Đối diện với biến thể Delta Plus

Phan Quang Vũ (tổng hợp) 27/06/2021 14:01

Tại thời điểm này, Delta là biến thể SARS-CoV-2 nhanh nhất, mạnh nhất và nó sẽ nhắm vào những người dễ tổn thương nhất, đặc biệt ở những nơi có tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 thấp -Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 21/6 cảnh báo.

Nhưng, cảnh báo đó đã bị coi là lạc hậu khi chính biến thể Delta lại nhân bản, gọi là Delta Plus với mức lây lan nhanh hơn.

“Chúng đã trở nên nguy hiểm hơn bởi có cách lây lan dễ dàng hơn và sẽ tìm tới những người dễ tổn thương khiến tình trạng bệnh của họ trở nên nghiêm trọng” - Mike Ryan, Giám đốc điều hành chương trình khẩn cấp của WHO nhận định.

Đo thân nhiệt kiểm soát Covid-19 tại Ấn Độ.

Chúng ta có thể bảo vệ những người dễ tổn thương này và những nhân viên tuyến đầu nhưng thực tế chúng ta đã không làm vậy. Như Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus từng nhắc đi nhắc lại nhiều lần về một thất bại thảm họa ở cấp độ toàn cầu - ông Ryan nói.

Cho dù chưa có những xác quyết về biến thể Delta Plus, nhưng theo WHO, Delta là biến thể vượt trội khi chiếm hầu hết số ca mắc Covid-19 trên thế giới. Nếu như chỉ một tháng trước, WHO cảnh báo Delta là “biến thể gây lo ngại” thì nay chúng đã là “biến thể đáng lo ngại”.

Còn với Delta Plus, theo Tiến sĩ Paul Offit - Giám đốc Trung tâm vaccine thuộc Viện Nhi Philadelphia (Mỹ) “sẽ phải tìm cho nó một mô tả với cấp độ cao hơn”.

Mọi người cần được tiêm vaccine

“Chúng ta cần tiêm vaccine ngay bây giờ. Mọi người đều cần được tiêm vaccine” - TS Offit kêu gọi, vì rằng đó là cách tốt nhất để cơ thể sớm sinh kháng thể, không chỉ nhằm đối chọi với chủng virus SARS-CoV-2 ban đầu mà cả với biến thể Alpha (lần đầu tiên ghi nhận ở Anh), hay Delta (lần đầu tiên ghi nhận tại Ấn Độ) và đương nhiên là với cả biến thể Beta (lần đầu tiên ghi nhận tại Nam Phi).

Tới tuần thứ 3 của tháng 6, biến thể Delta đã lây lan ra 92 quốc gia - theo người phụ trách kỹ thuật của WHO, bà Maria Van Kerkhove. Nó chiếm ít nhất 10% những ca mắc mới ở Mỹ, và chiếm hơn 60% số ca mắc mới ở Anh. Và không còn nghi ngờ gì nữa, Delta là nguyên nhân chính dẫn đến làn sóng dịch bệnh Covid-19 đanh hoành hành tại châu Á.

“Không có biến thể nào thực sự kết hợp giữa khả năng lây nhiễm cao và mức độ nguy hiểm nhưng biến thể Delta đã trở thành biến thể có khả năng này nhất, nhanh nhất và mạnh nhất - WHO đánh giá. Biến thể này nhanh hơn. Vì thế, nếu những người bị bỏ lại không được tiêm vaccine, họ sẽ đối mặt với những rủi ro ngày càng lớn.

Trong khi đó, giới chuyên gia y tế lại lên tiếng lo ngại rằng biến thể Delta Plus có thể gây ra làn sóng thứ ba ở Ấn Độ. Tối 22/6, Ấn Độ cho biết nước này đã phát hiện 22 ca đã nhiễm biến thể Delta Plus của virus SARS-CoV-2 ở ba bang Maharashtra, Kerala và Madhya Pradesh. Đây là một “biến thể rất đáng lo ngại”.

Delta Plus được coi là phiên bản đột biến mới của biến thể Delta được phát hiện lần đầu tại Ấn Độ. Phát biểu với báo giới, ông V.K Paul - người đứng đầu nhóm chuyên gia quốc gia về quản lý vaccine, nói: “Giới chức 3 bang kể trên đã được khuyến cáo lập tức áp dụng các biện pháp ngăn chặn tại các huyện (có ca nhiễm Delta Plus) và các cụm lây nhiễm, trong đó bao gồm ngăn chặn tụ tập đông người, xét nghiệm trên diện rộng, truy dấu nhanh chóng cũng như ưu tiên tiêm vaccine. Chúng tôi không muốn con số nhỏ biến thành con số lớn hơn”.

Còn giới chức y tế ở bang Maharashtra lo ngại biến thể Delta Plus có nguy cơ gây ra làn sóng thứ ba và cảnh báo nó có thể đến sớm hơn dự kiến. Hiện bang này đã đang chuẩn bị ứng phó với làn sóng thứ ba, trong đó có việc thu thập dữ liệu như lịch trình đi lại và tình trạng tiêm vaccine của những người đã báo cáo nhiễm phiên bản virus này.

Tuy nhiên, cho đến nay vẫn có rất ít thông tin về biến thể Delta Plus, mặc dù chúng đã “có mặt” ở 9 quốc gia gồm Mỹ, Anh, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Ba Lan, Nga và Trung Quốc và Ấn Độ. “Delta Plus được coi là có khả năng lây nhiễm cao và lây lan nhanh chóng. Nó cũng cho thấy khả năng bám chặt hơn vào các thụ thể của tế bào phổi và có khả năng làm giảm phản ứng kháng thể đơn dòng” - ông V.K Paul cảnh báo.

Mối đe dọa lớn nhất

Tại Mỹ, cho dù là quốc gia có số người tiêm chủng vaccine hàng đầu thế giới, thì biến thể Delta cũng được coi là đang đe dọa nỗ lực dập dịch. Tiến sĩ Anthony Fauci - chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Mỹ khẳng định, biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 được tìm thấy đầu tiên ở Ấn Độ là mối đe dọa lớn nhất đối với nỗ lực của Mỹ nhằm chấm dứt đại dịch Covid-19 ở trong nước.

“Không thể nghi ngờ gì về khả năng lây lan lớn hơn của biến chủng Delta so với chủng virus ban đầu của dịch Covid-19” - ông Fauci nói đồng thời cho rằng điều này có liên quan tới việc gia tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Tuy nhiên, theo ông Fauci, các loại vaccine hiện nay được cấp phép sử dụng ở Mỹ như Pfizer /BioNTech có hiệu quả đối với các biến thể mới của SARS-CoV-2. Còn với thông tin biến thể Delta Plus thì chưa thể đưa ra một nhận xét chắc chắn.

Tương tự, chuyên gia của WHO, Soumya Swaminathan, cho biết biến thể Delta đang trên đường trở thành biến thể “thống trị toàn cầu” vì khả năng lây nhiễm của nó. Biến thể Delta sẽ đe dọa những người chưa được tiêm chủng và nó cũng là mối đe dọa với bất cứ nền kinh tế nào đang vội vã mở cửa trở lại.

Sẵn sàng đối phó

Trong khi đó, các chuyên gia y tế Trung Quốc khẳng định vaccine có hiệu quả đối với biến thể Delta.

Theo ông Ngụy Thịnh, Giáo sư Học viện Y Đồng Tế thuộc Đại học Khoa học kỹ thuật Hoa Trung (Trung Quốc), nhằm đối phó với biến thể Delta (Delta Plus) - chủng virus sắp trở thành chủng lây lan chính trên toàn cầu thì các cơ quan y tế cần phải thực hiện một loạt các biện pháp đồng bộ như đẩy nhanh tốc độ điều tra dịch tế, mở rộng số lượng và phạm vi xét nghiệm axit nucleic, đồng thời cần tăng cường các biện pháp phòng dịch càng sớm càng tốt.

Về góc độ người dân, ông Ngụy Thịnh kêu gọi chủ động tiến hành tiêm chủng vì các vaccine hiện có được cho là có hiệu quả đối với biến thể Delta.

“Kết quả xét nghiệm mới nhất cho thấy, các loại vaccine hiện có vẫn có tác dụng đối với biến thể Delta. Đặc biệt là từ kinh nghiệm phòng chống dịch tại Quảng Châu vừa qua, những người tiêm xong các mũi vaccine cho dù mắc Covid-19 biến chủng Delta thì khả năng xuất hiện các diễn biến nghiêm trọng đều thấp hơn rất nhiều so với người chưa tiêm. Do đó có thể khẳng định, các loại vaccine mà chúng ta đang sử dụng hiện nay có hiệu quả với biến thể Delta” - ông Ngụy Thịnh cho biết.

Cơ quan Y tế công cộng Anh cũng cho biết, các loại vaccine hiện nay có hiệu quả đối với biến thể Delta. Theo đó vaccine của Prifer/BioNTech đạt hiệu quả 88% đối với bệnh có triệu chứng do biến thể Delta và vaccine AstraZeneca đạt 60% nếu tiêm đủ liều, còn nếu tiêm một liều hiệu quả này chỉ đạt 36% và 30%.

Trong vòng 12 ngày trở lại đây, 99% trường hợp mắc Covid-19 mới ở Anh là thuộc biến chủng Delta. Tại Nga, Thị trưởng Moscow Sobyanin cho biết 89,3% các ca bệnh mới tại thành phố này cũng thuộc biến chủng Delta. Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), bà Rochelle Walensky cho biết, biến thể Delta có thể trở thành biến thể chính tại Mỹ, tuy nhiên vaccine vẫn là giải pháp hữu hiệu nhất.

Delta Plus nguy hiểm thế nào?

Delta Plus được cho là sở hữu tất cả đặc điểm của biến thể Delta (phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ) kết hợp với đột biến trong biến thể Beta (phát hiện đầu tiên ở Nam Phi). Delta Plus được coi là có khả năng lây nhiễm cao và lây lan nhanh chóng. Nó cũng cho thấy khả năng bám chặt hơn vào các thụ thể của tế bào phổi và có khả năng làm giảm phản ứng kháng thể đơn dòng. Biến thể Delta Plus lần đầu tiên được phát hiện tại châu Âu vào tháng 3/2021. Tuy nhiên, mãi đến ngày 13/6, biến thể này mới được chính thức ghi nhận.

Hiện vẫn chưa có gì chắc chắn về kịch bản Delta Plus có thể gây ra làn sóng Covid-19 thứ 3 tại Ấn Độ, nhất là khi số ca mắc liên quan đến biến thể này chưa nhiều, cũng chưa có dữ liệu chứng tỏ nó lây nhiễm dễ dàng hơn hoặc gây ra bệnh nặng hơn so với các biến thể khác. Tuy nhiên một số chuyên gia tại Ấn Độ cho rằng, tất cả dòng của Delta đều là “biến thể đáng lo ngại” nên không có gì bất thường khi xếp Delta Plus vào nhóm này.

Theo các chuyên gia Ấn Độ, cả hai loại vaccine đang được sử dụng ở Ấn Độ là Covishield và Covaxin đều có hiệu quả chống lại biến thể Delta. Nhưng các chuyên gia y tế cũng cho rằng biến thể Delta Plus chứa một đột biến quan trọng cho phép nó né tránh các phản ứng miễn dịch, có nghĩa là cần phải tăng cường hiệu quả của vaccine.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đối diện với biến thể Delta Plus

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO