Đổi mới sáng tạo, phát huy tinh thần doanh nghiệp dân tộc

Mai Loan (ghi) 02/02/2016 00:33

“Tinh thần quốc gia khởi nghiệp phải được thổi hồn vào các doanh nghiệp của chúng ta. Một tinh thần trách nhiệm, một niềm tự hào, một sự tin tưởng của Nhà nước”- Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nói.    

Đổi mới sáng tạo, phát huy tinh thần doanh nghiệp dân tộc

Ông Vương Đình Huệ.

Năm 2015, các tổ chức quốc tế khá thống nhất trong nhận định khi cho rằng thế giới đang rơi vào chu kỳ tăng trưởng thấp kéo dài, các nền kinh tế phục hồi chậm và đa số các nền kinh tế mới nổi gặp khó khăn. Đó là lý do vì sao, đến nửa cuối năm 2015 hầu hết các định chế tài chính quốc tế đều hạ mức dự báo tăng trưởng của thế giới. Trong bối cảnh ấy, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng.

Những điểm sáng 2015

Câu chuyện giữa Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ với chúng tôi diễn ra vào một sáng cuối năm 2015. Bắt đầu từ những khó khăn tưởng như “bủa vây” nền kinh tế Việt Nam khiến cho ta khó lòng vượt thoát như suy nghĩ của một vài chuyên gia, ông phấn khởi nói về những điểm đáng chú ý của kinh tế nước nhà.

Ông chia sẻ: “Về mặt tăng trưởng, năm nay (2015) chúng ta tăng trưởng gần 6,7%, đây là lần đầu tiên trong nhiệm kỳ 5 năm cao hơn mức chỉ tiêu kế hoạch. Như vậy có thể thấy tăng trưởng bắt đầu đảo chiều từ giữa năm 2014 và xu hướng phục hồi mạnh hơn và rõ hơn trong năm 2015 này. Cập nhật số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê, ông vui vẻ thông tin: “Năm 2015, nền kinh tế đã tăng trưởng trên 6,5%, ước tính tăng 6,68%.

Trong nhiệm kỳ 5 năm, đây là lần đầu tiên mức tăng trưởng đạt cao hơn mức chỉ tiêu kế hoạch, với nhiều điểm rất tích cực và rất đáng chú ý: Một là, sản xuất công nghiệp phục hồi, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng đến 10,6%; hai là, tốc độ sản xuất và xuất khẩu của FDI có sự tăng trưởng rất cao, 12 tháng qua tăng 18,3% so với cùng kỳ; ba là, tính chung cả năm 2015, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3.242,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm trước (loại trừ yếu tố giá tăng 8,4%, cao hơn mức tăng 8,1% của năm 2014); bốn là, hiệu ứng rất tốt của Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)…, hiệu ứng của các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Nhờ Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi, tinh thần khởi nghiệp đang được “hâm nóng” dần lên. Năm 2015, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới tăng, tổng vốn đăng ký mới tăng mạnh”- Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nói như để giải thích cho sự lạc quan thấy rõ trong câu chuyện ông kể với chúng tôi.

Đây không chỉ là kết quả riêng của 2015, mà nó thực sự bắt đầu từ năm 2011 khi Đảng, Nhà nước ta điều chỉnh về mục tiêu phát triển. Còn nhớ, ngay sau Đại hội Đảng lần thứ XI, trước tình hình suy thoái kinh tế thế giới nghiêm trọng hơn dự báo và những khó khăn về kinh tế vĩ mô trong nước, chúng ta đã quyết định chuyển từ mục tiêu phát triển nhanh bền vững sang tăng trưởng mức hợp lý, ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội để thích ứng với điều kiện suy thoái kinh tế thế giới và các bất ổn kinh tế vĩ mô trong nước. Một chuyển hướng mang tính chiến lược và nhờ việc tổ chức thực hiện rất kiên trì, có hiệu quả nên mới đem lại thắng lợi như hiện nay- Trưởng ban Kinh tế Trung ương nói.

Nhờ quá trình rất bền bỉ và rất kiên nhẫn này mà kinh tế vĩ mô cơ bản giữ được ổn định, trong điều kiện kinh tế trong nước phục hồi chưa đủ mạnh, kinh tế thế giới sụt giảm như chúng ta đã từng đề cập nhiều lần. Bên cạnh đó việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, kể cả những lĩnh vực trọng tâm, như DNNN, đầu tư công, ngân hàng thương mại, xử lý nợ xấu, rồi lĩnh vực tái cơ cấu nông nghiệp có những kết quả tích cực. Môi trường kinh doanh và đầu tư được cải thiện, trong sự quyết liệt chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương.

Một điểm sáng khác phải kể đến trong năm 2015, theo ông Vương Đình Huệ, đó là việc kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cộng với đó là hàng loạt các Hiệp định FTA song phương và đa phương thế hệ mới mà Việt Nam đã ký với các nước, các đối tác và việc hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào 31-12-2015 vừa qua… rồi an sinh xã hội được bảo đảm; quốc phòng an ninh được tiếp tục tăng cường; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm...

2016: Tạo ra làn sóng đầu tư mới ở Việt Nam

Nói về năm 2016, Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng: Trong tình hình kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn dù vẫn còn chậm, kinh tế nước nhà sẽ tiếp tục đà phục hồi. Trong kế hoạch chúng ta đặt ra mục tiêu tăng trưởng khoảng 6,7% tức là cao hơn 2015. Đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu kinh tế cũng như thực hiện các đột phá chiến lược sẽ được thực hiện quyết liệt hơn.

Năm 2016 nếu đặt trong bối cảnh kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2016-2020) theo ông Vương Đình Huệ cần chú ý hai việc: Một là, tập trung mọi nỗ lực tạo ra làn sóng đầu tư mới ở Việt Nam từ việc ban hành các Luật Đầu tư sửa đổi và Luật Doanh nghiệp sửa đổi với các nội dung tiến bộ, minh bạch cao, đã ký kết hàng loạt các FTA thế hệ mới (TPP, EVFTA…) hứa hẹn tạo nhiều thuận lợi cho thương mại và đầu tư. Để tạo được làn sóng đầu tư mới ở Việt Nam với tinh thần khởi nghiệp quốc gia, chúng ta phải chú trọng phát triển doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI và cả hai khối doanh nghiệp này phải kết hợp tốt hơn, không bị lệch pha như hiện nay; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, áp đặt kỷ luật thị trường với tất cả các doanh nghiệp, kể cả các doanh nghiệp nhà nước.

Hai là, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII tới đây là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại và hội nhập quốc tế, vận hành đồng bộ và đầy đủ theo các nguyên tắc và quy luật của kinh tế thị trường, giải quyết hài hòa mối quan hệ của nhà nước và thị trường. Kiên trì thúc đẩy để có một hệ thống thị trường đồng bộ, quy mô, cơ cấu và thể chế phải đặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế; khơi thông phát triển các yếu tố thị trường và các loại thị trường, bao gồm thị trường hàng hóa dịch vụ, thị trường tài chính, thị trường lao động, thị trường bất động sản và thị trường khoa học công nghệ. Nếu không tập trung vào vấn đề này, kinh tế chúng ta sẽ chưa hết khó khăn trong giai đoạn tới- ông Vương Đình Huệ bày tỏ.

“Tinh thần là phấn đấu để cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XII vào năm 2020 và tương lai không xa chúng ta có 2 triệu DN đăng ký hoạt động (gấp 4 lần hiện nay). Để thúc đẩy khu vực DN trong nước kể cả DNNN và DN nhỏ và vừa, DN FDI thì cùng với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cần đồng thời phải nâng cao năng lực cạnh tranh trên cả ba góc độ: Quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Để có môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, rút ngắn khoảng cách quy định trên văn bản và thực thi của các cơ quan công quyền thì cần tác động theo chiều ngang tạo ra một môi trường thuận lợi nhất và đó là cách tác động tốt nhất ở các quốc gia và tác động theo chiều dọc đến từng DN”- ông Huệ nói.

Khơi dậy “tinh thần quốc gia khởi nghiệp”

Kể về chuyến công tác tại Israel để nghiên cứu chính sách ở một quốc gia khởi nghiệp tiêu biểu, ông Vương Đình Huệ cho rằng: Chúng ta phải thúc đẩy tinh thần quốc gia khởi nghiệp và có những chính sách rất cụ thể để thúc đẩy khởi nghiệp quốc gia, gắn với việc triển khai mạnh mẽ việc thực hiện Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

Ông nói: “Chúng ta phải có chính sách làm cho doanh nghiệp dân tộc mạnh lên. Muốn thế, trước hết phải tạo môi trường kinh doanh chung mà anh nào cũng được hưởng; phải hành xử với nhau theo nguyên tắc của kinh tế thị trường, lấy hiệu quả và chất lượng là tiêu chí quan trọng nhất để đánh giá hoạt động của các doanh nghiệp. Tức là, xây dựng được một triết lý của văn hóa của doanh nghiệp dân tộc”. Không phân biệt doanh nghiệp to hay nhỏ, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân; đã là doanh nghiệp Việt Nam đó là của người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.

“Tôi nghĩ, tinh thần quốc gia khởi nghiệp đang là động lực trong các doanh nghiệp Việt”- nhấn mạnh đến điều này, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ kể lại câu chuyện: “Một sân khấu lớn chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản Vesak 2014 tại Bái Đính với 3.500 chỗ ngồi, doanh nghiệp tự làm hết, cả thiết kế, cả thi công có 2 tháng. Một ví dụ khác Vincom Phú Quốc, ngoài đảo như vậy nhưng từ khi doanh nghiệp đưa máy móc, phương tiện, vật tư từ đất liền ra, nổ tiếng máy xúc, máy ủi đầu tiên cho đến khi khánh thành toàn khu chỉ mất 11 tháng”.

“Tinh thần quốc gia khởi nghiệp phải được thổi hồn vào các doanh nghiệp của chúng ta. Một tinh thần trách nhiệm, một niềm tự hào, một sự tin tưởng của Nhà nước”- ông Vương Đình Huệ nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đổi mới sáng tạo, phát huy tinh thần doanh nghiệp dân tộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO