Đổi mới giáo dục: Bắt đầu từ người thầy

Văn Minh 07/05/2017 10:30

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố mới đây đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của xã hội. Tuy nhiên, bài học về đổi mới giáo dục không thành công trước đây khiến nhiều người tỏ ra khá băn khoăn. Một trong những băn khoăn lớn nhất là chất lượng giáo viên.

Ảnh minh họa.

Băn khoăn chất lượng giáo viên

Về phía cha mẹ học sinh, tiếp cận dự thảo, chị Quyên- một phụ huynh trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu tỏ ra băn khoăn: Bộ GD-ĐT mới cho thấy dự kiến cải cách nội dung chương trình học, sách giáo khoa còn đối tượng mà chúng tôi thấy rất quan trọng để góp phần cải cách được thành công là giáo viên, lại không thấy đề cập trong dự thảo đề án này.

Có thể nói trong ngành giáo dục hiện vẫn còn nhiều giáo viên vừa yếu kiến thức lại thiếu kỹ năng nghề nghiệp. Điều này thể hiện qua hàng loạt vụ bạo hành học sinh thời gian qua chỉ vì những lý do đơn giản như trẻ quấy khóc nhiều, học sinh không thuộc bài, viết sai chính tả, nói chuyện trong lớp…

Trao đổi về vấn đề này, bà Lại Thị Nguyệt Hằng- Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Phong Sắc, Hà Nội thừa nhận đúng là ở nhiều trường học vẫn còn một số giáo viên yếu kỹ năng nghề nghiệp.

Bà chia sẻ, cách giải quyết việc học sinh không mặc đồng phục đến lớp thì thu áo không trả, học sinh không đi dép quai hậu thì thu dép bắt học sinh đi đất về nhà… của một vài giáo viên trường mình đã khiến cha mẹ học sinh lo lắng, thậm chí phản ứng. Theo bà Hằng, chất lượng giáo dục phụ thuộc vào đội ngũ giáo viên với tinh thần sáng tạo, liên tục đổi mới, thay đổi cho phù hợp.

Phân tích rõ hơn, TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý- nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cho rằng: Hiện nay, vấn đề giáo dục đạo đức người thầy chưa được thực sự chú trọng. Đây là nghề dùng nhân cách để giáo dục nhân cách, cho nên phải tuyển người giỏi chứ không nên tuyển sinh ồ ạt như hiện nay.

Theo TS Quý, hiện nay việc đào tạo cao đẳng, trung cấp sư phạm thường tuyển sinh ở mức điểm khá thấp. Đầu vào yếu nên khó đảm bảo chọn được những người yêu nghề và đủ năng lực làm nghề. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến chất lượng một bộ phận giáo viên có xu hướng xuống cấp như hiện nay.

Về vấn này, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển từng chia sẻ với báo chí rằng điểm yếu của phần lớn giáo viên phổ thông hiện nay là thói quen với phương pháp dạy học truyền thụ kiến thức lý thuyết một chiều dẫn tới việc học sinh thụ động ghi nhớ kiến thức máy móc, ít khả năng vận dụng kiến thức để giải quyết các vấn đề trong học tập và cuộc sống.

Vì vậy, theo yêu cầu, các trường sư phạm sẽ phải đổi mới đào tạo để cung cấp đội ngũ giáo viên mới đáp ứng được nhiệm vụ trong tương lai. Nhiều năm qua, Bộ đã yêu cầu các trường đào tạo sư phạm giảm chỉ tiêu khoảng 10%/năm, đồng thời nâng cao chất lượng đào tạo. Song song với việc triển khai chương trình, sách giáo khoa mới, Bộ GD-ĐT đặt ra mục tiêu 100% nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông sẽ được bồi dưỡng nâng cao năng lực theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên, chuẩn hiệu trưởng.

Đổi mới cơ chế đào tạo

Theo PGS.TS Bùi Văn Quân, Hiệu trưởng Trường ĐH Thủ đô Hà Nội, hệ thống đào tạo giáo viên hiện nay bộc lộ khá nhiều hạn chế. Điển hình là mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên phát triển thiếu ổn định do nhiều trường cao đẳng sư phạm yếu cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên được nâng cấp lên đại học, hoặc đổi tên để mở rộng tuyển sinh đào tạo trình độ đại học các ngành sư phạm và ngoài sư phạm.

Bên cạnh đó, hầu hết các cơ sở đào tạo giáo viên tập trung chủ yếu vào việc đào tạo mới và đào tạo nâng cao trình độ, chưa quan tâm đúng mức đến hoạt động đào tạo lại và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên. Trong khi thực tế tại nhiều trường, đội ngũ giáo viên tuổi cao, năng lực thấp, nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu khá nhiều. Học sinh thường ít hứng thú với những bài giảng theo lối mòn, thiếu sáng tạo và thiếu sự tương tác.

Cũng theo dự báo của PGS-TS Bùi Văn Quân, đến năm 2018 số giáo mới tốt nghiệp mỗi năm khoảng 90.000 người. Dù tăng tỷ lệ học sinh/giáo viên bình quân tương đương các nước công nghiệp phát triển thì đến năm 2020 cả nước vẫn sẽ dư thừa khoảng hơn 700.000 giáo viên phổ thông.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ- nguyên Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định, người thầy là gốc trong đổi mới giáo dục vì có chương trình tốt, cơ sở vật chất tốt mà giáo viên không giỏi thì không đảm bảo được chất lượng giáo dục. “Các trường sư phạm đang triển khai bồi dưỡng giáo viên theo hướng đổi mới nhưng thực tế người làm công tác biên soạn đổi mới chương trình phổ thông mới chỉ là một nhóm chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà sư phạm. Còn sự vào cuộc của các trường sư phạm với vai trò chủ đạo chưa đáng kể ”- PGS Nghiêm Đình Vỳ phân tích.

GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng thầy cô là yếu tố quyết định thành công của đổi mới. Là một trường đào tạo giáo viên các cấp thì tôi nghĩ, phải làm sao chuẩn bị thật tốt để hỗ trợ các thầy cô khi triển khai chương trình giáo dục mới. Tất nhiên nhà trường cũng đã chuẩn bị các chuyên đề để bồi dưỡng. Phía thầy cô, để đổi mới một thói quen là rất khó. Và chúng ta đổi mới cả cách nghĩ, cách làm thì càng khó hơn. Tuy nhiên, sự đồng hành và vào cuộc chủ động của các thầy cô cùng với các trường sư phạm, đặc biệt là các địa phương thì có thể từng bước tạo nên sự chuyển biến tích cực.

Nói về vấn đề này, GS Nguyễn Minh Thuyết- Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết hiện Bộ GD&ĐT đã có đề án đổi mới đào tạo sư phạm để tiến tới đào tạo giáo viên đa môn chứ không chỉ một môn như hiện nay. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ngay thời điểm mới nhậm chức cũng đã khẳng định: Giáo dục vì sự phát triển của con người, đổi mới giáo dục phải bắt đầu từ người thầy và từ cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

Về tiến độ thực hiện Chương trình, GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, trong năm học 2018-2019, cho triển khai đại trà Chương trình mới ở lớp 1; thực nghiệm ở lớp 2, lớp 6 và lớp 10. Trong năm học tiếp theo, triển khai đại trà ở lớp 2 và lớp 6, dạy thực nghiệm lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Năm thứ ba, triển khai đại trà ở lớp 3, lớp 7, lớp 10... Đến năm học 2022-2023, Chương trình mới sẽ được dạy ở tất cả các lớp theo đúng thời hạn Nghị quyết 88 của Quốc hội đề ra. Như vậy, các địa phương sẽ có đủ thời gian để chuẩn bị giáo viên, trang thiết bị dạy học và cơ sở vật chất để từng bước đáp ứng được yêu cầu của Chương trình mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới giáo dục: Bắt đầu từ người thầy

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO