Đói vẫn sạch, rách vẫn thơm

Tinh Anh 28/10/2020 09:00

Dù thuộc hộ gia đình nghèo, hoàn cảnh vô cùng khó khăn, nhưng một người đàn ông dân tộc Vân Kiều vẫn sẵn lòng trả lại 10 triệu đồng “nhặt được” trong quần áo cứu trợ. Tinh thần ấy, nhân cách ấy thật đáng nể trọng. 

Ông Ăm Diệu phát hiện bên trong chiếc áo cũ được tặng là 10 triệu đồng. (Ảnh: facebook).

Sau khi nhận được quần áo cứu trợ của một đoàn thiện nguyện, ông Ăm Diệu (bản Loa, xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) phát hiện trong số quần áo cũ đó có 10 triệu đồng của ai đó để quên. Không cần đắn đo suy nghĩ, ông Ăm Diệu lập tức mang số tiền trên đến UBND xã đề nghị tìm chủ nhân đích thực của số tiền để trả lại. Hành động cao đẹp của ông Ăm Diệu khiến nhiều người cảm phục.

Với nhiều người, có thể số tiền 10 triệu đồng không lớn, thậm chí với kẻ giàu thì số tiền trên chẳng nghĩa lý gì. Song, với gia đình ông Ăm Diệu thì số tiền 10 triệu đồng là khá lớn, có thể trang trải được nhiều việc. Sẽ có không ít người sẵn sàng ỉm đi số tiền trên để chi tiêu cũng chẳng ai có thể biết được, hoặc nếu có “lộ” thì cũng có thể giải thích “tưởng” số tiền đó là “combo” đi cùng với quần áo cứu trợ.

Song, thay vì làm điều đó, ông Ăm Diệu đã chủ động giao nộp lại số tiền 10 triệu đồng để trả lại người bỏ quên trong túi quần áo. Hành động của người đàn ông Vân Kiều này càng trở nên đáng trọng hơn nữa, khi hoàn cảnh gia đình ông đang hết sức khó khăn. Ông Ăm Diệu có tới 5 đứa con, mẹ già ốm yếu, thuộc diện hộ nghèo của xã. Nhân cách cao cả của ông Ăm Diệu khiến nhiều người phải “ngả mũ” bái phục sát đất.

Các cụ xưa vẫn có câu, “đói cho sạch, rách cho thơm”, ý muốn căn dặn con cháu đừng vì đói mà “ăn bẩn”, đừng vì rách mà tham lam. Song, đâu phải ai cũng có thể tuân theo lời giáo huấn ấy một cách mạch lạc. Khi đứng trước đồng tiền, nhất là một số tiền lớn đối với bản thân, sẽ không ít người phát sinh lòng tham, sự hèn kém, để rồi đánh mất nhân cách vì đồng tiền. Loại người này trong xã hội không hề hiếm.

Không kể đến các loại trộm cướp, cũng có khá nhiều người “bình thường” sẵn sàng bất chấp tất cả, miễn sao kiếm được càng nhiều tiền càng tốt. Điều đó chẳng phải nhan nhản trong thực tế đời sống xã hội hay sao? Có không ít tư thương đã lợi dụng lũ lụt miền Trung để đầu cơ, găm hàng, nâng giá các loại áo phao, lương thực, thực phẩm... những vật dụng thiết yếu có thể cứu giúp đồng bào trong cơn hoạn nạn.

Chẳng phải trong làn sóng thứ nhất và thứ hai đại dịch Covid-19, nhiều gian thương đã “cắt cổ” người tiêu dùng các loại khẩu trang y tế, cồn sát khuẩn... đó sao? Trong khi cả nước đang gồng mình chống lại đại dịch chết người này, ai cũng phải thắt lưng buộc bụng thì chính những người được coi là “lương y như từ mẫu” lại nhăm nhăm nâng khống giá thiết bị xét nghiệm Sars-CoV-2 Realtime PCR, để nhét đầy túi tham.

Trong khi những người bệnh đã quá khổ vì bệnh tật, liêu xiêu vì các khoản trang trải viện phí, thuốc men, thì không ít lãnh đạo các bệnh viện sẵn sàng tư thông với gian thương nâng khống giá thiết bị y tế, nhằm “bóp hầu bóp cổ” người bệnh. Khi bước chân vào ngành y, các nhân viên y tế đều phải tuyên thệ lời thề Hippocrates, vậy thì đạo đức của những người này ở đâu khi cố “móc túi” bệnh nhân, trong đó có nhiều người nghèo?

Hay như chuyện có nhiều kẻ sẵn sàng làm hàng nhái, hàng giả để lừa tiền khách hàng, không cần biết đến hậu quả. Đến găng tay y tế, bao cao su, thậm chí thuốc chữa bệnh họ còn dám làm giả thì còn đâu tính người? Chỉ một chiếc găng tay y tế tái chế từ găng tay đã qua sử dụng, ai biết được liệu có bao nhiêu loại bệnh nan y có thể truyền nhiễm cho nhiều người? Từ những viên thuốc giả, liệu có bao nhiêu mạng người sẽ chết?

Ấy vậy mà vẫn có không ít kẻ chỉ vì cái lợi của bản thân, chỉ vì mục tiêu kiếm tiền đã không màng đến sức khỏe và tính mạng của người khác, rộng hơn là cộng đồng xã hội. Chưa nói đến chế tài pháp lý, chỉ riêng về tâm linh thì những kẻ coi mạng người như cỏ rác đó liệu có thể yên ổn để thụ hưởng những đồng “tiền bẩn” kiếm được bằng các thủ đoạn xảo trá? Chắc chắn là Trời có mắt, họ sẽ không thể được yên.

Trở lại câu chuyện người đàn ông Vân Kiều không vì hoàn cảnh gia đình túng thiếu, khó khăn mà tham lam số tiền 10 triệu đồng của ai đó đã bỏ quên trong túi quần áo cứu trợ. Số tiền đó với gia đình ông Ăm Diệu có thể lớn và có thể sẽ giúp trang trải được những khó khăn trước mắt. Song, nếu thực sự giữ lại số tiền đó để chi tiêu, dù không ai biết thì lương tâm của ông cũng day dứt không yên.

Nhân cách cao đẹp của ông Ăm Diệu đáng được xã hội tôn vinh, trân trọng. Đó chính là tấm gương sáng cho mọi người noi theo, để nhân lên nhiều hơn nữa những gương người tốt, việc tốt trong xã hội. “Đói cho sạch, rách cho thơm”, nói thì dễ nhưng thực hiện được điều đó lại không hề đơn giản. Ấy vậy mà người đàn ông Vân Kiều ấy dù đói vẫn sạch, rách vẫn thơm, thật đáng kính trọng, nể phục biết bao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đói vẫn sạch, rách vẫn thơm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO