Đối thủ cản đường ông Trump vào Nhà Trắng

Thế Tuấn 30/08/2020 08:00

Biden không có gì để mất trong cuộc đua này, còn Trump sẽ mất tất cả nếu thất bại và đành phải trở về trong tư cách là một nhà thầu khoán - giới quan sát chính trường Mỹ nhận xét một cách hài hước khi cuộc đua vào Nhà Trắng đã trở nên gay gắt. Câu chuyện nóng rẫy khi cặp đôi Biden - Harris chính thức xuất hiện trong sự cổ vũ nồng nhiệt của những người vốn không ưa gì ông Donald Trump. Tuy nhiên, ông Trump cũng có cách riêng của mình để giành chiến thắng trong lần tranh cử Tổng thống “mùa hai”.

“Cặp đôi” Joe Biden - Kamala Harris.

Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ Joe Biden và đối tác liên danh -Thượng nghị sĩ Kamala Harris, ngày 12/8 đã lần đầu tiên cùng nhau xuất hiện trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ, diễn ra vào ngày 3/11 tới.

Phát biểu tại sự kiện này tại phòng tập thể dục một trường trung học ở Wilmington, bang Delaware, ông Biden khẳng định bà Harris là “lựa chọn đúng đắn” để cùng ông đánh bại đương kim Tổng thống Donald Trump. “Bà Harris là đối tác chính quyền có kinh nghiệm và hoàn hảo và cả hai chúng tôi đều đã sẵn sàng bắt tay vào việc xây dựng lại nước Mỹ”- ông Biden nói.

“Cặp đôi” Biden - Harris và những cú ra đòn đầu tiên

Ngay sau sự kiện ra mắt của cặp đôi Biden - Harris, trang web chuyên về các vấn đề chính trị Mỹ FiveThirtyEight công bố số người ủng hộ ông Biden chiếm tới 71% so với ông Trump (29%). Dự báo này cho thấy, nếu không có gì thay đổi ông Biden có thể giành được 323 phiếu đại cử tri trong khi ông Trump có thể chỉ giành được 215 phiếu.

Tuy nhiên, nói như Nate Silver -Tổng Biên tập trang FiveThirtyEight Nate Silver thì kết quả khảo sát khá tương đồng với những gì mà trang của ông dự báo hồi tranh cử Tổng thống Mỹ 2016. Khi đó bà Hilary Clinton được 71,4% cử tri ủng hộ trong khi ông Trump chỉ được có 28,6 % cử tri ủng hộ, nhưng rồi ông Trump đã chiến thắng trong một cuộc đấu đầy kịch tính.

Real Clear Politics.com - một trang cũng chuyên về các vấn đề chính trị nước Mỹ nhận xét, cuộc đua tranh ghế Tổng thống lần này mang nhiều điểm độc đáo và khác biệt căn bản so với cuộc đua 4 năm về trước. Nó độc đáo và khác biệt không chỉ ở hình thức vận động trực tuyến (do Covid-19) mà còn ở thực trạng chính trị xã hội hiện tại ở nước Mỹ. Có nghĩa là đương kim Tổng thống Donald Trump phải vật lộn với trùng trùng khó khăn, còn đối thủ Joe Biden lại “vô can”.

Theo giới quan sát, để chiến thắng, lần này ông Trump sẽ lại áp dụng chiến thuật đã giúp ông chiến thắng trong “trận” bỏ phiếu 4 năm trước. Đó là kết hợp giữa chỉ trích không thương tiếc đối thủ và giương cao ngọn cờ đối nội “nước Mỹ trên hết”.

Nhưng điều đó có lẽ cũng không dễ dàng gì khi ở tuổi 78, ông Biden đã từng hai lần tham gia cuộc đua trở thành ứng viên chính thức của đảng Dân chủ vào các năm 1987 và 2007. “Kinh nghiệm đầy mình”- đó là cách người ta nói về ông Biden.

Sau hai lần kém duyên, ông Joe Biden vẫn quyết định hiện thực hóa giấc mơ của mình. Trong bài phát biểu tại Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ tối 20/8, ông Biden nói: “Bóng đen mà vị Tổng thống hiện tại che phủ nền dân chủ này như vậy đã là quá lâu và quá đủ. Chúng ta sẽ đặt dấu chấm hết cho thời kỳ đen tối này khi chúng ta đoàn kết. Chương đen tối của nước Mỹ sẽ chấm dứt bắt đầu từ đêm. Chúng ta muốn thấy một một nước Mỹ hào phóng và mạnh mẽ, vị tha và khiêm tốn. Đó là một nước Mỹ mà chúng ta có thể cùng nhau xây dựng lại”.

“Chiêu thức” của nữ Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi

4 năm trước, vào năm 2016, người ta đã chứng kiến cuộc ganh đua giành quyền lực đặc biệt chưa từng thấy trong lịch sử nước Mỹ: Lần đầu tiên có một phụ nữ là ứng cử viên Tổng thống - nữ Thượng nghị sỹ Hillary Clinton thuộc phe Dân chủ - và cũng lần đầu tiên có ứng cử viên Tổng thống chưa từng hoạt động chính trị và chưa từng đảm trách bất cứ chức vụ lớn nhỏ nào trong bộ máy công quyền nhà nước - tỷ phú Donald Trump thuộc phe Cộng hòa. Khi ấy, gần như tất cả mọi dự báo đều cho rằng bà Clinton sẽ dễ dàng chiến thắng.

Kết quả cuối cùng là bà Clinton có được đa số phiếu bầu phổ thông, vượt xa ông Trump, nhưng lại thua xa ông Trump về số lượng đại cử tri, đành ngậm ngùi nhìn vị tỷ phú khác lạ nọ bước vào Nhà Trắng.

Điệu bộ vỗ tay của bà Nancy Pelosi sau khi ông Donald Trump đọc Thông điệp Liên bang 2019. Ảnh: AP.

Sau khi có kết quả kiểm phiếu, tờ báo Pháp Le Figaro gọi cuộc bỏ phiếu ngày 8/11/2016 của nước Mỹ là “cuộc bỏ phiếu của mọi mối nguy hiểm”.

Bầu cử Tổng thống Mỹ theo nguyên tắc “The Winner Takes All”, có nghĩa là “được ăn cả”: ứng viên nào chiến thắng ở một bang sẽ nhận được toàn bộ số đại cử tri của bang đó được phân bổ theo tỷ lệ phiếu bầu. Toàn nước Mỹ có 538 đại cử tri, con số tương đương với 435 Hạ nghị sĩ ở Hạ viện và 100 Thượng nghị sĩ, cộng thêm 3 đại cử tri cho riêng thủ đô Washington, không thuộc về bất kỳ bang nào. Chính các đại cử tri này chứ không phải các cử tri sẽ “chọn ra” Tổng thống. Để chiến thắng, một ứng viên Tổng thống phải giành được đa số đại cử tri, tức là 270. Số đại cử tri càng lớn thì các bang này càng có tính quyết định, như Florida với 29 đại cử tri, Ohio (18), hay North Carolina với 15 đại cử tri.

Người ta nói rằng, “trận” bỏ phiếu năm 2016 là một thất bại cay đắng không ngờ tới không chỉ riêng với bà Hillary mà là cả với phe Dân chủ khi những tưởng đã nắm chắc chiếc vé vào Nhà trắng, chỉ vì thua số phiếu đại cử tri trong khi số phiếu phổ thông vượt trội.

Vậy lần này, lịch sử có lặp lại? Christoph Melind, một bình luận gia chính trường Mỹ cho rằng, chí ít lần này, ngoài ông Biden, ông Trump sẽ gặp phải hai người đàn bà ngáng đường. Một là ứng viên Phó Tổng thống Kamala Harris và hai là Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi.

Kamala Devi Harris là một chính trị gia và luật sư người Mỹ, Thượng nghị sĩ bang California từ năm 2017. Bà là ứng cử viên Phó Tổng thống của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Mỹ lần này và được coi là “đầy tự tin”.

Sinh tại Oakland (California), Harris tốt nghiệp Đại học Howard và Đại học California, Cao đẳng Luật Hastings; bắt đầu sự nghiệp tại Văn phòng Công tố viên Quận Alameda. Năm 2003, bà được bầu làm Ủy viên công tố San Francisco; Tổng Chưởng lý California năm 2010 và đắc cử Thượng viện năm 2016 để trở thành người phụ nữ người Mỹ gốc Phi thứ hai và gốc Nam Á đầu tiên được bầu vào Thượng viện Hoa Kỳ. Harris cũng là người phụ nữ thứ ba tranh cử Phó Tổng thống của một đảng lớn, sau Geraldine Ferraro năm 1984 và Sarah Palin năm 2008.

Kamala Devi Harris sinh ngày 20/10/1964 tại Oakland, California. Mẹ, bà Shyamala Gopalan, là nhà khoa học y khoa gốc Ấn. Cha, ông Donald J. Harris, là giáo sư chuyên ngành kinh tế. Bố mẹ ly hôn khi con gái 7 tuổi, Harris ở với mẹ. Chồng bà Harris, ông Emhoff năm nay 56 tuổi (cùng tuổi với vợ). Ông có hai người con với vợ trước, tên là Cole và Ella. Hai người con riêng của ông Emhoff đã trưởng thành, vẫn gọi mẹ kế là “Momala”.

Nếu như bà Harris được cho là đem lại sức sống mới thì bà Nancy Pelosi- một chính khách lão luyện nhất trong những chính khách cùng thời của nước Mỹ lại được cho là người sẽ sát muối vào vết thương của đương kim Tổng thống.

Nói như C.Melind, thì người ta chỉ còn đợi báo giờ bà Pelosi xuất chiêu mà thôi.

Ông Trump từng nhiều lần mỉa mai bà Pelosi nhưng lần nào cũng bị dập tắt bởi thái độ trịch thượng của nữ Chủ tịch Hạ viện. Đỉnh điểm của cuộc đối đầu là vào đêm 18/12/2019, Hạ viện Mỹ dưới sự dẫn dắt của bà Pelosi đã bỏ phiếu luận tội ông Trump. “Tầm nhìn của những người sáng lập nên đất nước cộng hòa này đang bị đe dọa vì hành động của Nhà Trắng. Đó là lý do vì sao hôm nay, với tư cách là Chủ tịch Hạ viện, tôi long trọng mở cuộc tranh luận về vấn đề luận tội Tổng thống Mỹ”- bà Pelosi mở đầu bài diễn thuyết.

Sau này, qua các trận chiến, người ta nhớ lại điệu bộ vỗ tay của bà Pelosi sau khi ông Trump đọc Thông điệp Liên bang 2019: cái cách vỗ tay ấy cho thấy bà Pelosi không coi sự hùng biện của ông Trump ra gì.

Người ta nhận thấy, đòn chính trị tuyệt hảo nhất của bà Pelosi là luôn tự đặt bản thân vào trung tâm của sự kiện, chờ thời cơ rồi bất ngờ tăng tốc chiến đấu. Những buộc tội được bà Pelosi đưa ra đều đúng thời điểm và rất khủng khiếp, như khi quyết định luận tội ông Trump tại Hạ viện bà đã nói “vị Tổng thống của chúng ta chính là mối đe dọa liên tục đối với an ninh quốc gia của chúng ta”.

Còn nói về mình, bà Pelosi chỉ mìm cười mà rằng, chính trường Mỹ buộc người ta phải trang bị cho mình “bộ giáp sắt” và khả năng “chịu đấm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đối thủ cản đường ông Trump vào Nhà Trắng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO