Đơn vị nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bị xử lý như thế nào?

An Chi 04/06/2021 08:00

Theo quy định, hầu hết các quyền lợi về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) của người lao động đều yêu cầu về thời gian đóng nhất định. Do đó, nếu đơn vị nợ đọng tiền BHXH, BHYT và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) sẽ ảnh hưởng đến việc hưởng các chế độ này của người lao động. Thực tế, vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước về tham gia BHXH bắt buộc cho người lao động.

Các chuyên gia pháp luật lao động cho rằng, theo quy định hiện hành, trốn đóng BHXH là hành vi bị nghiêm cấm. Tuy nhiên, tình trạng doanh nghiệp chây ỳ, trốn đóng BHXH vẫn diễn ra dai dẳng. Gần đây, nhiều địa phương đã phối hợp với Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) thực hiện biện pháp cấm xuất nhập cảnh với những cá nhân là chủ doanh nghiệp có nợ đọng BHXH.

Theo đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2019), hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 214 Bộ luật Hình sự về tội gian lận BHXH, BHTN, theo Điều 215 Bộ luật Hình sự về tội gian lận BHYT và Điều 216 Bộ luật Hình sự về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động.

Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động trong trường hợp này, khoản 72 Điều 1 Quyết định 505/QĐ-BHXH đã quy định:

Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, BHTN… nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt HĐLĐ, HĐLV thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTN… bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.

Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTN... Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.

Căn cứ quy định trên, có thể thấy, nếu người lao động đủ điều kiện hưởng chế độ BHXH có thể yêu cầu đơn vị nơi mình làm việc đóng đủ các khoản BHXH để cơ quan BHXH giải quyết kịp thời các quyền lợi cho mình. Nếu đơn vị không đóng, người lao động sẽ không được hưởng các quyền lợi chính đáng về BHXH.

Vì vậy, trường hợp doanh nghiệp đủ khả năng tài chính mà cố tình nợ đọng BHXH thì người lao động có thể khiếu nại đến Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện trực tiếp lên Tòa án nhân dân cấp huyện nơi công ty đặt trụ sở chính để đòi lại quyền lợi.

Trường hợp đơn vị sử dụng lao động gặp khó khăn nên chưa đóng đủ BHXH thì người lao động nghỉ việc sẽ được xác nhận thời gian đóng BHXH tại thời điểm đã đóng. Số tiền BHXH còn nợ sau khi thu hồi được sẽ được bổ sung vào sổ BHXH của người lao động.

Khoản 1, Điều 186 Bộ luật Lao động khẳng định: “Người sử dụng lao động, người lao động phải tham gia BHXH bắt buộc, BHYT bắt buộc, BHTN và được hưởng các chế độ theo quy định của pháp luật”. Chậm đóng, trốn đóng và chiếm dụng tiền đóng BHXH cũng là hành vi bị nghiêm cấm tại Bộ luật Hình sự, Luật BHXH.

Quy định xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm về BHXH

Ðiều 38 Nghị định 28/2020/NÐ-CP quy định về mức xử phạt, hình thức xử lý đối với các hành vi vi phạm quy định về đóng BHXH bắt buộc, BHTN như sau:

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia BHXH bắt buộc, BHTN, tham gia không đúng đối tượng hoặc tham gia không đúng mức quy định.

- Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

+ Hằng năm, không niêm yết công khai thông tin đóng BHXH của người lao động do cơ quan BHXH cung cấp theo quy định tại khoản 7 Ðiều 23 của Luật BHXH;

+ Không thực hiện thủ tục xác nhận về việc đóng BHTN cho người lao động để người lao động hoàn thiện hồ sơ hưởng BHTN theo quy định;

+ Không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ thông tin về đóng BHXH bắt buộc, BHTN của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi không cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng BHXH bắt buộc, BHTN theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cơ quan BHXH.

- Phạt tiền từ 12% đến 15% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:

+ Chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN;

+ Ðóng BHXH, BHTN không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng;

+ Ðóng BHXH, BHTN không đủ số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN mà không phải là trốn đóng.

- Phạt tiền từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng BHXH bắt buộc, BHTN tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động không đóng BHXH bắt buộc, BHTN cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, BHTN mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, BHTN mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngoài hình thức phạt tiền như nêu trên, khoản 7 Ðiều 38 còn quy định các biện pháp khắc phục hậu quả, bao gồm:

+ Buộc truy nộp số tiền BHXH bắt buộc, BHTN phải đóng đối với các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 4, 5, 6 Ðiều này;

+ Buộc nộp số tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng, không đóng, trốn đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt vào tài khoản của cơ quan BHXH đối với những hành vi vi phạm quy định tại các khoản 4, 5, 6 Ðiều này từ 30 ngày trở lên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đơn vị nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp bị xử lý như thế nào?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO