào bới, san gạt với ý đồ sử dụng vào mục đích khác. Vì việc trồng cây keo con lên trên diện tích đất mới san gạt là để “chữa cháy”, chứ không ai bỏ kinh phí như thế đi đào cả quả đồi cây đang xanh tốt, ủi đi để trồng keo bao giờ?

Biên bản kiểm tra của chính quyền xã Châu Lý.

Chỉ xử phạt 20 triệu đồng

Qua xác minh, được biết chiếc máy xúc là do ông Mạnh Trọng An, trú tại xóm Khánh Quang, xã Châu Quang thuê về để san gạt đất. Theo ông An, thửa đất này ông đã mua lại của 5 hộ dân bản Khúa. Mục đích san gạt là để làm xưởng sản xuất, bóc gỗ keo.

Trong khi đó, trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Vi Văn Quành - Chủ tịch UBND xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp cho biết: Sau khi nhận được phản ánh của người dân, xã đã tiến hành kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu ông An đình chỉ việc san ủi. Theo biên bản tại hiện trường, nhận thấy có 1 máy xúc đang hoạt động đào, san gạt đất với diện tích đã san gạt khoảng 8.000m2, có một số vùng đất sau khi san gạt đã trồng cây keo giống. Ông Quành khẳng định: “Việc ông An tại xã Châu Quang mua đất lâm nghiệp của một số hộ dân trong xã, sau đó tiến hành đào bới, san gạt là có. Sự việc diễn ra khá lâu, xã mới phát hiện khi thấy nhiều xe tải chở đất đi ra đường”.

Ông Quành cũng cho biết thêm: Diện tích đất nói trên là đất rừng sản xuất và không phải là nơi quy hoạch, cũng như không có dự án hay nhà xưởng nào được cơ quan chức năng cho phép để xây dựng tại khu đất này. Việc đào bới, san gạt của ông An là tự phát và khi phát hiện sự việc thì UBND xã Châu Lý đã yêu cầu dừng ngay việc làm nói trên.

Tuy nhiên, qua biên bản kiểm tra hiện trường của UBND xã Châu Lý, có nội dung về việc san gạt nhằm “để sản xuất, canh tác được thuận tiện nên ông An đã thuê máy về san gạt để tiếp tục trồng keo”. Người dân cho rằng, nội dung biên bản như vậy là không hợp lý, bởi keo thường được trồng dọc lưng đồi, chứ không ai lại san phẳng đồi như vậy để trồng.

Trong khi đó, ông Lê Sỹ Hào - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: “Vụ việc tôi có nắm được, hiện chính quyền xã đã lập biên bản đình chỉ và xử phạt theo quy định”. Vấn đề này cũng được Chủ tịch UBND xã Châu Lý xác nhận, đồng thời cho biết: “Số tiền đề nghị huyện xử phạt khoảng 20 triệu đồng”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồi bị san bằng, người bản Khúa bức xúc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO