Đông Nam Á trong sóng gió Covid-19

Hà Anh 26/05/2021 06:45

Khu vực Đông Nam Á những tháng gần đây đang chứng kiến sự bùng phát các ca nhiễm Covid-19 mới, đặc biệt là các trường hợp nhiễm biến thể B.1617.2 từ Ấn Độ.

Dù trước đó, chính phủ nhiều nước trong khu vực đã lên kế hoạch nới lỏng giãn cách khi tình hình dịu đi, tuy nhiên, giờ mọi thứ đều ở trong trạng thái cảnh báo cao nhất. Điều này cũng phù hợp với cảnh báo của Tổ chức Y tế thế giới và Liên hợp quốc về dịch bệnh Covid-19.

Liên tiếp các chùm lây nhiễm

Theo số liệu thống kê mới nhất, toàn khối Đông Nam Á có trên 19.500 ca nhiễm mới trong một ngày, tổng ca tử vong cũng lên tới 75.700 người.

Với 5.280 ca nhiễm mới, Indonesia tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong khu vực. Đến nay, nước này ghi nhận tổng cộng 1.775.220 ca bệnh và 49.328 ca tử vong.

Mới đây, Indonesia đã phát hiện một cụm lây nhiễm mới là các nhân viên y tế đã điều trị cho 13 thủy thủ đoàn Philippines bị nhiễm Covid-19 trước đó. Cụ thể, có khoảng 140 nhân viên y tế đã tiếp xúc gần với số thủy thủ đoàn nhiễm Covid-19 của một tàu chở hàng mang cờ Panama khi tàu này cập cảng Trung Java vào ngày 25/4.

Qua xét nghiệm ban đầu, có 42 nhân viên y tế đã được xác định dương tính với virus SARS-CoV-2. Đáng lo ngại là sau khi phân tích trình tự gene, các ca này đều nhiễm biến thể B.1617.2 được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ với khả năng lây lan nhanh. Hiện lực lượng chức năng Indonesia đang tích cực truy vết số nhân viên y tế nêu trên.

Cùng với đó, giới chức Thái Lan ngày 25/5 đã xác nhận một ổ dịch Covid-19 mới liên quan đến công trường xây dựng tuyến tàu điện trên cao ở tỉnh Nonthaburi giáp với thủ đô. Các mẫu xét nghiệm của 900 công nhân được lấy hôm 22/5 và kết quả xác nhận cho thấy có 519 công nhân dương tính với virus SARS-CoV-2.

Nhà chức trách Thái Lan tuần trước cũng phát hiện 36 công nhân xây dựng tại thủ đô Bangkok nhiễm biến chủng virus B.1.617.2 có nguồn gốc từ Ấn Độ với khả năng lây lan cao hơn trong các khu nhà của công nhân xây dựng ở Bangkok.

Số ca tử vong vì Covid-19 ở Thái Lan đã vượt 800. Đợt bùng phát Covid-19 thứ ba từ đầu tháng 4 đến nay chiếm gần 80% số ca nhiễm bệnh ở Thái Lan và gần 90% số ca tử vong từ trước tới nay.

Trong khi đó, Malaysia và Philippines tiếp tục ghi nhận hàng nghìn ca mắc mới.

Ngày 25/5, Malaysia công bố 6.509 ca mắc mới, gần mức cao kỷ lục 6.976 ca được ghi nhận một ngày trước đó, và thêm 61 ca tử vong. Như vậy đến nay, nước này ghi nhận tổng cộng hơn 500.000 ca mắc, trong đó có 2.309 ca tử vong.

Điều này đã khiến Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh (CDC) Mỹ phải nâng cảnh báo về tình hình dịch bệnh tại Malaysia lên mức cao nhất (mức 4) và khuyến nghị du khách tránh tới đây.

Bộ Y tế Philippines ngày 25/5 cũng thông báo đã có thêm 4.973 ca mắc, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á này lên 1.184.706 ca. Số ca tử vong tại đây cũng tăng thêm 39 ca lên 19.983 ca. Kể từ khi khởi động chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19, Philippines đã tiêm được hơn 4 triệu liều vaccine.

Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia thông báo ghi nhận thêm 560 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2 và 9 ca tử vong, trong bối cảnh dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát mạnh trở lại ở nhiều tỉnh của nước này.

Trong khi 20 điểm tiêm vaccine ngừa Covid-19 được thiết lập tại Thủ đô Phnom Penh, thì một số tỉnh của Campuchia đang phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 với một loạt đợt bùng phát mới.

Trong khi đó, ngày 25/5, Bộ Y tế Lào cho biết, nước này ghi nhận 19 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, trong đó chỉ có 4 ca nhiễm cộng đồng, còn lại đều là các trường hợp nhập cảnh và được cách ly ngay. Mặc dù số ca nhiễm cộng đồng tiếp tục giảm nhưng số bản/phường bị đưa vào danh sách “vùng đỏ” tại thủ đô Vientiane tăng do phát hiện các ca nhiễm mới. Đến ngày 23/5, toàn thành phố Vientiane đã có 34 bản/phường thuộc 6 quận/huyện bị đưa vào danh sách “vùng đỏ”, theo đó phong tỏa nghiêm ngặt và người dân không được ra khỏi nhà.

Tới nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.801 ca mắc Covid-19, trong đó đã chữa khỏi cho 1.074 người và chỉ ghi nhận 2 trường hợp tử vong. Timor Leste cũng ghi nhận 156 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 5.637 trường hợp.

Dịch bệnh Covid-19 đang có chiều hướng diễn biến phức tạp tại khu vực Đông Nam Á.

Tăng cường tiêm vaccine toàn cầu

Phát biểu tại Hội nghị thường niên Tổ chức Y tế thế giới (WHO) theo hình thức trực tuyến mới đây, nhiều nhà lãnh đạo thế giới đã đưa ra lời kêu gọi tăng cường năng lực tiêm phòng vaccine trên toàn cầu trong bối cảnh, đại dịch Covid-19 vẫn khiến thế giới đau đầu sau hơn 1 năm bùng phát. Các ý kiến cho rằng, phản ứng toàn cầu 2 tốc độ trước Covid-19 và sự không đồng đều trong chiến dịch tiêm vaccine đang khiến đại dịch có thể không bao giờ kết thúc.

Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, gần 18 tháng sau khi dịch bệnh bùng phát, thế giới vẫn trong tình trạng rất nguy hiểm. Số ca mắc tính đến thời điểm này trong năm cao hơn so với toàn bộ năm 2020. Nếu xu hướng này tiếp tục, số ca tử vong sẽ nhanh chóng vượt qua tổng số ca tử vong của cả năm ngoái chỉ trong vòng 3 tuần tới. Theo người đứng đầu cơ quan y tế Liên Hợp Quốc, dịch bệnh chỉ có thể chấm dứt khi ngày càng có nhiều người dân tại tất cả các nước trên thế giới được tiêm chủng.

“Tôi kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên hỗ trợ mục tiêu tiêm chủng cho ít nhất 10% dân số của mọi quốc gia vào tháng 9 tới và ít nhất 30% vào tháng 12. Đây là điều quan trọng để ngăn chặn các ca tử vong và mắc bệnh nghiêm trọng” - Tổng Giám đốc WHO kêu gọi.

Chia sẻ quan điểm này, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres một lần nữa nhắc lại cảnh báo về sự nguy hiểm của phản ứng toàn cầu hai tốc độ. Theo ông, thế giới thực sự đang trong một cuộc chiến và những tác động mà cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra như một cơn sóng thần khiến hàng triệu người thiệt mạng, hàng trăm nghìn người mất việc làm và gây cản trở sự phục hồi của nền kinh tế.

“Khi bắt đầu đại dịch Covid-19, tôi đã cảnh báo về sự nguy hiểm của phản ứng toàn cầu hai tốc độ. Đáng buồn thay, trừ khi hành động ngay bây giờ, còn không chúng ta sẽ phải đối mặt với một tình huống, mà tại đó các nước giàu tiêm chủng cho phần lớn người dân và mở cửa nền kinh tế, trong khi virus tiếp tục hoành hành tại những nước nghèo nhất. Covid-19 không thể bị đánh bại chỉ ở từng quốc gia” - ông Antonio Guterres nói.

Ngày 25/5, Malta, quốc gia đang dẫn đầu Liên minh châu Âu (EU) về tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19, thông báo đạt “miễn dịch cộng đồng”, tiêm phòng ít nhất một mũi vaccine cho 70% người trưởng thành. Đây được xem là một “dấu mốc quan trọng” rất khó thực hiện trong khối EU.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đông Nam Á trong sóng gió Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO