Đồng bằng Sông Cửu Long: Đối diện thách thức - Bài 3: Xâm nhập mặn kéo dài

Quốc Trung 08/08/2019 08:00

Nguồn nước đầu nguồn sông Mekong thiếu hụt, kéo theo ĐBSCL sẽ khan hiếm nước ngọt, đe dọa trực tiếp tới sinh hoạt, sản xuất của người dân khu vực này. Trong khi đó, nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng đang là nỗi lo lớn.

Đồng bằng Sông Cửu Long: Đối diện thách thức - Bài 3:  Xâm nhập mặn kéo dài

Hệ thống cống ngăn mặn liệu có ngăn chặn được mặn xâm nhập vào nội đồng.

Mặn tới sớm hơn và xâm nhập sâu hơn

Tại thời điểm này, do mưa nhiều, kéo dài, nên độ nhiễm mặn tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL có giảm. Theo ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NNPTNT tỉnh Sóc Trăng), độ mặn đo được trên các tuyến sông, rạch đã giảm đáng kể. Trên sông Hậu, sông Mỹ Thanh độ mặn tiếp tục giảm.

Tuy nhiên, năm nay, tại ĐBSCL, mặn tấn công sớm hơn và lấn sâu hơn so với những năm trước. Cuối tháng 12/2018, mặn từ biển Tây đã xâm nhập vào các địa bàn của Hậu Giang như huyện Long Mỹ, TP Vị Thanh, đến khoảng tháng 6/2019 có lúc độ mặn đo được lên tới 11g/l (trong khi 4g/l đã ảnh hưởng xấu tới cây lúa).

Số liệu nghiên cứu của cơ quan chức năng về xâm nhập mặn cho thấy:

Khu vực các cửa sông thuộc sông Tiền: Phạm vi xâm nhập vào đất liền của độ mặn 4g/l, vào sâu nội đồng (so với mức trung bình nhiều năm) từ 20km đến 25km.

Khu vực các cửa sông thuộc sông Hậu: Phạm vi xâm nhập vào đất liền của độ mặn 4g/l, vào sâu nội đồng từ 15km đến 20km.

Khu vực ven biển Tây (trên sông Cái Lớn): Phạm vi xâm nhập vào đất liền của độ mặn 4g/l, vào sâu nội đổng từ 5km đến 10 km.

Như vậy, dù có giảm độ mặn vào một thời điểm cụ thể thì việc mặn xâm nhập sâu nội đồng ở khu vực ĐBSCL là rõ rệt và có xu hướng nặng nề hơn.

Trước tình hình đó, nhiều tỉnh, thành đã chủ động ứng phó. Tại tỉnh Cà Mau, để bảo vệ diện tích hơn 130.000 ha đất trồng lúa nước và cây màu tập trung ở các huyện U Minh và Trần Văn Thời, Chi cục Thủy lợi tỉnh này đã chủ động kiểm tra, theo dõi diễn biến của mặn để kịp thời ứng phó. Ông Nguyễn Long Hoai - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau cho biết, khi mặn xâm nhập vào vùng ngoài đê và đi vào trong vùng đê bao nước ngọt, tỉnh đã chủ động bơm nước mặn ra phía ngoài đê nên không ảnh hưởng nhiều đến diện tích cây trồng. Bên cạnh đó, Cà Mau còn thường xuyên đầu tư nạo vét các tuyến kênh, rạch nhằm tích trữ nước vào mùa mưa, phục vụ nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Không thể chủ quan

Mới đây tỉnh Hậu Giang đã đầu tư 67,5 tỉ đồng để đắp mới, nâng cấp, sửa chữa 120 đập thời vụ và cống ngăn mặn; nạo vét 71 tuyến kênh cấp 2, cấp 3 ở vùng bị hạn và xâm nhập mặn để trữ nước ngọt trên đồng. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trương Cảnh Tuyên cho biết, ở vùng có nguy cơ hạn hán, tỉnh đã kiểm tra hệ thống đê bao, cống bọng, trạm bơm điện, bơm dầu, có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa công trình để trữ nước ngọt. Đối với vùng nguy cơ nhiễm mặn, tỉnh tiếp tục nâng cấp, tu bổ sửa chữa công trình ngăn mặn, trữ nước ngọt nội đồng để phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân.

Là người chuyên nghiên cứu về sinh thái của vùng ĐBSCL, ThS Nguyễn Hữu Thiện cũng có những nhận định và dự báo về tình hình khô hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô 2019-2020: Sau Tết, sang khoảng tháng 3/2020, tình trạng hạn hán xâm nhập mặn sẽ rất gay gắt, mặn sẽ vào sâu đất liền, có thể ảnh hưởng đến cả nguồn nước sinh hoạt ở những nơi trước đây chưa từng bị ảnh hưởng. Ông Thiện cho rằng, đối với khô hạn cực đoan và xâm nhập mặn sâu, không có cách nào tốt hơn là cảnh báo sớm và né, để tránh thiệt hại, không nên đương đầu.

Vẫn theo ông Thiện, dù có cống đập ngăn mặn thì cũng không có tác dụng vì bên trong không đủ nước thì ngăn mặn là vô ích. Lý giải, ông Thiện cho biết: Những vùng mặn ở ĐBSCL như ở Bán đảo Cà Mau, mặn từ trong đất mặn ra. Quá trình bồi đắp vùng này, phù sa sông Cửu Long mang ra biển rồi vòng đường biển vào bồi đắp Bán đảo Cà Mau nên đất ở đây mặn. Tuy nhiên vùng này có được 6 tháng ngọt là nhờ lớp nước mưa ở trên đè xuống. Vì vậy những năm khô hạn, mưa ít và trong nước ở sông Hậu ít và thấp thì dù có đóng cống ngăn mặn thì bên trong vẫn mặn vì không đủ nước ngọt bên trong đẩy nước mặn ra ngoài.

Như vậy, với những bất thường của biến đổi khí hậu và thực tế mưa, lũ trên dòng Mê Kông thời gian qua, tình hình nhiễm mặn sâu vào nội đồng tại ĐBSCL đã thấy rõ. Để hạn chế tác hại của nó, rất cần giải pháp tổng thể cho toàn vùng, đặc biệt là những địa phương gần cửa sông.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bằng Sông Cửu Long: Đối diện thách thức - Bài 3: Xâm nhập mặn kéo dài

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO