Động lực của đô thị thông minh

LÊ ANH 05/04/2022 07:46

Việc nhanh chóng nghiên cứu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào nhiều lĩnh vực mũi nhọn, đã giúp TP Hồ Chí Minh có lợi thế to lớn. Trí tuệ nhân tạo đã và đang góp thêm động lực để thành phố phát triển mạnh mẽ.

TPHCM ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào quản lý giao thông. Ảnh: Gia Minh

Trong số các lĩnh vực đi đầu về AI, ngành y tế TPHCM đã sớm vận dụng AI vào nghiên cứu y khoa lẫn hoạt động khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện và cơ sở y tế. Trong đó, Bệnh viện Bình Dân là đơn vị triển khai phẫu thuật robot ngoại tổng quát Da Vinci từ tháng 11/2016. Sau gần 5 năm, đã thực hiện phẫu thuật cho gần 700 bệnh nhân với nhiều bệnh lý nền phức tạp. Kế đến, bệnh viện Nhân Dân 115 triển khai phẫu thuật Robot thần kinh Modus V Synaptive, là ứng dụng AI thế hệ thứ hai vào hoạt động từ tháng 2/2019, đã phẫu thuật cho hàng chục bệnh nhân với nhiều bệnh về não phức tạp.

Trong những năm qua, ứng dụng AI cũng được sử dụng trong chẩn đoán và điều trị đột quỵ tại bệnh viện Nhân dân 115 và bệnh viện Gia An 115. Sở Y tế TPHCM cũng đồng ý cho triển khai thử nghiệm ứng dụng AI trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư tại bệnh viện Ung bướu TPHCM. Sau đó, bệnh viện này cũng đã được Bộ Y tế chọn cùng với bệnh viện K và bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ được tham gia thử nghiệm ứng dụng phần mềm AI trong tư vấn và hỗ trợ các bác sĩ lựa chọn phác đồ điều trị bệnh ung thư tiên tiến và hiệu quả cho người bệnh.

Ngoài y tế, một số lĩnh vực công nghiệp mũi nhọn của TPHCM đã sớm nhìn thấy cơ hội từ AI đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng năng suất hoạt động. Theo đánh giá của UBND TPHCM, với tiềm lực là một thành phố trẻ với mật độ khoa học công nghệ cao, đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ sở, tổ chức liên quan, sẽ đem đến khả năng thương mại tại chỗ từ hơn 10 triệu dân cư tương ứng với 30.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực này. TPHCM cũng đặt ra mục tiêu hình thành hệ sinh thái Vietnamese AI ecosystem, mà trong đó có sự liên kết chặt chẽ giữa nhà nghiên cứu phát triển với doanh nghiệp để triển khai, dưới sự lãnh đạo, khuyến khích, đặt hàng từ chính quyền và các sở, ban, ngành thành phố.

Hiện nay, UBND TPHCM đang đặt hàng cho các trường đại học, cao đẳng để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển AI cho trung và dài hạn. Riêng Đại học Quốc gia TPHCM đã hình thành các khoa/ngành chuyên biệt về AI, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành này.

Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp cũng rất mong muốn được tham gia phát triển AI. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Biểu- Giám đốc Công ty Bhome cho biết, rất quan tâm đến nguồn nhân lực cho AI bởi việc ứng dụng AI trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng đã được áp dụng từ lâu trên thế giới nhưng vấn đề của TPHCM trong lĩnh vực này vẫn là yếu tố con người. Doanh nghiệp này mong muốn sẽ không phải mất công đào tạo lại mà sẵn sàng đón nhận các nhân tố con người cho quá trình ứng dụng AI của mình.

Ở vai trò quản lý nhà nước, Sở Khoa học công nghệ TPHCM vừa qua đã nhận hơn 100 hồ sơ tham gia cuộc thi ý tưởng về AI, trong đó lựa chọn 3 giải pháp, ý tưởng có tính ứng dụng thực tiễn cao nhất để vinh danh, hỗ trợ, bao gồm các dự án về tầm soát bệnh Glôcôm bằng chụp ảnh màu gai thị với ứng dụng phần mềm AI của đại diện BV Mắt TPHCM; Xác định sức khỏe cây trồng bằng máy bay không người lái và dự án Music ID của đại diện từ ĐHQG TPHCM.

Theo đại diện Sở này, ngoài khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực AI, thành phố cũng đặt mục tiêu gia tăng 20% số công trình khoa học, bằng sáng chế về trí tuệ nhân tạo mỗi năm. Từ đó, thu hút doanh nghiệp FDI đầu tư, hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp về AI của thành phố.

Tại hội thảo về định hướng xây dựng và phát triển chương trình đào tạo về AI vừa diễn ra, TS Nguyễn Thị Hảo (ĐHQG TPHCM) cho biết, hiện đã triển khai 14 chương trình đào tạo trình độ đại học ngành AI, Khoa học dữ liệu, và Kỹ thuật dữ liệu với chỉ tiêu đào tạo trên dưới 1.000 sinh viên. Tuy nhiên, con số này còn khiêm tốn với nhu cầu phát triển AI của TPHCM và có thể tăng quy mô đào tạo lên gấp nhiều lần so với các lĩnh vực phần mềm, nội dung số và dịch vụ công nghệ thông tin hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Động lực của đô thị thông minh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO