Đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa có cần điều kiện kinh doanh?

H.Vũ 01/08/2018 09:00

Đó là vấn đề được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đặt ra khi cho ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định điều kiện kinh doanh đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực đường thủy nội địa.

VCCI cho rằng, hoạt động dịch vụ đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa cần xem xét lại việc xác định hoạt động này là một ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Bởi việc kiểm soát phương tiện thủy nội địa để bảo đảm lợi ích công cộng an toàn giao thông, tính mạng sức khỏe của con người, tài sản, an toàn về môi trường là cần thiết. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là việc kiểm soát này thực hiện khi nào? Kiểm soát trước khi đưa vào sản xuất đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa hay Kiểm soát sản phẩm cuối cùng trước khi đưa vào sử dụng kiểm soát trước khi phương tiện thủy nội địa được đưa vào sử dụng?

Theo VCCI, các quy định của pháp luật hiện hành hiện đã kiểm soát rất chặt chẽ ở khâu sản phẩm cuối cùng trước khi đưa vào sử dụng. Việc đăng kiểm, kiểm tra dựa trên các quy chuẩn kỹ thuật. Việc kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh chỉ là kiểm soát trước khi sản xuất cơ sở vật chất, năng lực của người đóng mới, sửa chữa.

VCCI cũng cho rằng, các điều kiện kinh doanh được dự kiến trong Dự thảo chỉ chủ yếu là nhằm kiểm soát năng lực chuyên môn của cá nhân kỹ thuật viên. Ví dụ có ít nhất 1 người tốt nghiệp đại học/trung cấp/sơ cấp công nghệ chuyên ngành đóng tàu thủy, chuyên ngành máy tàu thủy, chế tạo vỏ tàu thủy; có ít nhất 1 thợ lành nghề. Điều kiện ở Khoản 2 Điều 5 tuy liên quan tới quy trình/năng lực sản xuất nhưng lại chung chung, không rõ ràng nên không rõ hiệu quả kiểm soát. Vì vậy, những điều kiện như dự kiến này hầu như không có ý nghĩa gì trong việc bảo đảm tàu đóng, sửa chữa bảo đảm các tiêu chuẩn an toàn.

“Phương tiện thủy nội địa dù được đóng mới, sửa chữa ở cơ sở có các cán bộ kỹ thuật như dự kiến hay không thì việc kiểm soát chất lượng của phương tiện đó để bảo đảm lợi ích công công liên quan vẫn hoàn toàn phải căn cứ vào việc kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cho từng phương tiện một. Do đó, việc kiểm soát bằng cách đặt điều kiện kinh doanh cho chủ thể đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa như dự kiến tại Dự thảo hầu như không có ý nghĩa, không cần thiết. Do đó, không nên xác định hoạt động dịch vụ đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện”- theo VCCI.

Liên quan đến điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy trình công nghệ và năng lực thi công phù hợp với chủng loại, kích cỡ phương tiện được sản xuất, kinh doanh dịch vụ theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT, VCCI cho rằng, quy định này có thể dẫn tới tình trạng điều kiện kinh doanh được quy định tại cấp thông tư, chưa phù hợp với Luật Đầu tư 2014.

Mặt khác, muốn đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa, doanh nghiệp đương nhiên phải có cơ sở vật chất, trang thiết bị, quy trình công nghệ. Còn phương tiện đường thủy nội địa được sản xuất theo quy trình, trang thiết bị nào Nhà nước không cần thiết phải kiểm soát, bởi vì sản phẩm cuối cùng sẽ được đăng kiểm để cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Vì vậy, cần cân nhắc bỏ quy định này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa có cần điều kiện kinh doanh?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO