Động lực để cất cánh

Nam Việt 12/03/2021 06:30

Nhiều năm qua, ĐBSCL là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây của cả nước nhưng lại đang phải đối diện với những tác động gay gắt của BĐKH, vì thế không chỉ trước mắt mà rất lâu dài cần có chiến lược cho khu vực này.

Biến đổi khí hậu tác động ngày càng xấu tới Đồng bằng sông Cửu Long Ảnh: Thông Hải.

Dự kiến cuối tuần này, tại Cần Thơ, Chính phủ sẽ tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH). Nhiều năm qua, ĐBSCL là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây của cả nước nhưng lại đang phải đối diện với những tác động gay gắt của BĐKH, vì thế không chỉ trước mắt mà rất lâu dài cần có chiến lược cho khu vực này.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Nghị quyết 120 của Chính phủ là bước đột phá lớn, có ý nghĩa định hình chiến lược phát triển bền vững ĐBSCL theo hướng tổng thể; đồng thời tích hợp với tầm nhìn dài hạn và khát vọng về một vùng ĐBSCL trù phú, thịnh vượng, lấy con người làm trung tâm; coi việc sử dụng hiệu quả tiết kiệm và bền vững tài nguyên nước, đất đai và các tài nguyên khác là triết lý phát triển.

Cũng xin được nhắc lại, ngay sau “Hội nghị Diên Hồng” về phát triển bền vững ĐBSCL do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì năm 2017, Nghị quyết 120 đã được ban hành.

Vấn đề rất đáng mừng và cực kỳ quan trọng chính là nhận thức rõ thách thức từ BĐKH để thay đổi tư duy vạch ra chiến lược để trụ vững và phát triển trong tình hình mới. Đó là việc tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; coi nước mặn, nước lợ là tài nguyên để chuyển đổi cơ cấu, phát triển sản xuất từ đó đa dạng hóa sản phẩm lúa gạo, cây ăn trái, thủy sản nước ngọt, nước lợ, nước mặn...

Thực tế những năm qua cho thấy, BĐKH đã và đang tác động nặng nề tới ĐBSCL. Cả một vùng đất bạt ngàn vốn vô cùng màu mỡ đang phải trải qua biến động dữ dội nhất kể từ trước tới nay. Lượng nước sông Mekong về ĐBSCL ngày một ít, từ đó lượng phù sa, nguồn lợi thủy sản ít dần, ruộng vườn mất đi sự màu mỡ. Đã vậy, do nạn triều cường, hàng năm kéo dài tới 4 tháng nước mặn theo các cửa sông xâm nhập sâu vào nội đồng, khiến cả trồng trọt, chăn nuôi lẫn nước ngọt sinh hoạt trở nên khó khăn. Nhiều nơi tại ĐBSCL lại xuất hiện tình trạng sụt lún, nhiều nhà dân bị Hà Bá “nuốt chửng”.

Khó khăn dồn dập, nhiều nông dân trong vùng đành phải vừa ly nông vừa ly hương. Đây là khu vực biến động dân cư mạnh nhất trong phạm vi cả nước.

Trung tuần tháng 12/2020 vừa qua, tại Cần Thơ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức công bố “Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2020”. Theo Báo cáo, dân số ĐBSCL vào thời điểm 1/4/2019 là 17,3 triệu người, gần như không có sự thay đổi nào so với mức 17,2 triệu người từ 10 năm trước. Trong khi đó, số người di cư trong thập niên vừa qua là gần 1,1 triệu người, lớn hơn dân số của một số tỉnh trong vùng. Báo cáo còn cho biết, trong vòng 10 năm (giai đoạn 2009-2019), dân số vùng ĐBSCL tăng bình quân là 0,05%/năm, rất khiêm tốn so với 1,14% bình quân của cả nước.

Những khó khăn, thách thức đó cần phải được nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể để có chiến lược đúng, không dừng lại ở giải pháp tình thế trước mắt, cũng như không làm vá víu manh mún theo kiểu khoanh lại của từng địa phương - mà phải là toàn vùng.

Theo Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), ĐBSCL là một trong những vùng dễ bị tổn thương nhất ở Việt Nam. Muốn vượt qua những tác động tiêu cực của BĐKH thì cần có Hội đồng điều phối vùng nhằm xử lý các vấn đề quản trị phức tạp. Bà Caitlin Wiesen -Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam cho rằng, ĐBSCL của Việt Nam đang phải đối mặt với các loại hình BĐKH diễn ra rất phức tạp, từ xâm nhập mặn, lốc xoáy, lũ lụt, hạn hán, đến nước biển dâng. Các nghiên cứu chính thức cho thấy, ước tính 40% diện tích ĐBSCL sẽ bị nhấn chìm vào năm 2100, ảnh hưởng tới 55% dân số tại khu vực này.

Bà Caitlin Wiesen cũng cho rằng, trong quá trình khắc phục tác động xấu đến từ BĐKH thì rất cần sự chung sức của cộng đồng, trong đó cần coi trọng vai trò của những doanh nghiệp siêu nhỏ và cũng không để người nghèo phải chịu thêm thiệt thòi, vì đây là đối tượng dễ bị tổn thương.

Gần đây, khái niệm “thuận thiên” được nói tới nhiều, với ý nghĩa không nên“bẻ nạng chống trời” mà phải thuận theo tự nhiên để từ đó có đối pháp đúng, tìm ra cơ hội trong nguy cơ. Rõ nhất là phải sớm có giải pháp cho việc ĐBSCL thiếu nước ngọt, hao hụt phù sa và tình trạng xâm nhập mặn diễn ra gay gắt khi nước biển dâng.

Theo giới chuyên gia, xây dựng hệ thống ngăn mặn, tích nước ngọt là cần thiết nhưng quan trọng hơn phải là “thuận thiên” chủ động thay đổi giống cây trồng có khả năng thích ứng với độ nhiễm mặn; không chạy theo sản lượng mà đầu tư cho chất lượng khi buộc phải tránh những tháng xâm nhập mặn vào sâu nội đồng cũng như các tháng hạn hán.

Giới chuyên gia nông nghiệp cho rằng, nếu trước kia chúng ta xác định các sản phẩm trụ cột của ĐBSCL (theo thứ tự ưu tiên) gồm “lúa gạo, thủy sản, trái cây” thì nay cần xác định lại là “thủy sản, trái cây, lúa gạo”; trên cơ sở nhìn vào thị trường thế giới và BĐKH để lựa chọn.

Với hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH sắp diễn ra, hy vọng một lần nữa những giải pháp tích cực trong một chiến lược dài hơi sẽ được đưa ra, tạo động lực để ĐBSCL cất cánh ngay cả trong bối cảnh khó khăn của tự nhiên.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Động lực để cất cánh

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO