Đông Nam Á tìm cách thích ứng với nắng nóng

Hà Anh 09/06/2023 07:45

Các đợt nắng nóng trong năm nay đã đạt đến mức chưa từng có ở hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Nắng nóng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn đe dọa môi trường và sinh kế của người dân.

Nông dân Thái Lan thu hoạch lúa trong cái nóng tháng 5. Ảnh: AFP.

Ảnh hưởng đến sức khỏe

Tháng 4 và tháng 5 thường là những tháng nóng nhất trong năm ở Đông Nam Á. Đặc biệt năm nay, nắng nóng đã đạt đến mức chưa từng có ở hầu hết các quốc gia trong khu vực.

Theo phân tích dữ liệu trạm thời tiết của nhà khí hậu học và sử học thời tiết Maximiliano Herrera, Thái Lan chứng kiến ngày nóng nhất trong lịch sử ở mức 45,4 độ C vào ngày 15/4, trong khi Lào có nhiệt độ cao nhất là 43,5 độ C trong 2 ngày liên tiếp vào tháng 5.

Một báo cáo gần đây của World Weather Attribution (WWA) - một liên minh các nhà khoa học quốc tế - cho biết, đợt nắng nóng tháng 4 ở Đông Nam Á là sự kiện 200 năm mới có một lần và “hầu như không thể xảy ra” nếu không có biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Nguy hiểm hơn, cái nóng thiêu đốt ở Đông Nam Á còn chịu độ ẩm cao. Nhiệt độ cộng độ ẩm gây ra tình trạng cực kỳ khó chịu và biến đổi khí hậu có thể khiến tình trạng này trở nên tồi tệ hơn. Lý do là bởi độ ẩm, cùng với nhiệt độ khắc nghiệt, khiến cơ thể người khó tự hạ nhiệt hơn. Các bệnh liên quan đến nhiệt, chẳng hạn như say nắng và kiệt sức vì nóng có thể đe dọa tính mạng, đặc biệt đối với những người mắc bệnh nền và phụ nữ mang thai.

Phân tích của CNN về dữ liệu của Dịch vụ Biến đổi Khí hậu Copernicus cho thấy, từ đầu tháng 4 đến cuối tháng 5, tất cả 6 quốc gia ở phần lục địa của Đông Nam Á đã đạt đến nhiệt độ cảm nhận được gần 40 độ C trở lên mỗi ngày. Đây là trên ngưỡng được coi là nguy hiểm, đặc biệt đối với những người có vấn đề về sức khỏe hoặc những người không quen với nhiệt độ quá cao.

Theo báo cáo của WWA, đợt nắng nóng từ tháng 4 đến tháng 5 ở Đông Nam Á đã gây ra tình trạng người dân nhập viện trên diện rộng, làm hư hỏng đường xá, gây ra hỏa hoạn và khiến trường học phải đóng cửa.

Tấn công người nghèo

Theo các chuyên gia, các sự kiện thời tiết khắc nghiệt cũng phơi bày sự bất bình đẳng mang tính hệ thống.

Ông Chaya Vaddhanaphuti - một trong những tác giả của báo cáo WWA và là giảng viên khoa địa lý trường Đại học Chiang Mai, Thái Lan - cho biết: “Nghề nghiệp, tuổi tác, tình trạng sức khỏe, khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tình trạng kinh tế xã hội, thậm chí cả giới tính đều là những yếu tố có thể khiến con người dễ bị tổn thương trước sóng nhiệt”.

Các thành viên bị thiệt thòi trong xã hội, những người không được tiếp cận đầy đủ với hệ thống chăm sóc sức khỏe, những người làm công việc tiếp xúc với điều kiện cực nóng và ẩm ướt có nguy cơ bị sốc nhiệt cao nhất.

Vào cuối tháng 4, cơ quan y tế Thái Lan đã đưa ra cảnh báo nhiệt độ cực cao cho thủ đô Bangkok và một số nơi khác trên cả nước, khuyến cáo người dân ở trong nhà và đề phòng nguy cơ say nắng. Nhưng đối với những người lao động nhập cư như Supot Klongsap (hay còn gọi là Nui) – một công nhân xây dựng ở Bangkok - việc ở trong nhà không phải một lựa chọn đơn giản.

Anh Nui cho biết, chỗ ở của công nhân xây dựng được lợp mái và vách bằng những tấm tôn và nó hầu như không thể chống nóng. Sử dụng phòng máy lạnh là một điều xa xỉ đối với Nui.

Theo ông Chaya, tại Thái Lan, chính phủ khuyến nghị các biện pháp phản ứng, chẳng hạn như ở trong nhà, cung cấp đủ nước, mặc quần áo sáng màu và tránh một số loại thực phẩm. Nhưng điều đó không có nghĩa là mọi người đều có điều kiện như nhau. Gánh nặng chi phí buộc người dân phải tìm cách ứng phó với cái nóng.

Thích ứng để bảo vệ sinh kế

Các đợt nắng nóng gay gắt không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của các cá nhân mà còn đe dọa môi trường và sinh kế của người dân, làm xấu đi chất lượng không khí, phá hoại mùa màng, tăng nguy cơ cháy rừng và phá hủy cơ sở hạ tầng, vì vậy nhu cầu về các kế hoạch hành động của chính phủ đối với các đợt nắng nóng là rất quan trọng.

Tại các làng Yotpieng và Phon ở Đông Bắc Lào, sinh kế của người dân có mối liên hệ mật thiết với các kiểu thời tiết. Cuộc sống của dân làng ở đây xoay quanh cây chè. Cứ 7h sáng hàng ngày, những người nông dân trồng chè bắt đầu thu hái lá, đến 11h họ mới mang chè thu hoạch về nhà. Sinh kế của họ phụ thuộc vào việc hái chè để tạo thu nhập cho cả gia đình.

Nhưng nắng nóng gay gắt năm nay đang cản trở khả năng làm việc theo thói quen lâu đời của người nông dân nơi đây. Họ phải thay đổi giờ làm việc từ sáng sang chiều trong những đợt nắng nóng, nhưng quan trọng hơn là chất lượng của chè sẽ bị ảnh hưởng.

Hiện tại, nông dân trồng chè ở Lào đã phát minh ra các giải pháp để bảo vệ cây trồng. Một số đã trồng các loại cây ăn quả lớn, chẳng hạn như đào hoặc mận, để tạo bóng mát cho các đồn điền chè, trong khi những người khác bón thêm phân hữu cơ để nuôi cây.

Nhưng họ không thể làm điều đó một mình. Theo các chuyên gia, nếu không có cách tiếp cận quốc tế toàn diện để nhanh chóng giảm ô nhiễm do hành tinh nóng lên và giải quyết các tác động liên kết với nhau của các hiện tượng thời tiết cực đoan đối với cá nhân, cộng đồng và môi trường, thì chi phí kinh tế và sức khỏe do sóng nhiệt sẽ trở nên tồi tệ hơn khi khủng hoảng khí hậu diễn ra.

Theo các nhà khoa học của WWA, các chính phủ cần phát triển các giải pháp quy mô lớn, chẳng hạn như hệ thống cảnh báo sớm về nhiệt, làm mát thụ động và chủ động cho tất cả mọi người, quy hoạch đô thị và kế hoạch hành động chống nóng. Điều quan trọng là một kế hoạch quốc tế gắn kết có thể bảo vệ những nhóm dân số dễ bị tổn thương hơn trước các rủi ro từ biến đổi khí hậu ngày càng tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đông Nam Á tìm cách thích ứng với nắng nóng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO