Dồn sức chống hàng giả

DUY KHANG 04/12/2022 09:13

Hàng giả hàng nhái chưa khi nào hết nhức nhối, thậm chí ngày càng phức tạp hơn khi còn tràn sang các kênh thương mại điện tử, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc phát hiện và xử lý...

Lực lượng chức năng vào cuộc xử lý vấn nạn hàng giả, hàng nhái.

Chặn hàng giả thời điểm cuối năm

Càng về cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao nên hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; tiêu thụ, hàng giả, hàng nhái trên thị trường thường tăng cao đột biến, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và quyền lợi người tiêu dùng; gây thất thu thuế cho ngân sách nhà nước. Mặc dù thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng thế giới và trong nước nhưng tình trạng vi phạm này vẫn diễn biến phức tạp.

Mới đây, đầu tháng 11/2022, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Nam Định đã chỉ đạo Đội QLTT số 4 phối hợp với Phòng Cảnh sát PC03 (Công an tỉnh) thành lập đoàn kiểm tra một trường hợp kinh doanh mỹ phẩm tại thị trấn Xuân Trường (huyện Xuân Trường). Tại thời điểm kiểm tra, đoàn đã phát hiện hơn 1.000 sản phẩm mỹ phẩm gồm thuốc nhuộm tóc, tinh dầu dưỡng tóc các loại do nước ngoài sản xuất đang được bày bán; chủ cửa hàng chưa cung cấp được hóa đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc xuất xứ số hàng hóa. Đoàn đã kiểm tra tiến hành tạm giữ, niêm phong toàn bộ số hàng hóa trên và tiếp tục xác minh làm rõ hành vi vi phạm để xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại Hà Nội, chỉ tính riêng tháng 10 vừa qua, Cục QLTT TP Hà Nội kiểm tra 934 vụ buôn lậu và hàng giả; đã xử lý 822 vụ, xử phạt hành chính 8,62 tỷ đồng.

Cụ thể, ngày 6/10, Cục QLTT Hà Nội phối hợp với cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra kho hàng tại Khu công nghiệp Quang Minh (huyện Mê Linh, Hà Nội). Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong kho tập kết các mặt hàng thực phẩm đông lạnh gồm: thủ lợn, móng lợn, đùi lợn, chân gà, dê nguyên con và nhiều đùi lợn muối kiểu Tây Ban Nha… được người tiêu dùng ưa thích hiện nay. Đáng chú ý, nhiều sản phẩm hết hạn sử dụng đã 2 năm, đang chờ dán hạn sử dụng mới để đưa ra thị trường.

Ông Bùi Thanh Hào - Đội QLTT số 17 cho biết, tại thời điểm kiểm tra, chủ kho hàng chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cũng như chưa xuất trình được các giấy tờ kiểm định chất lượng của lô hàng. Số hàng trên của nhiều chủ hàng khác nhau tập kết tại đây.

Trước đó, ngày 28/9/2022, QLTT Hà Giang phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh của ông Lê Văn Thuận (địa chỉ tổ 7 thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) về kinh doanh rau củ quả. Tại thời điểm kiểm tra đã phát hiện 40 thùng có trọng lượng 460 kilogam (cả bì) gồm một số loại hoa quả: lê, táo, nho, lựu. Tất cả các thùng hoa quả này còn nguyên bao bì. Trên nhãn hàng hóa, vỏ bọc quả bằng giấy, bao ni lon đều có in chữ Trung Quốc, không có nhãn phụ, không có xuất xứ nước sản xuất. Chủ hộ kinh doanh là ông Lê Văn Thuận không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa. Qua đấu tranh, ông Lê Văn Thuận khai nhận số hàng hóa trên là mua của đối tượng bán rong, trôi nổi trên thị trường, không biết nguồn gốc xuất xứ.

Có thể thấy, tình hình hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ càng về cuối năm càng “nóng”. Không chỉ ở thị trường truyền thống, hàng giả cũng đang hoành hành trên các sàn thương mại điện tử. Chị Trương Thu Trà (phố Pháo Đài Láng, Hà Nội) cho biết, chỉ cần vài trăm nghìn đồng chị đã có thể sở hữu một chiếc túi hiệu Louis Vuitton mua trên mạng. Tương tự, anh Trần Thành Trung (đường Lê Văn Lương, Hà Nội) cũng chia sẻ với chiếc đồng hồ hiệu Rolex anh vừa “tậu” được trên một trang facebook chỉ với giá 1,2 triệu đồng, trong khi giá trị thực của chiếc đồng hồ thương hiệu nổi tiếng này lên tới vài trăm triệu đồng/chiếc.

Vai trò quan trọng của doanh nghiệp

Tình trạng hàng giả, hàng nhái xâm lấn, tràn lan không chỉ khiến người tiêu dùng bị tổn hại về kinh tế, sức khỏe mà còn khiến các doanh nghiệp làm ăn chân chính lao đao.

Là một trong những doanh nghiệp nhiều năm qua thiệt hại do nạn hàng giả, gian lận thương mại gây ra, ông Hoàng Hữu Lộc - Phó Phòng bán hàng, Công ty CP Pin ắc quy Miền Nam cho hay, hàng giả, hàng nhái sản phẩm của DN là rất ít, nhưng tình trạng gian lận thương mại đối với sản phẩm cùng loại nhập khẩu từ nước ngoài về Việt Nam, lại đang tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt với sản phẩm của DN trên thị trường.

“Các DN khi nhập khẩu pin, ắc quy từ nước ngoài về thường khai báo giá nhập khẩu thấp hơn rất nhiều so với hóa đơn VAT sản phẩm bán ra trên thị trường. Giá bán sản phẩm nhập khẩu thường chỉ thấp bằng 60% so với giá bán sản phẩm sản xuất trong nước, trong khi trên thị trường chỉ cần cạnh tranh giá từ 1-2% là đã vô cùng khốc liệt đối với các DN, đó là chưa kể việc làm này đang gây thất thu thuế rất lớn cho nhà nước” - ông Lộc nói.

Có thể thấy, hoạt động buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả đã diễn ra từ nhiều năm, dù các ngành chức năng đã có nhiều giải pháp xử lý nhưng vẫn tồn tại, một phần do lợi nhuận từ hoạt động này mang lại quá lớn khiến các tổ chức, cá nhân hàng ngày hàng giờ tìm mọi thủ đoạn mới nhằm đối phó với các lực lượng chức năng.

Theo ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ (Tổng cục QLTT), buôn lậu gia tăng còn có nguyên nhân do dịch bệnh Covid-19 khiến hàng hóa thiếu hụt, nhiều chuỗi cung ứng bị đứt gãy… nên các đối tượng lợi dụng tình hình để đưa hàng lậu, hàng giả trà trộn vào thị trường.

“Trong khi đó vẫn còn một bộ phận người tiêu dùng chấp nhận mua sắm hàng giả, hàng kém chất lượng đã giúp cho hàng giả, hàng lậu có đất sống. Nhiều người dân ở khu vực biên giới có khi chỉ vì một số tiền nhỏ vẫn mang vác hàng lậu, hàng giả qua đường món lối mở cũng góp phần tạo ra khó khăn cho công tác chống buôn lậu của lực lượng chức năng” - ông Lê nhận định.

Càng về cuối năm, vấn nạn hàng giả, hàng nhái càng lộng hành. Các ngành chức năng vẫn đang nỗ lực, gồng mình chống hàng giả, hàng nhái. Theo ông Nguyễn Đức Lê, trong chương trình kế hoạch đề ra, lực lượng QLTT đặt mục tiêu loại bỏ, không để cho hàng giả bán công khai tại các Trung tâm mua sắm thương mại, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Tuyệt đối không để hàng giả, hàng nhái xuất hiện tại các khu du lịch, các tuyến phố đi bộ và đặc biệt các làng nghề không được sản xuất và bày bán công khai sản phẩm hàng giả, hàng nhái.

Ông Bùi Văn Hoàn - Cục phó Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho rằng, cần triệt để xử lý các DN lợi dụng loại hình tạm nhập tái xuất để thay nhãn mác, giả nhãn hiệu xuất xứ xuất khẩu hàng hóa sang nước thứ ba gây mất thương hiệu, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

“Ngành hải quan xây dựng kế hoạch cũng như triển khai định hướng đấu tranh với dạng vi phạm xuất xứ hàng hóa, trong đó phát hiện nhiều DN lợi dụng cơ chế thông thoáng để làm Chứng nhận hàng hóa (C/O) giả, nhập khẩu hàng giả qua mắt lực lượng chức năng làm ảnh hưởng đến các DN làm ăn chân chính. Hiện trong cơ chế xử lý hàng hóa vi phạm, lực lượng hải quan vẫn cần thêm một số chế tài để xử lý hữu hiệu” - ông Hoàn cho biết.

Giới luật gia cho rằng, cùng với những nỗ lực của nhà quản lý, để bảo vệ quyền lợi của mình, các DN phải xác lập quyền sở hữu của mình đối với nhãn hiệu hoặc là đối với kiểu dáng thông qua đăng ký bảo hộ dưới góc độ của Luật Sở hữu trí tuệ và bảo hộ nhãn hiệu; bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, bảo hộ sáng chế và xác lập quyền tác giả; đăng ký bảo hộ trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam hoặc trong phạm vi vùng hoặc lãnh thổ nào đó. Bản thân các DN cũng phải tự hoàn thiện các chính sách, đặc biệt là những chính sách liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, có những cam kết đối với người tiêu dùng và thực hiện đúng các cam kết, bởi vì trong xu thế hiện nay, người tiêu dùng có nhiều cơ hội để lựa chọn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dồn sức chống hàng giả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO