Đổi mới họp phụ huynh

Thanh Thanh 15/05/2016 11:05

Bao năm rồi vẫn thế, trong một năm học, thông thường mỗi trường sẽ có ít nhất 2 - 3 cuộc họp phụ huynh vào đầu năm, cuối học kỳ 1 và cuối năm. Nội dung cuộc họp thường bắt đầu bằng việc giáo viên thông báo tình hình hoạt động chung, thành tích của trường, rồi đến của lớp và cuối cùng là yêu cầu phụ huynh hỗ trợ quỹ lớp, quỹ trường và vô số quỹ khác trên tinh thần tự nguyện... 

Vào thời điểm này, kỳ họp phụ huynh cuối năm, giáo viên chủ nhiệm sẽ là người tạo nên những cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố cho các bậc huynh. Phụ huynh nào có con ngoan ngoãn, học giỏi thì hân hoan, vui sướng. Còn ai có con mải chơi, lười học, kết quả yếu, hạnh kiểm xấu thì buồn bực, giận con và trách chính mình...

Không ít phụ huynh từng loay hoay, thậm chí căng thẳng trong vòng xoáy của những cảm xúc đó. Để rồi khi ra khỏi cuộc họp là mông lung suy tư, làm gì đây với những đứa con kém cỏi, nghịch ngợm và lười biếng? Đánh mắng, phân tích, nhẹ nhàng khuyên bảo… tất cả đều đã làm nhưng con vẫn bị giáo viên chủ nhiệm bêu tên vì nằm trong danh sách những học sinh có học lực yếu kém và hạnh kiểm xấu tại buổi họp. Khi đó, phụ huynh nào dù mạnh mẽ đến mấy cũng không tránh khỏi cảm giác xấu hổ, mặc cảm. Nhất là khi những phụ huynh khác lia ánh mắt về phía mình.

Một phụ huynh có cậu con trai nghịch ngợm thuộc hàng nhất lớp đang học lớp 7 ở Hà Nội sau cuộc họp phụ huynh đã mạnh dạn đặt câu hỏi với giáo viên: Với những học sinh hư, giáo viên cư xử với các em như thế nào trong giờ học, giờ sinh hoạt lớp? Và cuộc họp phụ huynh có phải là buổi để bêu riếu học sinh yếu kém? Nếu cho rằng việc bêu tên nhằm mục đích tạo ra sự cạnh tranh giữa học sinh, giúp các em tiến bộ hơn, thì nên thay đổi vì điều đó thực chất chỉ khiến phụ huynh và cả những em học sinh bị tổn thương.

Theo nhiều chuyên gia giáo dục và các bậc phụ huynh, giáo viên chính là những kỹ sư tâm hồn, vì thế với học sinh chưa ngoan, học yếu, giáo viên cần giảng giải, phân tích riêng và có sự tôn trọng để giúp học sinh nhận ra cái sai và tự điều chỉnh hành vi của mình. Còn việc bêu tên học sinh trước tập thể lớp hay toàn trường thể hiện sự bất lực, sự thất bại trong giáo dục. Nhất là việc bêu tên học sinh lại diễn ra ở cuộc họp phụ huynh.

Trên thực tế, tại nhiều cơ sở giáo dục hiện nay chưa phát huy hết vai trò, tác dụng của mối quan hệ nhà trường và gia đình. Cần phải thay đổi nội dung, bản chất của các cuộc họp cha mẹ học sinh, từ đó phát huy vai trò của gia đình. Làm sao để chiếc cầu nối giữa nhà trường và gia đình nhịp nhàng, đúng mực và hiệu quả, mang lại sự tiến bộ cho con em mình. Khi học sinh mắc lỗi trong học tập hay sinh hoạt cha mẹ sẽ được mời riêng để tìm ra phương án giải quyết. Không ai biết được kết quả của học sinh khác - đó là điều mọi người mong muốn tại mỗi cuộc họp phụ huynh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới họp phụ huynh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO