Đổi mới chính trị phải 'đi kịp' với đổi mới kinh tế

Vũ Mạnh 30/10/2020 12:14

Cho rằng thời gian qua đổi mới kinh tế rất mạnh, mang lại nhiều hiệu quả nhưng đổi mới chính trị lại chậm, GS Võ Đại Lược nhấn mạnh, trong kỳ Đại hội tới, chúng ta phải đổi mới chính trị, làm sao đi kịp với kinh tế.

Sáng nay, 30/10, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến của các nhân sĩ, trí thức, luật gia, người tiêu biểu các dân tộc thiểu số, chức sắc các tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Mở đường để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh

Là người đầu tiên góp ý, GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội nhận định, Đại hội XIII của Đảng diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt, nhiều vấn đề đặt ra ở tầm quốc tế chưa có tiền lệ như đại dịch Covid-19 ảnh hưởng rất nghiêm trọng, những mâu thuẫn trong quan hệ Mỹ - Trung, biến đổi khí hậu đã tác động đến nước ta.

Trong khi đó, sự nghiệp đổi mới được tiến hành từ năm 1986, đến nay đạt được nhiều thành tựu, đặc biệt là những thành tựu trong phát triển kinh tế, nhưng thực tiễn cũng đặt ra những vấn đề mới, đòi hỏi mới cần điều chỉnh về tư duy, giải pháp, mục tiêu.

GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội phát biểu tại Hội nghị.

Đi sâu phân tích, GS Võ Đại Lược cho rằng, đối chiếu với các dự thảo thì thấy ít cái mới. Chúng ta vẫn duy trì tư duy cũ, ví dụ như đất đai vẫn sở hữu toàn dân, kinh tế nhà nước vẫn chủ đạo…

“Chúng ta đã thấy thực trạng vừa qua tranh chấp, kiện cáo trong lĩnh vực đất đai rất phức tạp. Những sai phạm trong doanh nghiệp nhà nước hậu quả cũng rất lớn" - GS Lược phân tích.

GS Lược cũng đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu xem xét tư duy về nền kinh tế thị trường lấy kinh tế nhà nước làm chủ đạo bởi thực tế, chúng ta đang hội nhập quốc tế rất sâu, nếu giữ khái niệm này thì nó ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của quốc gia.

Cho rằng thời gian qua đổi mới kinh tế rất mạnh, mang lại nhiều hiệu quả nhưng đổi mới chính trị lại chậm, GS Võ Đại Lược nhấn mạnh, trong kỳ Đại hội tới, chúng ta phải đổi mới chính trị, làm sao đi kịp với kinh tế. Khẳng định Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo nhưng phải đặt ra vấn đề đổi mới hệ thống chính trị để phù hợp với tình hình hiện nay.

Góp ý cho tầm nhìn và định hướng phát triển của Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XIII trong nhiệm vụ, giải pháp phát triển văn hóa, xã hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, vai trò của văn hóa trong sự nghiệp phát triển đất nước đã được đặt ra trong Báo cáo chính trị. Tuy nhiên, theo tổng kết và nhận định của nhiều nhà nghiên cứu thì chúng ta chưa thực sự có những quyết sách chiến lược, những cơ chế cụ thể mở đường để văn hóa thực sự là sức mạnh nội sinh phát triển đất nước.

Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

“Để phát huy niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, khát vọng về một Việt Nam hùng cường thì nhân tố quyết định là ở xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Thượng tọa Thích Đức Thiện nói.

Thượng tọa Thích Đức Thiện cũng đặt vấn đề, dự thảo cần nhấn mạnh tôn giáo không chỉ là thành tố văn hóa, mà thực sự còn là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước.

Tổ quốc gọi, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng

Góp ý vào lĩnh vực đột phá đã được đề cập trong văn kiện, ông Trần Hải Linh, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA) cho rằng, hiện nay, quy mô nguồn nhân lực tăng lên trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhất là nhân lực chất lượng cao trong các ngành, lĩnh vực đột phá; các thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại được ứng dụng nhanh chóng, rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia bắt đầu hình thành.

Ông Trần Hải Linh, Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Ông Trần Hải Linh cũng đề nghị, cần giao trách nhiệm và trao niềm tin cho đội ngũ trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Tạo các cơ hội để cho họ cống hiến và chứng minh khả năng trên quê hương mình; cần thành lập một số nhóm nghiên cứu cho một số lĩnh vực ưu tiên cho công nghệ mang tính ứng dụng cao, nhanh ra sản phẩm cụ thể, cấp cho họ khoản kính phí hoạt động ban đầu. Đổi lại họ phải đáp ứng được yêu cầu công việc là phải hợp tác được với nhau thành những nhóm nghiên cứu mạnh, nhận những nhiệm vụ cụ thể, ra sản phẩm cụ thể và cam kết ra kết quả cụ thể.

“Là những người đang sinh sống, làm việc, nghiên cứu và học tập tại Hàn Quốc, cũng là những người luôn theo dõi bước chuyển mình của quê hương, chúng tôi có một niềm tin mạnh mẽ là Việt Nam sẽ tạo ra những “kỳ tích” như Hàn Quốc. Chỉ cần Tổ quốc gọi, chúng tôi sẵn sàng đáp ứng”, ông Trần Hải Linh bày tỏ.

TS Cầm Văn Đoản, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân tộc, UBTƯ MTTQ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội liên quan đến vấn đề dân tộc, miền núi, TS Cầm Văn Đoản, Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân tộc UBTƯ MTTQ Việt Nam kiến nghị phải cần có một cuộc cách mạng mới trong lâm nghiệp và tiếp tục có chương trình phát triển rừng bền vững trong kế hoạch 5 và 10 năm tới.

Bên cạnh đó là ổn định dân cư các công trình thủy điện, thủy lợi bởi di dân tái định cư các công trình này chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số, đời sống còn nhiều khó khăn.

“Trong chiến lược phát triển và kế hoạch 5 năm cần cơ bản ổn định và cải thiện, nâng cao mức sống, cải thiện các điều kiện ăn ở, học hành, đi lại chăm sóc sức khỏe của đồng bào tái định cư. Cùng với đó có những giải pháp cơ bản ổn định di cư tự do, tạo sinh kế, việc làm, định cư vững chắc cho đồng bào dân tộc thiểu số”, ông Cầm Văn Đoản nói.

Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu tại Hội nghị.

Thay mặt Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai trân trọng cảm ơn các ý kiến chân thành, sâu sắc, dựa trên tinh thần xây dựng, đóng góp tâm huyết cho Đảng của các đại biểu, trực tiếp là vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII.

Bà Trương Thị Mai khẳng định, với trách nhiệm của mình, Ban Chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sẽ tiếp tục tổng hợp các ý kiến để chuyển cho Tiểu ban Văn kiện tiếp tục hoàn thiện dự thảo các báo cáo trình Đại hội XIII.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới chính trị phải 'đi kịp' với đổi mới kinh tế

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO