Đồng Nai: Cố gắng ‘níu’ chân người lao động

Mạnh Thìn 20/08/2021 18:24

Tỉnh Đồng Nai có số lượng công nhân lao động vào diện đông nhất nước ta. Dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh ngưng trệ, hàng loạt doanh nghiệp đóng cửa, khiến đời sống người lao động gặp nhiều khó khăn. Trước thực trạng trên, tỉnh Đồng Nai đã có nhiều giải pháp để “giữ” chân người lao động.

Công đoàn là chỗ dựa cho người lao động

Anh Hoàng Hiếu Nghĩa (34 tuổi) làm việc trong một doanh nghiệp ở KCN Amata (TP Biên Hòa) cho biết, đã nghỉ việc ở nhà được hơn 1 tháng nay, do công ty anh làm không triển khai phương án “3 tại chỗ”. Vợ anh thì làm công ty giày da, có thực hiện “3 tại chỗ” nên ở lại gần 1 tháng nay.

“Ở nhà không có việc làm, lại phải nuôi hai con nhỏ. Khu nhà trọ mình ở cũng bị phong tỏa nên cuộc sống hết sức khó khăn. Đợt rồi, Công đoàn công ty có đến đây và gửi một ít nhu yếu phẩm và 1 triệu đồng tiền mặt. Bây giờ được gì tốt đấy thôi anh ạ. Cố gắng ở lại đợi hết dịch rồi tính tiếp”, anh Nghĩa nói.

Trao quà cho công nhân lao động gặp khó khăn.
Trao quà cho công nhân lao động gặp khó khăn.

Anh Nghĩa là một trong số rất nhiều những công nhân chịu tình cảnh mất việc làm, không thu nhập và còn ở trong khu phong tỏa. Gần như đời sống công nhân, người lao động nói chung ở tỉnh Đồng Nai đều rơi vào tình cảnh bộn bề khó khăn.

Trước tình hình trên, tỉnh Đồng Nai đã tăng cường công tác hỗ trợ công nhân, người lao động, trong đó, Công đoàn đóng vai trò cốt yếu.

Với phương châm “Nơi nào công nhân khó, nơi đó có Công đoàn”, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tổ chức một số hoạt động hỗ trợ, hướng đến chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trao đổi với phóng viên Đại Đoàn Kết, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Như Ý cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người lao động, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tổ chức một số chương trình hướng đến công nhân, người lao động.

Theo thống kê từ cơ sở thì tính đến nay, có hàng chục ngàn lao động nằm trong các khu vực phong tỏa, cách ly y tế; số lao động bị mất việc làm cũng rất là lớn.

“Trước mắt, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương, công đoàn các cấp và mạnh thường quân hỗ trợ nhu yếu phẩm và tiền mặt kịp thời cho công nhân, người lao động”, bà Ý nói.

Từ khi dịch bùng phát đến nay, các cấp Công đoàn trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ cho trên 52.000 đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 với tổng kinh phí gần 55 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật nhất là chương trình “Nghĩa tình Công đoàn”.

Theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, chương trình đã hỗ trợ gần 23.000 phần quà với tổng trị giá hơn 6 tỷ đồng cho người lao động. Tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, hiện các cấp Công đoàn vẫn đang tăng cường thực hiện các hoạt động hỗ trợ người lao động, tập trung nguồn lực cho các khu vực phong tỏa, khu cách ly y tế.

Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai đã ra các văn bản yêu cầu các cấp công đoàn trên địa bàn cùng nhau chung sức hướng về công nhân, người lao động khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. 100% các cấp công đoàn hưởng ứng nhiệt tình. Người lao động khi được nhận hỗ trợ cũng rất vui mừng, phấn khởi.

Anh Nguyễn Tài, công nhân công ty CP Taekwang Vina Industrial (TP Biên Hòa) cho biết, “hiện nay, công ty thực hiện “3 tại chỗ”, anh em công nhân được chăm lo đầy đủ. Công đoàn còn hỗ trợ tiền cho anh em nên ai cũng an tâm để làm việc ”.

Tiêm vaccine và nhiều mô hình ý nghĩa

Theo ghi nhận của phóng viên, các cấp Công đoàn trên địa bàn Đồng Nai cũng đã triển khai một số mô hình, việc làm ý nghĩa được công nhân, người lao động ghi nhận.

Điển hình như Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa hỗ trợ tiền, nhu yếu phẩm cho các trường hợp lao động là F0, F1 và lao động mang thai, nuôi con nhỏ. Mô hình “Trạm hỗ trợ công nhân” đã thu hút nhiều cán bộ Công đoàn tham gia. Theo đó, các đoàn viên trực tiếp đến tận các khu nhà trọ có đông công nhân để tặng quà. Hàng hóa đều do thành viên của trạm tự vận động, sau đó đóng gói chuyển đến cho người lao động gặp khó khăn.

“Mặc dù biết đi trao quà ở các vùng tâm dịch nguy hiểm, dễ bị nhiễm bệnh, song các cán bộ Công đoàn đều thấy vui và ấm lòng khi được trao từng phần quà đến tay công nhân, đảm bảo đúng người, đúng đối tượng. Qua đó, giúp người lao động hiểu thêm về tình cảm, nghĩa tình của tổ chức Công đoàn luôn hướng đến đoàn viên, người lao động”, lãnh đạo Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa nói.

Công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam, huyện Vĩnh Cửu vui mừng vì được tiêm vaccine.
Công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam, huyện Vĩnh Cửu vui mừng vì được tiêm vaccine.

Một số Công đoàn cơ sở doanh nghiệp liên doanh nước ngoài thực hiện các hoạt động hỗ trợ nhu yếu phẩm và tiền mặt cho người lao động gặp khó khăn do dịch bệnh như: Công ty TNHH Changshin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu) hỗ trợ người lao động số tiền 5 tỷ đồng; Công ty CP Taekwang Vina Industrial (TP Biên Hòa) hỗ trợ trên 4 tỷ đồng; Tập đoàn Phong Thái (huyện Trảng Bom) hỗ trợ 3 tỷ đồng…

Công đoàn cơ sở cũng tích cực trao đổi với chủ doanh nghiệp để đảm bảo tiền lương, các chế độ, chính sách cho người lao động trong thời gian các doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động để phòng dịch hoặc hoạt động theo mô hình “3 tại chỗ”.

Nhiều công ty thực hiện “3 tại chỗ” đã có những việc làm thiết thực nhằm “níu” chân người lao động trong đại dịch.

Để động viên, cổ vũ người lao động, Công đoàn và lãnh đạo Công đoàn Công ty TNHH Soltec Việt Nam (huyện Nhơn Trạch) ngoài chi trả tiền lương còn hỗ trợ thêm 1 triệu đồng/người/tháng khi ở lại làm việc tại công ty. “Công nhân ở lại làm việc khiến chủ doanh nghiệp rất vui vì giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất. Và để người lao động an tâm làm việc thì phải thêm thu nhập cho họ. Đó là lý do chúng tôi hỗ trợ thêm ngoài lương cho công nhân”, đại diện lãnh đạo Công đoàn Công ty TNHH Soltec Việt Nam cho biết.

Ngoài việc tăng thêm thu nhập cho công nhân, người lao động, một vấn đề khác cũng được quan tâm đó chính là việc tiêm vaccine. Hiện nay, công nhân, người lao động ở nhiều doanh nghiệp tại Đồng Nai đã được tiêm vaccine. Đa số là các công ty thực hiện phương án “3 tại chỗ”.

Chị Khánh Vân, công nhân Công ty TNHH Changshin Việt Nam vui mừng vì đã được tiêm vaccine. “Công ty mình làm việc rất đông công nhân. Vì làm dây chuyền nên gần như ngày nào cũng phải tiếp xúc người này, người kia. Mình rất may mắn vì được tiêm trong đợt vừa rồi. Được tiêm phòng nên mình cũng đỡ lo và an tâm làm việc hơn”, chị Vân phấn khởi.

Đại diện lãnh đạo Công ty TNHH Hwaseung Vina (huyện Nhơn Trạch) cho biết, công ty vừa tổ chức tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho trên 4.000 lao động. Hiện còn khoảng 9.000 công nhân nữa đang trong chế độ “chờ” tiêm. Công ty sẽ nỗ lực hết mình để toàn bộ công nhân, người lao động được tiêm vaccine, có như vậy thì họ mới an tâm làm việc. Doanh nghiệp mới duy trì được sản xuất.

Bên cạnh những công ty thực hiện “3 tại chỗ”, nhiều doanh nghiệp đông công nhân đang tạm ngừng hoạt động để thực hiện công tác phòng dịch cũng mong muốn tất cả người lao động được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Đây là việc làm cần thiết để đảm bảo sức khỏe nguồn nhân lực, giúp doanh nghiệp nhanh chóng quay lại sản xuất.

Ông Đặng Trần Hoàng Thụy, Giám đốc Công ty TNHH TMSX Thiên Triều An, (Biên Hòa) khẳng định: “Doanh nghiệp đều mong mỏi khống chế nhanh dịch bệnh để trở lại sản xuất bình thường. Theo tôi, tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động là việc cần làm lúc này. Ngay từ đầu, doanh nghiệp đã đăng ký tiêm vaccine cho người lao động, kể cả tiêm có phí. Vì chỉ có tiêm vaccine, người lao động mới ổn định được tâm lý, việc phòng dịch cũng sẽ tốt hơn, miễn dịch cộng đồng cũng cao hơn. Tuy nhiên vấn đề này vẫn chưa được giải quyết, trong khi doanh nghiệp của tôi phải đóng cửa vì không thể đáp ứng nổi phương án “3 tại chỗ””.

Liên quan đến việc hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, ngày 19/8, trong cuộc họp trực tuyến với các sở, ngành và địa phương về công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh: “Phải quan tâm đến tất cả người dân khó khăn, kể cả đối tượng ngoài phạm vi quy định của Nghị quyết 68 cũng cần được hỗ trợ. Thậm chí, người khó khăn đã được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 68 nhưng nếu còn khó khăn thì vẫn phải hỗ trợ tiếp chứ không vì quy định mà bỏ rơi người dân”. Ông Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định: “Việc hỗ trợ dân trong lúc khó khăn chính là tình cảm và trách nhiệm chứ không phải là một công thức cứng nhắc mà chúng ta lại bỏ rơi người dân được”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đồng Nai: Cố gắng ‘níu’ chân người lao động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO