Trong cuộc họp dự kiến vào đầu tháng 12, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ mở rộng (OPEC+) có thể sẽ cắt giảm việc hạn chế xuất khẩu, từ 2 triệu thùng/ngày (từ 1/11/2022) xuống còn 1,5 triệu thùng/ngày. Tuy nhiên, điều đó cũng không làm giảm cơn khát năng lượng đã kéo dài suốt từ tháng 2 tới nay.
EU sẽ cấm nhập hầu hết dầu thô của Nga
Ngày 7/3 năm nay đánh dấu mức giá cao kỷ lục (trung bình) của dầu thô trên thị trường thế giới: 130 USD/thùng. Sau đó, giá dầu thô đi xuống nhưng vẫn dao động quanh mức trên dưới 100 USD/thùng, trong khi theo tính toán của các công ty dầu mỏ thì ở mức 60 USD/thùng là đã có lãi.
Cho tới ngày 24/11, giá dầu giảm xuống gần mức thấp nhất trong 2 tháng qua. Cụ thể với dầu thô Brent có lúc giảm xuống 86,88 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI có thời điểm giảm còn 79,40 USD/thùng.
Theo bà Tina Teng - nhà phân tích thị trường thuộc Công ty Dịch vụ tài chính CMC Markets (Anh) thì nhu cầu suy yếu do lạm phát và đà tăng của đồng USD là nhân tố làm giảm giá dầu. Tuy nhiên, bà Teng cho rằng “niềm tin về giá dầu vẫn rất mong manh khi kịch bản suy thoái kinh tế đang đến gần, đặc biệt là tại Anh và khu vực đồng euro. Bất chấp nhiều doanh nghiệp châu Âu đang gấp rút dự trữ đầy kho chứa dầu diesel trước khi lệnh cấm sản phẩm dầu từ Nga của Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu có hiệu lực vào tháng 2/2023”.
Được biết, từ ngày 5/12, EU sẽ cấm nhập hầu hết dầu thô của Nga. Đến tháng 2/2023, EU sẽ cấm vận hoạt động vận chuyển các sản phẩm từ dầu của Nga. Tuy nhiên, nói như bà Pamela Munger - chuyên gia phân tích thị trường cao cấp tại Công ty Phân tích năng lượng Vortexa (Anh), thì “đó là biện pháp không kiểm soát được hiệu quả”, khi mà dầu diesel từ Nga đã chiếm 44% tổng lượng nhập khẩu nhiên liệu đường bộ của châu Âu, tính đến tháng 11.
Trong “bão” giá dầu, nhiều dự đoán được đưa ra. Ngày 24/11, Reuters dẫn lời ông Jim Mullinax - Giám đốc Văn phòng Chính sách trừng phạt và thực thi (Mỹ), thì mức trần giá dầu phải tiếp cận “với tinh thần linh hoạt".
Trong một diễn biến khác, trang Oil Price cho biết giá dầu ngắn hạn đã liên tục tăng trong năm nay, và hầu hết các nhà dự báo kỳ vọng sẽ đạt mức cao nhất là 100 USD vào năm tới. Chưa hết, Ngân hàng Goldman Sachs dự báo giá dầu có thể tăng lên 125 USD/thùng vào đầu năm 2023. Ngược lại, Tổ chức Fitch Solutions dự báo giá dầu sẽ giảm từ 102 USD (trung bình) trong năm nay xuống còn 95 USD vào năm 2023 và chỉ còn 85 USD vào năm 2026 do hậu quả của suy thoái kéo dài.
Gia tăng biến động trên thị trường dầu?
Vậy, dự báo nào khả thi? Câu trả lời thật không dễ dàng khi mà tính tới giữa tháng 11, lạm phát của Mỹ vẫn ở mức 8,1%, còn 27 nước Liên minh châu Âu (EU) xấp xỉ 10%. Với nước Anh, con số đó đã vượt 11%.
Nhiều nhà phân tích cho rằng, giá dầu mỏ trên thế giới sắp tới hoàn toàn nằm trong tay OPEC+, cho dù một số quốc gia (trong đó có Mỹ) mở kho dự trữ chiến lược nhằm đảm bảo nguồn cung và kéo giá dầu xuống. Vì thế, việc OPEC cắt giảm nguồn cung từ tháng 11/2022 sẽ làm cho tình hình nóng hơn.
Về việc OPEC+ cắt giảm nguồn cung 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11, hãng tin Reuters dẫn lời Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi cho biết, quyết định kể trên đã tính đến sự cân bằng cung cầu nhằm mục đích kiềm chế sự biến động của thị trường. Ả Rập Saudi cũng hạ thấp vai trò trung tâm của mình khi cho rằng quyết định này là sự nhất trí của các thành viên OPEC+.
Theo Bloomberg, một số quan chức Mỹ lo ngại rằng việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ làm gia tăng sự biến động trên thị trường dầu và động thái áp trần giá dầu Nga do Mỹ thúc đẩy có thể khiến giá dầu tăng đột biến.
Trong khi giá dầu thế giới “chấp chới” và leo dốc, thì hầu hết các thị trường chứng khoán thế giới đều "lao dốc". Dự báo ảm đạm về kết quả kinh doanh dịp lễ cuối năm đã khiến giá cổ phiếu của một loạt công ty bán lẻ của Mỹ "bốc hơi" mạnh và thị trường chứng khoán Mỹ ngập trong sắc đỏ, suốt từ ngày 16/11 đến nay mà chưa thấy dấu hiệu hồi phục. Trong 7 ngày qua, nhóm cổ phiếu ngành sản xuất ô tô ghi nhận mức giảm lớn nhất, tới 3,7%. Trong đó, riêng cổ phiếu của Mercedes Benz Group mất tới 6,2%.
Trong khi đó, báo cáo của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô thương mại của nước này giảm 5,4 triệu thùng trong tuần thứ 3 của tháng 11. Còn báo cáo hằng tháng về thị trường dầu mỏ được Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) công bố mới đây nâng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu cả năm 2022, song hạ dự báo của năm 2023.
Phía trước ảm đạm khi mà nền kinh tế thế giới chịu tổn thất lớn khi mà trong năm 2022 giá dầu mỏ biến động dữ dội, nhiều thời điểm neo cao. Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022, đồng thời cảnh báo rằng tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn vào năm tới. Nhà kinh tế trưởng của IMF Pierre Olivier Gourinchas nói: "3 nền kinh tế lớn nhất là Mỹ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ chưa thể khá lên. Nói một cách ngắn gọn thì điều xấu nhất vẫn chưa tới và đối với nhiều người, năm 2023 sẽ giống như năm suy thoái".
Theo IMF, tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu năm 2023 sẽ giảm xuống 2,7% so với dự báo 2,9% IMF đưa ra hồi tháng 7. Vẫn theo IMF, dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 ở mức 3,2%, sau mức tăng trưởng toàn cầu 6% năm 2021. Còn dự báo tỷ lệ lạm phát trên toàn cầu sẽ lên tới 9,5% trong năm nay trước khi giảm xuống 4,1% vào năm 2024.
Hiện giá dầu thế giới trong xu hướng giảm, tuy nhiên theo tờ CNBC của Mỹ thì khi mùa đông đến và OPEC+ giảm sản lượng, giá dầu có thể “tăng đột biến ngoài biểu đồ”. Báo cáo gần đây của Goldman Sachs - một trong những ngân hàng có ảnh hưởng nhất trên thị trường hàng hóa, cho thấy, dầu thô có thể tăng trở lại vào tháng 12. Trong một kịch bản như vậy, gánh nặng giá nhiên liệu đối với người dân sẽ tăng cao. Điều này sẽ tác động mạnh mẽ đến tâm lý và nhu cầu của người tiêu dùng - hai động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Người đứng đầu thị trường dầu mỏ tại Rystad Energy Bjornar Tonhaugen khuyến cáo: “Các quốc gia sản xuất dầu, cụ thể là OPEC+, cần hết sức thận trọng, không để giá dầu tăng quá cao, nếu không thế giới sẽ vấp phải những tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế sau đại dịch”.