Đời người

TRẦN HỮU THĂNG 11/06/2022 05:58

Đời người và những nội dung có trong cuộc đời ấy là những đề tài để tranh luận vô tận, mãi mãi không có hồi kết. Vì thế có nhiều định nghĩa, nhiều khái niệm, nhiều ca dao, tục ngữ, danh ngôn nói về cuộc đời.

Nguồn: VECTORSTOCK.COM.

Theo thống kê dân số thì đời người được tính từ năm sinh đến năm chết, ở giữa có cái gạch ngang, gặp ở các bia mộ tại các nghĩa trang. Thí dụ: Ông Nguyễn văn X (1900 - 1950), ông Phạm Văn Y (1900 - 1980). Ông Y thọ 80 tuổi, ông X chỉ sống được 50 tuổi, nhưng sự nổi tiếng của ông X lại là điều đáng nói. Ông X là một danh ca nên sau khi ông đã đi xa, giọng hát của ông vẫn còn vang lên ở các buổi phát thanh của khu dân cư nơi ông đã ở.

Chỉ có mấy dòng vừa viết ta đã thấy việc nói đến “đời người” là một sự rất khó, rất mông lung, rất khó ngắn gọn. Vì thế, đành theo phương pháp khiêm tốn mà chắc ăn, tức là biết đến đâu thì bàn đến đó.

Ông Jean Jacques Rousseau (1712 - 1778) là nhà triết học vĩ đại chỉ sống có 66 năm nhưng sách vở và những tư tưởng chỉ đường dẫn lối để lại cho nhân loại thì ít tác giả nào theo kịp ông. Rousseau viết về “đời người” như sau: “Người sống nhiều hơn không phải là người cao tuổi hơn mà là người biết sử dụng cuộc sống của mình tốt hơn”. Quá đúng, quá chuẩn. Nhưng sử dụng cuộc đời, sử dụng cuộc sống, sử dụng những cơ hội còn được hít thở không khí trong lành dưới ánh sáng mặt trời chói lọi, rực rỡ tỏa sáng đâu có dễ, đâu có thuận lợi, đâu có êm xuôi như con người hằng mong ước. Bài học sâu sắc được rút ra từ lời dạy của Rousseau một cách ngắn gọn và dễ hiểu là: Phải biết tiết kiệm, không lãng phí thời gian mà mỗi con người đang có được. Biết tiết kiệm thời gian rồi mới lập được thời gian biểu để sử dụng thời gian được tối đa, cho năng suất cao nhất. Người học sinh bình thường cứ mỗi năm lên một lớp là được, đến 17 - 18 tuổi tốt nghiệp được Trung học phổ thông, vào được Đại học thì càng tốt. Còn nếu không đỗ được Đại học thì học Trung cấp dạy nghề, học Cao đẳng hay các loại hình nghề nghiệp khác, đừng có lãng phí thời gian mà chờ đợi một tương lai hão huyền, không có gì là chắc chắn. Nên nhớ rằng một năm lãng phí sẽ trôi qua rất nhanh nhưng sẽ phải ân hận mãi mãi.

Vấn đề ở chỗ “sử dụng thời gian”. Cái chốt cửa vào căn buồng hạnh phúc, nói theo Rousseau, chính là: sử dụng thời gian, sử dụng cuộc sống tốt nhất mà mình có. Sử dụng, tiết kiệm, tận dụng thời gian mà cuộc sống đã rộng lượng ban cho ta là điều cần ghi tâm khắc cốt, đừng bao giờ được quên. Luôn ghi nhớ lời dạy này của Rousseau sẽ dẫn chúng ta đến thành công, đến hạnh phúc, đến ấm no.

Trong thế kỷ XX có nhiều cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thành công rất tốt đẹp. Nhiều nhà nước độc lập đã ra đời. Hàng tỷ người đã được sống trong những xã hội mới, phồn thịnh hơn, ấm no hơn. Cũng trong thế kỷ rực rỡ này đã có một cuốn sách trở thành kinh điển, sách gối đầu giường cho bao thế hệ thanh niên từ châu Âu, châu Mỹ sang châu Á đón đọc với sự say mê.

Đó là cuốn “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga, ông Nicolas Ostrovski với nhân vật anh hùng cách mạng, thanh niên Paven Coócsaghin. Đoạn văn sau đây đã được ghi vào những cuốn số tay của biết bao thế hệ thanh niên tiến bộ, đó là: “Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho ra sống để khỏi xót xa ân hận vì những tháng năm đã sống hoài sống phí, để khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.

Nhiều luận văn, luận án, nhiều chuyên đề, hội thảo đã thảo luận, phân tích, mổ xẻ, khai thác những nội dung quan trọng nhất của đoạn văn tuyệt diệu đó của Ostrovski. Tóm tắt lại có 3 ý lớn sau đây: 1/ Đời người chỉ sống có 1 lần. 2/ Phải sống sao cho ra sống. 3/ Không phải ân hận gì lúc nhắm mắt xuôi tay. Đây là 3 nội dung quan trọng nhất để phấn đấu cho một đời người xứng đáng, một đời người không uổng phí.

Thế kỷ XX với những thành tựu to lớn của khoa học và kỹ thuật, đặc biệt là việc chinh phục vũ trụ, đưa con người đi khám phá không gian bên ngoài Trái đất của chúng ta đã chứng minh rất chắc chắn rằng: Đời người chỉ sống có một lần, vì thế phải hết sức trân trọng, quý báu và tận dụng cuộc đời rất có hạn đó. Khi đã xác định được sự có hạn của đời người rồi ta phải cố gắng học tập, phấn đấu để sống sao cho ra sống. Sống là phải có sản phẩm, có đóng góp cho xã hội chứ không phải chỉ là kiếm sống đơn thuần cho bản thân. Mỗi người có một vị trí khác nhau, có những đóng góp, những cống hiến khác nhau nhưng hợp nhất lại để tạo nên một xã hội tốt đẹp, ngày càng tiến bộ, ấm no, hạnh phúc. Một đời phấn đấu, tận tụy, trung thành với lý tưởng mình đã chọn cho đến khi tuổi già, sức yếu không còn làm việc được nữa thì khi nghỉ ngơi vẫn an tâm, an lòng, không phải xấu hổ điều gì với các bạn trẻ của thời đại mới, giai đoạn mới.

Nhà văn vĩ đại người Mỹ, ông Mack Twain đã hy vọng: “Chúng ta hãy sống như thế nào để ngay cả người phu đào mộ cũng thương tiếc ta”. Biết ơn Mack Twain vì lòng nhân ái, lòng thương mến của ông đối với con người, vì ông tin vào con người, hết lòng yêu quý con người. Hy vọng này của nhà văn Mỹ là có thật vì người ta đã chứng kiến biết bao nước mắt đã đổ trước những nấm mồ của các anh hùng, liệt sĩ, những người có nhiều công lao đóng góp bảo vệ và xây dựng xã hội mới.

Đã có rất nhiều sách dạy về “Kỹ năng sống”, “Dạy và học làm người”. Nội dung của tất cả các sách đó đều có mục đích làm cho đời người được bình an, được hạnh phúc, sung sướng.

Alexandre Dumas (1824 - 1895) là nhà văn lớn của Pháp, ông đã có nhiều tác phẩm mang tính kinh điển về luân lý, đạo đức, giáo dục con người rất phong phú và cô đọng. Ông đã từng nêu ra công thức ngắn gọn cho dễ hiểu, đó là: “Có ba điều giúp cho con người có thể đạt tới hạnh phúc: Thân thể khỏe mạnh, trí óc minh mẫn và trái tim trong sạch”. Có thể viết thành công thức như sau:

Đời người hạnh phúc = Thân thể khỏe mạnh + Trí óc minh mẫn + Trái tim trong sạch.

Tuy rằng đến năm 2024 nhân loại tiến bộ sẽ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của Dumas, nhưng những lời dạy của ông về đời người, về một đời người trọn vẹn vẫn luôn mang tính thời sự đến tận ngày hôm nay.

“Một tâm hồn trong sạch chỉ có được trong một thân thể cường tráng”, đó là khẩu hiệu ở các trường học và các cơ sở tập luyện thể dục thể thao. Điều này quá đúng, vì con ngựa phải khỏe mạnh mới chạy nhanh, chở được nhiều hàng. Một người học sinh, sinh viên phải có sức khỏe tốt thì mới đảm đương được các chương trình học ngày càng khó, càng nặng ở các cấp Trung học, Đại học và các trường dạy nghề. Một người lao động dù là lao động trí óc hay lao động chân tay phải có sức khỏe tốt mới hoàn thành được công việc của mình. Tất cả các buổi sáng, buổi chiều có nhiều người tập chạy, đi bộ nhanh, tập thể dục ở các công viên, quanh hồ, quanh các quảng trường... là những dấu hiệu tích cực và đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp.

Tháng 4 vừa qua, có một tin vui, đó là tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã hơn 75 tuổi, số người trên 60 tuổi đã đạt hơn 10% dân số. Rõ ràng cùng với sự phát triển của nhiều công tác an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội và y tế ngày càng được tăng cường, việc rèn luyện thân thể hàng ngày trở thành nếp sống của người dân đã cho phép chúng ta tin tưởng vào một ngày mai tươi đẹp và hạnh phúc.

Đến yếu tố thứ hai trong lời dạy của Dumas là “Phải có một trí tuệ minh mẫn” để xây dựng được đời sống hạnh phúc. Thế nào là “Trí tuệ minh mẫn”? Nói cho dễ hiểu thì có hai loại trí tuệ, đó là “Trí tuệ nhận biết” (để học văn hóa và học nghề) và “Trí tuệ cảm xúc” (để tăng cường sự giao lưu gắn bó giữa con người và con người). Nhà viết truyện cổ tích lớn nhất của nhân loại tiến bộ là Hans Christian Andersen đã từng viết: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp hơn câu chuyện của cuộc sống do chính chúng ta viết nên”.

Chao ôi, thật là chí lý, thật là thực tế, dễ hiểu. Một nhóm thanh niên nông thôn học xong phổ thông trung học đã cùng nhau bám trụ ở quê hương, học hỏi khoa học kỹ thuật để mở rộng hợp tác xã nông nghiệp chuyên nuôi cá sạch, chuyên trồng các vườn cây ăn quả, các trang trại hoa tươi sạch với các giống mới, giống lạ... đã tạo nên những câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Nhiều nông dân ở các vùng khác đã phải đến các hợp tác xã 4.0 này để học hỏi, để tham khảo. Như vậy trí tuệ minh mẫn mà Dumas nói đến chính là hoàn cảnh thực tế, điều kiện thực tế và những con người thực tế có lòng dũng cảm, có sự can đảm phá vỡ những suy nghĩ nông cạn, hạn hẹp cũ để vươn đến cái mới, cái chưa có, cái chưa từng xảy ra.

Đến yếu tố thứ ba trong lời dạy của Dumas là “Phải có một trái tim trong sạch” để xây dựng một đời người được trọn vẹn, được hạnh phúc thì lại càng đúng. Bởi vì “Trái tim trong sạch” gồm có hai yếu tố, đó là: Đạo đức và Pháp luật. Đó là hai ánh sáng mà ta mãi mãi phải đi theo trong suốt cả đời người. Nhiều người thành đạt vì có trí tuệ hơn người, bản lĩnh hơn người, nhưng lại thiếu đi một trái tim trong sạch. Nửa đầu cuộc đời là giám đốc, là anh hùng, nửa sau cuộc đời lại trở thành tội phạm, sống những ngày ăn năn hối lỗi trong tù tội. Thật quá đáng tiếc.

Sơ kết về đời người, về cuộc đời, cuộc sống, chỉ cần nhớ đến lời dặn của đại triết gia cổ đại, ông Plutarque (năm 50 đến 120 sau Công nguyên): “Tình yêu cổ xưa nhất, vĩ đại nhất chính là tình yêu cuộc sống”. Cái “Cuộc sống” mà Plutarque đề cập đến chính là quê hương, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp của ta. Phải yêu quý và trân trọng những thứ mà ta đang có, bây giờ và ở đây. Ước mong tất cả chúng ta biết yêu và phấn đấu hết mình vì tình yêu cuộc sống vĩ đại mà Plutarque đã căn dặn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đời người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO