Đồng bằng sông Cửu Long: 'Lũ' về sớm!

Quốc Trung 03/08/2018 20:29

Những ngày qua, do ảnh hưởng của vụ vỡ đập thuỷ điện ở Lào và những trận mưa lớn, kéo dài làm nước từ thượng nguồn sông MeKong đổ về hạ nguồn. Mực nước ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) ngày một lên nhanh, người dân bắt đầu lo lắng về những thiệt hại bước đầu đối với nông nghiệp và đời sống của người dân.

Đồng bằng sông Cửu Long: 'Lũ' về sớm!

Hoa màu của bà Lê Thị Muội ngụ ấp 1, sau khi nước rút toàn bộ mất trắng.

Nước lên nhanh, bà con ngoài đê bao trở tay không kịp

Ở ĐBSCL muốn biết lũ về sớm hay muộn thì chạy lên khu vực huyện Hồng Ngự của tỉnh Đồng Tháp hay huyện An Phú tỉnh An Giang. Nghe tin lũ về, năm nay chúng tôi chọn điểm đến đầu tiên là huyện Hồng Ngự của Đồng Tháp, theo người dân ở đây cho biết, khoảng hơn 1 tuần qua, mực nước đang dâng cao dần.

Bà Lê Thị Muội ngụ ấp 1, xã Thường Phước 2, cũng như nhiều người dân ở vùng này bất ngờ khi mực nước ở trên bờ ruộng “nhảy” liên tục. “Thường thì những năm trước, khi lũ về hoa màu của người dân khi đó đã thu hoạch xong, do người dân tính toán được thời gian nước lên, từ đó chủ động gieo trồng sớm để né. Nhưng một vài năm gần đây, mực nước lên xuống không ổn định nên khó đoán. Tuy nhiên, đâu có bất ngờ như năm nay, nước lên sớm làm bà con ở đây trở tay không kịp, hoa màu nhiều nơi bị thiệt hại nặng”.

Ở vùng đầu nguồn, thuộc huyện An Phú của tỉnh An Giang, thời điểm này lũ đã nhấn chìm hàng trăm ha lúa đến giai đoạn thu hoạch. Thống kế chưa đầy đủ của Phòng NN&PTNT huyện An Phú, đã có trên 400 ha lúa ngoài đê bao bị chìm trong nước, những ngày qua, các lực lượng đã hỗ trợ cùng người dân thu hoạch, tránh mất trắng.

Đồng bằng sông Cửu Long: 'Lũ' về sớm! - 1

Hoa màu của bà con ấp 1, xã Thường Phước mất trắng vì lũ dâng cao.

Ông Trần Minh Phú ở xã Phú Hội, không ngờ được năm nay mực nước lại lên nhanh như vậy. Mặc dù được khuyến cáo không nên làm lúa vụ 3, nhưng lão nông Trần Minh Phú vẫn ráng làm. Những ngày qua ông Phú đã huy động nhiều nhân công mà chỉ cứu được hơn 0,3ha trong tổng số gần 2ha lúa. Ông Phú than vãn, “Lúa mới chín đây thôi. Cũng ráng chờ ít hôm cho lúa già hẳn rồi thu hoạch, nhưng nước lên nhanh quá".

Chính quyền và người dân xã Phú Hội, cùng nhau thu hoạch được gần 270 ha trong tổng số 300 ha ngoài đê bao bị ngập sâu trong nước. Trong khi đó, bên xã Nhơn Hội (An Phú) cũng có trên 150 ha lúa hè thụ bị ngập trong lũ, địa phương đã huy động hàng chục chiến sĩ bộ đội giúp dân thu hoạch.

Ngành nông nghiệp tỉnh An Giang cho biết, đến nay, An Giang có 172.300ha chưa thu hoạch, trong có 154.500ha nằm trong đê bao (nơi được sản xuất 3 vụ), khoảng 18.000ha nằm trong vùng đê bao sản xuất 2 vụ. Riêng ở huyện đầu nguồn An Phú có 40ha lúa và hoa màu nằm ngoài đê bao coi như mất trắng.

Các tỉnh, thành ở cuối nguồn cũng thấy lo lắng trước thông tin lũ lên nhanh. Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, hiện nay vụ lúa Hè Thu nông dân của tỉnh đã thu hoạch xong được khoảng 70% diện tích, dự kiến đến tháng 8/2018 sẽ thu hoạch hết.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang vẫn thấy lo lắng khi mà diện tích lúa Thu Đông (hay còn gọi là vụ 3), hiện toàn tỉnh đã xuống giống được khoảng 60% tổng diện tích (khoảng 30.000ha), nếu mực nước cứ tiếp tục lên sẽ gây thiệt hại nặng cho bà con nông dân...".

Đồng bằng sông Cửu Long: 'Lũ' về sớm! - 2

Bộ đội biên phòng huyện An Phú giúp dân thu hoạch lúa chạy lũ.

Ở Cần Thơ ngành chức năng cũng lo lắng lũ sẽ đe doạ vụ lúa Thu Đông, vì đến nay bà con nông dân các huyện Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai... đã gieo xạ vụ lúa Thu Đông được trên 71.700ha và một số nơi nông dân vẫn đang tiếp tục gieo xạ.

Ông Nguyễn Quý Ninh, Phó chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN TP Cần Thơ cho biết, mặc dù hơn 71.700ha lúa Thu Đông, nằm trong vùng có đê bao. Nhưng người dân cần thường xuyên kiểm tra, khắc phục những đoạn đê bao bị yếu bảo vệ diện tích lúa...

Trong khi đó, ở Kiên Giang đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ thi công sửa chữa các công trình thủy lợi trong vùng Tứ giác Long Xuyên để đảm bảo vận hành tốt hệ thống thoát lũ ra biển Tây. Đồng thời, khuyến cáo các địa phương vận động người dân chằng chống nhà cửa, kê kích vật tư, hàng hóa đảm bảo không bị ảnh hưởng do lũ...

Hiện theo dự báo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo từ ngày 3/8 trở đi mực nước sẽ tiếp tục dâng cao trên 3,2m…

Ông Khương Lê Bình, Giám đốc Đài khí tượng thủy văn tỉnh Đồng Tháp dự báo, do lượng nước tại trung hạ Lào trên sông Mekong cộng thêm ảnh hưởng của mưa thượng nguồn nên mực nước tại các trạm trung hạ Lào, Campuchia đang chảy rất nhanh và hiện đang ở mức cao hơn trung bình hàng năm khoảng từ 0,2 - 1,5m và cao hơn trung bình nhiều năm khoảng từ 0,5 - 4m.

Ông Bình lo ngại trong tháng 8 và 9 thì mực nước sẽ tiếp tục tăng cao. Các nơi trong tỉnh mực nước sẽ dâng tới đỉnh điểm vào đầu và giữa tháng 10/2018, ở mức cao hơn đỉnh lũ của năm 2017 và tương đương đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Mặt khác, với tình hình mực nước như hiện nay, dự báo ở khu vực đầu nguồn trong thời gian tới sẽ tiếp tục uy hiếp các vùng thấp ngoài đê bao…

Đồng bằng sông Cửu Long: 'Lũ' về sớm! - 3

Nước đã nhảy khỏi bờ ở huyện An Phú, An Giang.

Chủ động ứng phó

Trước diễn biến khó lường của mực nước lũ, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đã chỉ đạo phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, triều cường nhằm kịp thời thông báo cho người dân biết để chủ động phòng tránh, đồng thời có kế hoạch thu hoạch dứt điểm lúa và hoa màu tại vùng ngoài đê bao và vùng dễ bị lũ đe doạ.

Giám đốc Sở NN& PTNT tỉnh An Giang, Trần Anh Thư cho biết cũng cho biết, ngoài ra cần chủ động tăng cường công tác kiểm tra các tuyến đê bao, cống, các điểm xung yếu, vùng trũng thường xuyên bị ảnh hưởng của ngập úng để kịp thời xử lý. Huy động lực lượng dân quân, đoàn thể hỗ trợ giúp dân thu hoạch lúa...

Lo ngại trước diện tích lúa Thu Đông bị nước lũ gây thiệt hại, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cũng thông tin trực tiếp cho các cơ quan chức năng theo dõi tình hình mực nước, từ đó thông tin đến người dân, chính quyền địa phương cùng thực hiện các biện pháp gia cố bờ bao, hạn chế nước tràn vào ruộng, khơi thông kênh rạch thoát nước, trang bị máy bơm hút nước bảo vệ diện tích lúa,...

Đồng bằng sông Cửu Long: 'Lũ' về sớm! - 4

Nhiều nơi nước đã dâng cao lên gần tới khu vực nhà sàn của người dân.

Theo ông Lương Huy Khanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh An Giang, để chủ động ứng phó với đợt nước lên do triều cường và mưa, dông, trong mùa mưa, lũ ảnh hưởng đến sản xuất lúa Hè Thu và Thu đông năm 2018. Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh đề nghị các đơn vị theo dõi chặt chẽ tình hình nước lên, triều cường, lũ để kịp thời cảnh báo, chủ động có biện pháp, phương án ứng phó hiệu quả, đảm bảo sản xuất và sinh hoạt của người dân an toàn trong mùa mưa, lũ. Đồng thời, kiểm tra, rà soát sẵn sàng triển khai các phương án ứng phó đảm bảo an toàn cho hệ thống đê bao, các khu vực trọng điểm sạt lở bờ sông xung yếu, các công trình đang thi công, chống ngập đô thị do ảnh hưởng của nước dâng và triều cường.

Thông tin vỡ đập thuỷ điện ở Lào khiến cho lũ đầu nguồn sông MeKong lên nhanh khiến cho các địa phương lo lắng và đã chủ động hơn trong công tác ứng phó và tuyên truyền cho người dân. Tuy nhiên các chuyên gia về vùng ĐBSCL lại có mối lo lắng khác hơn là lo lũ lên.

Thạc sỹ Nguyễn Hữu Thiện, Chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL lo lắng: “Sự cố vỡ đập thủy điện Xepian Xe Nam Noy tỉnh Attapeu (Lào) một lần nữa cho thấy an toàn đập trên lưu vực Mekong là một vấn đề thực sự đáng lo ngại. Đối với ĐBSCL, điều chúng ta lo ngại nhất là vỡ đập dây chuyền. Đặc biệt là đối với đập dự kiến Sambor ở Campuchia trên dòng chính và gần ĐBSCL nhất”.

Ông Thiện cho rằng, đối với ĐBSCL điều chúng ta lo ngại nhất là vỡ đập dây chuyền. Đặc biệt là đối với đập dự kiến Sambor ở Campuchia trên dòng chính và gần ĐBSCL nhất. Hình dung sông Mekong như một cái cây có nhiều nhánh lớn, nhánh lớn lại phân ra nhánh nhỏ thì ĐBSCL nằm ở gốc cây và đập Sambor nằm ở thân cây phía trên ĐBSCL. Đập Sambor sẽ gánh chịu rủi ro của tất cả các đập phía trên, bất cứ đập nào phía trên vỡ đều cuối cùng ảnh hưởng đến Sambor. Sambor theo phương án ban đầu có chiều ngang 18km, cao 56m, có diện tích hồ chứa 620 km2, tích trữ nước ở cao trình 40m trên mực nước biển, trong khi cao trình của ĐBSCL là chỉ khoảng 1 mét trên mực nước biển.

Những cảnh báo nóng của các chuyên gia, chính quyền và người dân ở vùng ĐBSCL không thể chủ quan, nhất là thời điểm này tình hình biến đổi khí hậu ngày càng thể hiện rõ…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bằng sông Cửu Long: 'Lũ' về sớm!

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO