Đồng bộ, quyết liệt trong chống tham nhũng, tiêu cực

H.Vũ 05/05/2022 11:45

Ngày 4/5, phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 5, liên quan đến việc Trung ương sẽ cho ý kiến về Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị: Trung ương nghiên cứu, xem xét, quyết định về chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta theo tinh thần: “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tại Hội nghị. Ảnh: Trí Dũng-TTXVN

Bức thiết từ cơ sở, không tăng biên chế

Đánh giá về việc Trung ương cho ý kiến về Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, ông Lê Như Tiến, ĐBQH khóa XIII cho rằng: Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh sẽ là “cánh tay nối dài” của Trung ương. Việc thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở cả Trung ương và địa phương sẽ nhất quán, tạo sự thống nhất từ Trung ương xuống địa phương trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Ông Tiến phân tích: “Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh chịu sự theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn và chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Như vậy là “cánh tay nối dài” giữa Trung ương và 63 địa phương.

Ông Dương Ngọc Sơn, nguyên Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng: Chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là vô cùng cần thiết trong thời điểm hiện nay, đáp ứng được sự mong mỏi của nhân dân. Tham nhũng, tiêu cực rất tinh vi. Tại địa phương nếu không có tổ chức thì tham nhũng, tiêu cực khó được kiềm chế, ngăn chặn. Trung ương làm sao đi hết, bao quát được 63 tỉnh, thành? Do đó mỗi địa phương có tổ chức phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ giúp cho công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại cơ sở sẽ tốt hơn.

Lý giải về việc tại sao thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại thời điểm hiện nay, ông Nguyễn Văn Yên - Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho biết: Thời điểm này Trung ương quyết định tiếp tục tái lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của “cuộc chiến” chống tham nhũng, tiêu cực. Tham nhũng chỉ là “ngọn”, còn “gốc” xuất phát từ tiêu cực, là sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống dẫn tới các hành vi vi phạm pháp luật, quy định của Đảng.

Từ thực tiễn kinh nghiệm là người dành trọn thời gian công tác về phòng, chống tham nhũng, ông Yên khẳng định: “Việc thành lập chỉ có tốt hơn, không xấu đi, không tăng biên chế. Bởi cái gì có tổ chức, có tập thể, có bộ máy để mang mọi việc ra bàn thảo thì chân lý sớm được sáng tỏ hơn, trí tuệ tập thể bao giờ cũng tốt hơn. Đặc biệt, ở tại chỗ sẽ sâu sát, nắm bắt “tới nơi tới chốn”, “thấu tình đạt lý”. Đó cũng là yêu cầu bức thiết hiện nay”.

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII.
Ảnh: Đăng Khoa

Nhiều “tai mắt” hơn, không lo cát cứ

Trước lo ngại việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì mọi việc có tốt hơn hay không, khi thời gian qua có một vài Bí thư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy vi phạm kỷ luật, nhất là có thể Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực sẽ do Bí thư tỉnh, thành phố đứng đầu? Ông Lê Như Tiến phân tích: Nhiều người lo có cát cứ không, thì chúng ta hoàn toàn yên tâm về sự thống nhất. Khi thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh thì Trung ương cũng có những quy chế rõ ràng, không để cát cứ, địa phương muốn làm gì thì làm mà có sự tập trung thống nhất từ Trung ương, không có chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, trên nóng, dưới lạnh, hay thậm chí “đóng băng”.

“Ở đây có vai trò của Trung ương trong chỉ đạo, theo dõi, kiểm soát. Đặc biệt ở địa phương còn có các cơ quan khác giám sát để kiểm soát quyền lực. “Chúng ta có kiểm tra của cấp ủy Đảng, giám sát của cơ quan dân cử, kiểm tra của thanh tra tỉnh, giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Ban Nội chính tỉnh cũng là cánh tay nối dài của Ban Nội chính Trung ương. Ban Nội chính cũng chính là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ở tỉnh mô hình cũng sẽ tương tự như vậy. Việc thành lập là để toàn quốc đều vào cuộc từ Trung ương cho đến địa phương trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Như thế địa phương cũng phát huy được vai trò trách nhiệm của mình trong chống tham nhũng, tiêu cực, chứ không phải vụ nào của địa phương, Trung ương cũng phải tham gia, có những vụ phân quyền cho địa phương thì địa phương phải làm”- ông Tiến nói.

Đề cập đến vấn đề một số Bí thư, nguyên Bí thư Tỉnh từng bị kỷ luật, vậy có nên giao cho Bí thư tỉnh làm Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực? Ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương khẳng định: “Không ảnh hưởng”. Ông Học nói: “Bí thư Tỉnh ủy được giao làm Trưởng Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải chịu trách nhiệm trước Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh về công tác lãnh đạo, chỉ đạo đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nếu không làm được, không xứng đáng sẽ có cơ quan có thẩm quyền xử lý”.

Liên quan đến vấn đề trên, GS. Nguyễn Anh Trí, ĐBQH đoàn TP Hà Nội cho rằng: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua được nhân dân đánh giá rất cao. Đã đến lúc triển khai, thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực để cùng hỗ trợ, chia sẻ với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Qua đó có nhiều “tai mắt”, nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ hơn.

“Thực tiễn cho thấy, lâu nay chống tham nhũng “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”. Vừa qua đã có một số nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Trung ương, các tướng lĩnh Công an, Quân đội bị xử lý kỷ luật. Do đó, nếu có thành viên trong Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vi phạm thì thành viên đó cũng sẽ bị kỷ luật. Đây là vấn đề Trung ương đã nhìn thấy, và tính đến những biện pháp thích hợp để hạn chế và xử lý”- ông Trí cho hay.

Từ kinh nghiệm làm công tác thanh tra trong nhiều năm, ông Dương Ngọc Sơn lưu ý: “Sau khi Trung ương có chủ trương thì cần có hướng dẫn để các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cũng như quy định về chức năng, nhiệm vụ, cách hoạt động, nội dung hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực để ban này hoạt động hiệu quả tốt, nhất là vấn đề tham nhũng tại cơ sở đang bức thiết, âm thầm, và rất tinh vi. Nếu không ngăn chặn kịp thời hậu quả sẽ khó lường”.

Giám sát người đứng đầu

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cho rằng: Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa qua đã lan tỏa ra các địa phương, các ngành, các lĩnh vực. Đa phần trong thời gian qua đã xử lý các vụ ở cấp bộ, ngành trong khi tham nhũng vặt được đánh giá nghiêm trọng. Vì thế mới có chuyện “trên nóng, dưới lạnh”. Bức xúc của người dân hiện nay chính là liên quan đến tham nhũng vặt, đi đến đâu, cái gì cũng phải “lót tay”. Cho nên, cần đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay tại cơ sở thông qua việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

“Nhân dân cũng băn khoăn khi vừa qua có một số Bí thư Tỉnh ủy vướng vòng lao lý. Trưởng ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có thể do Bí thư hoặc Chủ tịch tỉnh đảm nhiệm. Để các vị này không vướng vào thoái hóa, biến chất phải có sự giám sát chặt chẽ của Trung ương, của Đảng, Nhà nước. Nhưng quan trọng hơn là giám sát của nhân dân. Do đó, giám sát của nhân dân đối với người đứng đầu cần được quan tâm hơn nữa, nhất là giám sát của người dân tại địa bàn dân cư vì ai cũng sinh sống tại khu dân cư. Thực hiện có hiệu quả Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị về MTTQ cùng các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”- ông Túc nói.

“Cánh tay nối dài” của Trung ương

Từ thực tiễn nhiều năm làm công tác kiểm tra của Đảng, theo ông Ngô Văn Sửu, nguyên vụ trưởng Vụ 1, Ủy ban Kiểm tra Trung ương: Chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là hoàn toàn đúng đắn, cần thiết trong lúc này bởi vấn đề tham nhũng, tiêu cực không phải chỉ ở cấp Trung ương mà xảy ra từ cấp xã đến huyện, tỉnh. Việc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có thể được coi như là “cánh tay nối dài” của Trung ương nhằm giải quyết một cách kịp thời những vấn đề còn bức xúc trong dân, những vấn đề còn tồn đọng, tiêu cực, tham nhũng ở địa phương.

Đã đến lúc thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng

GS. Nguyễn Anh Trí, ĐBQH đoàn TP Hà Nội cho rằng: Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian qua được nhân dân đánh giá rất cao. Đã đến lúc triển khai, thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực để cùng hỗ trợ, chia sẻ với Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Qua đó có nhiều “tai mắt”, nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng bộ, quyết liệt trong chống tham nhũng, tiêu cực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO