Đồng bằng sông Cửu Long: Nơi cảnh báo, nơi chờ mặn

NGUYÊN DU 20/02/2023 07:00

Những ngày này ở Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra nghịch cảnh nơi thì lo mặn xâm nhập sâu vào nội đồng đe dọa sản xuất, nhưng có nơi con tôm lại ngóng nước mặn. Tại Kiên Giang, mặn đã lấn sâu vào các con kênh, sông nội đồng nên tỉnh này đã chủ động đóng cống, đắp đập để bảo vệ mùa màng của người dân. Ở huyện An Biên, người dân sống thuận thiên với mô hình tôm - lúa lại tranh thủ bơm nước mặn vào ruộng để thả tôm.

Kiểm tra độ mặn trên vuông tôm ở Bạc Liêu. Ảnh: Nguyên Du.

Ông Trang Minh Tú - Trưởng phòng NN&PTNT huyện An Biên (Kiên Giang) cho biết, năm nay huyện có kế hoạch thả nuôi 24.000ha tôm nước lợ, gồm các hình thức nuôi tôm - lúa tôm nuôi quảng canh cải tạo tôm nuôi dưới tán rừng và tôm nuôi công nghiệp. Đến thời điểm này, nông dân lo lắng mặn vào nên chỉ thả giống khoảng 13.000ha.

“Nước biển vào nội đồng thường tăng mạnh theo các con nước triều cường nên người dân cũng thận trọng không dám thả nuôi tôm nhiều, sợ nước mặn vào” - ông Tú nói.

Công trình thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé ngăn chặn xâm nhập mặn, điều hòa mặn ngọt.

Tháng 2 và 3, mặn có thể xâm nhập sâu

Theo ông Nguyễn Huỳnh Trung - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Kiên Giang, hiện nồng độ mặn ở trạm sông Cái Lớn bắt đầu tăng và đo được 12‰; kênh Chắc Băng huyện Vĩnh Thuận là 13,8‰ và sông Ngã Ba Đình là 4,4‰... Dự báo trong những ngày tới sông Cái Lớn nồng độ mặn có thể lên cao đạt khoảng 15‰.

Để chủ động phòng chống xâm nhập mặn, ngoài theo dõi diễn biến thời tiết, Chi cục Thủy lợi tỉnh phối hợp với Công ty TNHH một thành viên Khai thác thủy lợi miền Nam vận hành cống Cái Lớn - Cái Bé, Xẻo Rô, vận hành hệ thống cống ven biển Hòn Đất - Kiên Lương.

Còn tại Sóc Trăng, ông Phạm Tấn Đạo - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng cho biết, tình hình xâm nhập mặn hiện nay tương đương mùa khô năm 2022. Tuy nhiên, theo ông Đạo do giảm lượng xả thải từ hồ chứa thượng nguồn sông Mê Kông sẽ làm gia tăng xâm nhập mặn ở ĐBSCL từ khoảng ngày 16/2 đến đầu tháng 3/2023, trên sông Hậu ranh mặn 4gam/lít có thể xâm nhập từ 58 đến 60 km. Để kịp thời ứng phó với cường độ mặn có khả năng tăng cao ở các tuyến sông, hiện ngành nông nghiệp Sóc Trăng yêu cầu đơn vị quản lý khai thác bố trí lực lượng túc trực tại các cống xung yếu để tiến hành quan trắc độ mặn, vận hành hệ thống kịp thời khi có yêu cầu.

Tỉnh Sóc Trăng đang theo dõi chặt chẽ các nguồn nước trên các sông, kênh rạch để điều tiết hợp lý thông báo thường xuyên tình hình độ mặn ở địa bàn để người dân kịp thời ứng phó, đồng thời thực hiện tốt công tác tích trữ nước ngọt khi nồng độ mặn cho phép và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn nước nhằm phục vụ kịp thời cho sinh hoạt sản xuất của người dân” - ông Đạo thông tin thêm.

Trong khi đó, giới chuyên gia khuyến cáo, các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp để phục vụ nông nghiệp và dân sinh, đồng thời ứng phó với các tình huống xấu có thể xảy ra.

Theo dự báo của ngành khí tượng thủy văn, xâm nhập mặn ở vùng ĐBSCL mùa khô năm 2022-2023 ở mức tương đương trung bình nhiều năm. Các đợt xâm nhập mặn có xu thế gia tăng bắt đầu ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh tập trung trong tháng 2 và 3/2023 (từ ngày 18-24/2 và từ ngày 18/2-25/3); các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn vào tháng 3 và 4/2023 (từ ngày 18-25/3 và từ ngày 17-23/4).

Các địa phương ở ĐBSCL cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn.

Người dân chưa thể thả tôm vì độ mặn chưa đạt.

Người nuôi tôm chờ mặn

Trong khi một số địa phương đang liên tiếp cảnh báo mặn xâm nhập sâu vào đất liền ảnh hưởng đến sản xuất thì tại Bạc Liêu, nỗi lo thiếu nước mặn nuôi tôm đang thường trực tại vùng chuyển đổi lúa - tôm.

Ghi nhận của phóng viên, sau khi thu hoạch vụ lúa trên đất nuôi tôm, nông dân ở Bạc Liêu tranh thủ cải tạo vuông tôm để chuẩn bị thả nuôi vụ đầu năm. Tuy nhiên, những ngày qua độ mặn xuống thấp không đáp ứng được nhu cầu thả tôm, có nơi độ mặn chỉ đạt 1 - 2‰.

Huyện Hồng Dân nằm ở vùng giáp nước giữa triều cường Biển Tây và phụ thuộc vào lịch điều tiết nước mặn phía Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu. Độ mặn đo tại các cống như Cầu Sắt 0,22‰, Sáu Hỷ 0,14‰, Dì Quán 0,17‰... Nhiều xã khác như Ninh Thạnh Lợi, Ninh Thạnh Lợi A, Vĩnh Lộc, Vĩnh Lộc A... vẫn đang trong tình trạng chưa đủ mặn để thả nuôi tôm.

Ông Nguyễn Thanh Sơn ở xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân lo lắng cho biết, hiện nay gia đình cũng đã cải tạo xong ao đầm với trên 2ha đất nuôi tôm quảng canh nhưng chưa dám thả giống vì độ mặn chưa đạt. “Độ mặn ở kênh còn thấp quá chỉ từ 1-2‰ nên không thả tôm được. Nếu thả là tôm chết ngay, phải chờ đủ mặn mới lấy được, năm nay mặn về trễ quá” - ông Sơn nói.

Ông Sử An Bình - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hồng Dân cho biết, năm nay dự kiến nông dân vùng chuyển đổi của huyện phấn đấu thả giống trên 26.260ha mặt nước nuôi tôm. Trong đó, tôm - lúa là hơn 24.700ha, còn lại theo mô hình quảng canh và quảng canh cải tiến kết hợp với các loài thủy sản khác. Tuy nhiên, đến nay nông dân mới cải tạo ao đầm được khoảng 40 – 60% diện tích. Nguyên nhân chính là do nước mặn trên các tuyến kênh còn thấp, nơi cao nhất chỉ đạt 5‰, trong khi đó độ mặn nuôi tôm thích hợp nhất phải đạt từ 10 - 15‰.

Trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này, ông Lai Thanh Ẩn - Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Bạc Liêu cho biết, hiện nay đã cấp đủ nước mặn cho thị xã Giá Rai và diện tích nuôi tôm của huyện Phước Long. Khu vực phía Bắc Hồng Dân giáp Kiên Giang vẫn còn ngọt, độ mặn dao động từ 0,1‰ đến 1‰, còn trên 5.000ha nuôi tôm chưa thả giống. Chi cục đã xây dựng lịch điều tiết nước mặn cống Giá Rai và cống Hộ Phòng từ ngày 16 đến ngày 24/2/2023 để cung cấp nước mặn phục vụ nuôi trồng thủy sản vùng Bắc Quốc Lộ 1A. “Mở tiêu nước ra một chiều ở tất cả các cống dọc Quốc lộ 1A từ cống Láng Trâm đến cống Giá Rai, khi độ mặn có khả năng vượt qua ranh hai tỉnh Sóc Trăng - Bạc Liêu, ảnh hưởng đến diện tích sản xuất lúa của tiểu vùng giữ ngọt ổn định của hai tỉnh” - ông Ẩn thông tin thêm.

Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều vừa có chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô đang diễn ra. Đồng thời yêu cầu Sở NN&PTNT và các địa phương chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phải tập trung cao độ cho công tác điều tiết nước cho hai vùng mặn, ngọt; đồng thời yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường hàng tháng phải lấy mẫu nước mặt tại 8 điểm trên địa bàn tỉnh (đại diện cho từng vùng mặn, ngọt, lợ) để phân tích các chỉ tiêu, thông báo kết quả quan trắc này để điều tiết phục vụ việc sản xuất của người dân...

Trong khi nhiều địa phương lo hạn mặn, thì bà con huyện U Minh Thượng, An Biên (Kiên Giang) lại vui mừng khi nồng độ mặn ở các con kênh nội đồng chỉ 1‰. Nước mặn về muộn và ít nên thời gian qua người dân chủ động được nước ngọt trồng lúa đạt năng suất cao, bán được giá. Bà con nông dân cho biết, do năm nay có mưa trái mùa nên nước mặn chưa xâm nhập sâu vào ruộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bằng sông Cửu Long: Nơi cảnh báo, nơi chờ mặn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO