Động lực và hành động

Duy Phương 28/12/2016 11:35

Hơn 100 ngàn doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký gần 768.000 tỷ đồng trong năm 2016. Đó là con số đầy ấn tượng. Trung bình mỗi tháng có khoảng 9.000 DN đăng ký thành lập mới. Đây được coi là một con số kỷ lục, là điều chưa từng xảy ra trong nhiều thập kỷ qua.

Nhiều DN cho biết, quá trình đăng ký kinh doanh đã có những cải tiến đáng kể về thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thay vì phải mất hàng tuần thì nay chỉ còn khoảng 2,9 ngày.

Có thể thấy, những nỗ lực của Chính phủ cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian qua đã bộc lộ rõ nét ngay ở chính con số thành lập DN mới, và ở chính sự cảm nhận của mỗi DN. Đúng như nhận định của người đứng đầu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – TS. Vũ Tiến Lộc: “Chính phủ đã bắt đầu một chương trình hành động rất thiết thực để hỗ trợ cho sự phát triển của DN”. Cũng theo đánh giá của ông Lộc, dường như, niềm tin của người dân và doanh nghiệp về môi trường đầu tư đang ngày càng được nhân lên từ các động thái của Chính phủ.

Tuy nhiên, điều mà người ta lo ngại chính là, liệu việc gia tăng số DN thành lập mới có đi kèm với tính bền vững hay không? Bởi, thời gian qua, cùng với việc phát triển mạnh về lực lượng DN thì cũng có không ít DN tuyên bố ngừng hoạt động, thậm chí là vừa thành lập xong đã phá sản do không thể trụ được.

Đơn cử, trong năm 2015 mặc dù có đến hơn 90.000 DN thành lập thì con số phá sản cũng tương đương: 81.000 DN. Tương tự, số DN thành lập mới và số DN phá sản của năm 2014 cũng tỷ lệ thuận với nhau: Trên 70.000 DN thành lập mới và khoảng 67.000 DN ngưng hoạt động hoặc tuyên bố phá sản. Và năm 2016 này cũng không phải ngoại lệ. Mặc dù đạt được một con số kỷ lục các DN thành lập mới, song số DN phá sản, chờ giải thể của năm 2016 cũng ở con số 73.000 DN. Đây là con số giảm hơn nhiều so với tổng số hơn 80.000 DN của năm 2015, song số lượng DN chính thức rời bỏ thị trường lại cao hơn.

Một điểm đáng chú ý, những DN sớm rời bỏ thương trường hầu hết rơi vào các DN khởi nghiệp. Kinh nghiệm thương trường: không; chiến lược kinh doanh: không, hầu hết các DN khởi nghiệp chỉ có trong tay một số vốn ít ỏi và một ý tưởng kinh doanh cùng giấc mơ làm giàu mạnh mẽ. Tuy nhiên, nếu ai đã từng vấp ngã khi bước chân vào thương trường, hẳn sẽ rút ra được nhiều bài học quý báu. Một doanh nhân sau khi khởi nghiệp và có đến hàng chục lần “ngã ngựa” đã chia sẻ rằng: Các bạn trẻ đừng nghĩ đơn giản khởi nghiệp chỉ cần ý tưởng là đủ. Khởi nghiệp không chỉ là ý tưởng, mà yếu tố cần là sự bền bỉ, ý chí, bản lĩnh. Và quan trọng nhất vẫn là vốn.

Thế nhưng, theo vị doanh nhân này, nhiều DN khởi nghiệp hiện nay vẫn đang rất khó tiếp cận nguồn vốn vay, trong khi các cơ chế, chính sách ưu đãi hỗ trợ DN lại chưa nhiều. Điều này cũng có nghĩa rằng, mặc dù đã được cải thiện đáng kể, song môi trường kinh doanh vẫn còn những rào cản nhất định ngáng chân DN. Đây chính là nguyên nhân khiến cho nhiều DN khởi nghiệp mặc dù có những ý tưởng kinh doanh rất táo bạo song không hội tụ đủ điều kiện để thực hiện, hoặc nếu có chỉ trong một thời gian ngắn đã bị dập tắt.

Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực trẻ, những con người năng động, ham học hỏi, dám nghĩ, dám làm. Người Việt Nam có trí tuệ không thua kém các nước trên thế giới… Đây là những yếu tố quan trọng để có thể tạo tiền đề hướng đến một quốc gia khởi nghiệp. Song tại sao tinh thần khởi nghiệp vẫn chưa mạnh mẽ? Làn sóng khởi nghiệp vẫn chưa thực sự bùng cháy? Câu trả lời nằm ở thể chế. Không phủ nhận, chúng ta đã và đang chứng kiến một Chính phủ mới với quyết tâm cao trong việc cải thiện môi trường kinh doanh.

Tuy nhiên, con số DN rời bỏ thương trường trong những năm qua và cả năm 2016 này, cho thấy, vẫn còn nhiều nút thắt về thể chế cần phải được gỡ bỏ. “Khó khăn của giới trẻ khi khởi nghiệp cũng như các DN khi bước chân vào thương trường hiện nay chính là ở nút thắt này. Khi nút thắt này được tháo gỡ như cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, thì những khó khăn còn lại thuộc về thị trường và các DN, doanh nhân trẻ sẽ có đủ khả năng giải quyết” - vị Chủ tịch VCCI đã từng chia sẻ như vậy khi nói về những rào cản đối với doanh nhân trẻ, DN hiện nay.

Giới chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, mong muốn là một chuyện, quan trọng là hành động thế nào. Khi Chính phủ đã rất mong mỏi cải thiện môi trường kinh doanh, tạo động lực để các DN khởi nghiệp, thì song song với đó phải là sự cải thiện về thể chế với những chính sách đồng bộ, với sự quyết tâm phá bỏ các rào cản. Nói như một vị đại biểu Quốc hội: Chính phủ phải kiến tạo, phục vụ và hành động, chứ không phải là một Chính phủ chỉ điều hành như trước đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Động lực và hành động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO