Đóng BHXH cho người lao động: Không thể chây ì

Tinh Anh 01/05/2021 08:00

Dù Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017 dành 3 điều (214, 215, 216) để điều chỉnh các hành vi liên quan đến việc đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH). Song, tới thời điểm này, không có bất cứ cá nhân, tổ chức nào bị khởi tố điều tra vì hành vi trốn tránh, chây ì không chịu đóng BHXH, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động.

Chống đối quyết định xử phạt

Theo BHXH Việt Nam, trên cả nước hiện có hàng nghìn doanh nghiệp, đơn vị đang nợ đọng tiền BHXH, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp (gọi chung là BHXH), làm ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của người lao động. Trong đó, cũng có những đơn vị, doanh nghiệp (DN) thực sự khó khăn do sản xuất kinh doanh thua lỗ, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19... nên chưa có khả năng thanh toán số tiền nợ đọng BHXH.

Song, có không ít đơn vị, DN cố tình chây ì, trốn tránh đóng BHXH cho người lao động, chiếm dụng vốn để sử dụng vào việc khác... Từ năm 2016 đến năm 2020, thông qua công tác thanh tra chuyên ngành, BHXH Việt Nam đã phát hiện nhiều đơn vị, DN dù làm ăn khấm khá vẫn chây ì không chịu thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động.

Cũng trong giai đoạn này, BHXH Việt Nam đã ban hành và gửi hồ sơ đề nghị cơ quan có thẩm quyền ban hành hơn 2.100 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các đơn vị, DN vi phạm pháp luật trong việc đóng BHXH cho người lao động, với số tiền xử phạt khoảng gần 115 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo đánh giá của BHXH Việt Nam, số lượng đơn vị, doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chây ì đóng BHXH vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với thực tế. Tệ hơn nữa là ngay cả những DN đã bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt, không phải đơn vị nào cũng chấp hành việc nộp tiền phạt. Nhiều đơn vị, DN không chỉ cố tình trốn tránh đóng BHXH, mà còn giỡn mặt pháp luật bằng việc “ngó lơ” với quyết định xử phạt.

Trốn tránh, chây ì không đóng BHXH cho người lao động đã là vi phạm nghiêm trọng pháp luật, khi bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt lại chống đối không chấp hành, điều đó chứng tỏ một điều là các đơn vị, DN không biết sợ là gì. Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ xảy ra tình trạng trên là bởi chưa có chế tài nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH nên chưa đủ sức răn đe.

Thậm chí, có không ít đơn vị, DN sau khi bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, không những không chấp hành quyết định xử phạt, còn tiếp tục thực hiện hành vi chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động trong thời gian kéo dài, tái phạm nhiều lần. Trong hầu hết các trường hợp như vậy, BHXH Việt Nam cũng chỉ còn biết “đành lòng vậy, cầm lòng vậy”, chứ không thể làm gì để ép các đơn vị, DN tuân thủ pháp luật về BHXH.

Khó xử lý hình sự

BHXH Việt Nam cho biết, sau hơn 2 năm thực hiện Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự và Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, ngành này đã kiến nghị khởi tố nhiều đơn vị, DN cố tình trốn tránh, chây ì đóng BHXH cho người lao động. Sau khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành, BHXH nhiều địa phương trên cả nước đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện việc lập hồ sơ kiến nghị khởi tố các đơn vị, doanh nghiệp vi phạm pháp luật về BHXH, gửi tới các cơ quan bảo vệ pháp luật. Đến nay, ngành BHXH đã kiến nghị khởi tố hơn 300 vụ, nhưng tới thời điểm hiện tại chưa có cá nhân, đơn vị, DN nào bị xử lý hình sự vì trốn tránh, chây ì, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động.

Nguyên nhân được chỉ ra rằng, dù cơ quan công an đã tiếp nhận hồ sơ do BHXH các địa phương gửi tới, nhưng không đủ điều kiện để khởi tố điều tra vì nhiều vướng mắc không dễ giải quyết. Cụ thể, trong nhiều trường hợp, cơ quan công an xác định hành vi chậm đóng, nợ đọng BHXH chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm, do không có yếu tố gian dối hoặc thủ đoạn khác. Hay như việc muốn khởi tố điều tra phải có điều kiện “đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà còn vi phạm” cũng là khó khăn mà BHXH các địa phương khó lòng đáp ứng được.

Thậm chí, để có thể chây ì, trốn tránh nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động, khá nhiều đơn vị, DN đã dùng “chiêu”: Kê khai đầy đủ số người, số tiền phải đóng nhưng không đóng với lý do khó khăn trong sản xuất kinh doanh. Trong trường hợp này, cơ quan công an cũng đành bó tay bởi đơn vị, DN “không có thủ đoạn gian dối”, nên đã đề nghị BHXH khởi kiện vụ án dân sự theo quy định pháp luật.

Điều đó có nghĩa, khi đề nghị khởi tố một đơn vị, DN nào đó chây ì, trốn tránh đóng BHXH cho người lao động, cơ quan BHXH tại các địa phương cần chứng minh được các hành vi: “Bị xử phạt rồi mà vẫn vi phạm”, “có thủ đoạn gian dối”...

Trong khi đó, cơ quan BHXH không có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra tại đơn vị, DN nên không thể thu thập được tài liệu để chứng minh các hành vi có dấu hiệu cấu thành tội phạm hình sự như phía công an đòi hỏi. Vì thế, hầu hết các kiến nghị khởi tố của ngành BHXH đều bị phía công an “trả về” không thể xử lý với “lời khuyên”: Khởi kiện dân sự.

Thậm chí, đại diện Bộ Công an tham gia Hội nghị trực tuyến tập huấn công tác tố tụng hình sự đối với hành vi phạm pháp về BHXH còn thẳng thắn nêu: Hiện, các đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng rất nhiều, nếu cơ quan BHXH chuyển hết sang phía công an, lực lượng này sẽ bị áp lực quá tải do nhân sự còn mỏng.

Theo lời khuyên của vị này, giải pháp ban đầu là trao đổi thông tin, phân loại từng đơn vị nợ đọng để có hình thức răn đe. Nếu đơn vị nào cố tình vi phạm lúc đó mới chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để khởi tố. Vậy là loay hoay một hồi cuối cùng lại trở về vạch xuất phát, bởi cơ quan BHXH làm sao có thể răn đe, hay làm sao có thể chứng minh được đơn vị DN nào cố tình chây ì, trốn tránh đóng BHXH cho người lao động?

Chưa tìm ra giải pháp

Trước thực trạng đáng buồn trên, dư luận xã hội không thể không đặt câu hỏi: Chúng ta đã có hẳn một đạo luật riêng về BHXH, lại có tới 3 điều trong Bộ luật Hình sự 2015 để điều chỉnh các hành vi vi phạm pháp luật, vậy thì tại sao vẫn có hàng nghìn, nếu không muốn nói là hàng vạn đơn vị, DN tiếp tục trốn tránh, chây ì, chiếm dụng tiền BHXH của người lao động?

Câu trả lời hết sức đơn giản: Có quy định điều chỉnh hành vi nhưng chế tài lại quá yếu không đủ sức răn đe những đối tượng “cứng đầu”. Thực ra cũng chẳng cần phải “cứng đầu” mới dám giỡn mặt với pháp luật, khi mà cố tình trốn tránh, chây ì đóng BHXH cho người lao động mà chẳng bị làm sao thì có gì phải sợ?

Bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi nợ đọng, chiếm dụng tiền đóng BHXH, mà còn có thể “phớt lờ” không thèm đếm xỉa tới thì có gì phải “xoắn”? Theo quy định của Luật BHXH, các tổ chức công đoàn được giao nhiệm vụ khởi kiện ra tòa những đơn vị, DN trốn tránh, chây ì đóng BHXH cũng không thực hiện được chức năng, nhiệm vụ được giao.

Tính tới thời điểm này, hầu như chưa có tổ chức công đoàn nào khởi kiện được các đơn vị, DN có hành vi nợ đọng, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động. Phạt hành chính thì không phải chấp hành, ra tòa cũng chẳng phải ra thì có lý gì mà các đơn vị, DN chây ì, trốn tránh đóng BHXH cho người lao động phải “nghĩ”?

Ngay cả khi có chống đối không thực hiện nghiêm chỉnh các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BHXH, không bị các tổ chức công đoàn kiện ra tòa, nhưng nếu có một vài cá nhân, đơn vị, DN trốn tránh, chây ì đóng BHXH cho người lao động bị xử lý hình sự, có lẽ đã chẳng ai dám giỡn mặt với pháp luật. Với nhiều người, tiền có thể họ không tiếc, liêm sỉ có thể họ không cần, nhưng đối mặt với nhà tù thì họ sẽ biết sợ. Khi đó họ mới ngoan ngoãn chấp hành các quy định của pháp luật.

Đáng tiếc, đến thời điểm hiện tại, chưa có cá nhân, đơn vị, DN nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trốn tránh, chây ì không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho người lao động. Do vậy, việc có hàng nghìn đơn vị, DN cố tình nợ đọng, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động là việc hết sức bình thường, bởi đó là logic khoa học về nguyên nhân và hệ quả. Chừng nào mà chế tài của pháp luật chưa nghiêm, các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền chưa được tôn trọng, các tổ chức công đoàn vẫn chưa thực hiện việc khởi kiện ra tòa, cơ quan công an còn chưa khởi tố điều tra cá nhân, đơn vị, DN nào cố tình trốn tránh, chây ì, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động, chừng đó sẽ không thể giảm tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, chỉ có tiếp tục tăng lên mà thôi. Đơn giản là bởi họ đã nhờn luật!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đóng BHXH cho người lao động: Không thể chây ì

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO