Đông Nam Á trước dịch Covid-19: Không thể chủ quan

Hà Anh 30/12/2020 08:11

Sau nửa năm không xuất hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, một đợt dịch mới đã bùng phát mạnh mẽ ở Thái Lan vào đầu tháng 12 với gần 2.000 ca nhiễm và 1 ca tử vong trong 2 tháng gần nhất.

Đây được đánh giá là một đợt bùng phát dịch Covid-19 nghiêm trọng hơn nhiều so với đợt đầu tiên vào đầu năm 2020.

Pano tại Bangkok nhắc nhở mọi người về đại dịch Covid-19.

Nâng cao cảnh giác với dịch bệnh

Tình hình dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19 tại Thái Lan đang diễn biến phức tạp khi Bộ Y tế nước này ngày 29/12 ghi nhận thêm 155 ca mắc, chủ yếu là các ca lây nhiễm trong cộng đồng. Nguồn tin cũng cho biết, trong số các ca mắc mới có 10 người lây nhiễm từ bên ngoài. Tới nay, số ca mắc Covid-19 tại Thái Lan đã lên tới 6.440 ca, trong đó có 61 ca tử vong.

Cuối ngày 28/12, Thái Lan vừa thông báo 1 ca tử vong vì dịch bệnh Covid-19 đầu tiên trong gần 2 tháng trở lại đây, đồng thời ban bố các biện pháp hạn chế các hoạt động giải trí tại thủ đô Bangkok trong nỗ lực kiểm soát đợt bùng phát dịch bệnh mới hiện đã lan ra hơn một nửa trong tổng số tỉnh thành trên cả nước.

Cùng ngày, giới chức Thái Lan đã ghi nhận thêm 144 ca mắc mới và các ổ dịch mới phát hiện đều liên quan đợt bùng phát dịch lớn nhất từ trước tới nay.

Giới chức Bangkok đã ban bố lệnh cấm các hoạt động kinh doanh giải trí và yêu cầu các quán bar, câu lạc bộ giải trí ban đêm và các tụ điểm âm nhạc đóng cửa từ nửa đêm, cho đến ngày 4/1.

Thủ đô Bangkok cũng sẽ thiết lập một bệnh viện dã chiến và sẽ xem xét lại các biện pháp hạn chế trong tuần tới.

Trước đó, Thái Lan cũng đã áp dụng các biện pháp hạn chế tương tự ở một số trong số 43 tỉnh phát hiện các ca mắc liên quan đợt bùng phát dịch mới. Đợt bùng phát này bắt đầu từ 11 ngày trước, với các ca bệnh đầu tiên được phát hiện trong các nhóm lao động nhập cư ở chợ hải sản ở tỉnh Samut Akhon, gần thủ đô Bangkok.

Trong bối cảnh đó, nhiều người dân sợ rằng ăn tôm và các loại hải sản khác sẽ bị nhiễm virus, khiến thị trường tôm gặp khó khăn. Nhiều người Thái Lan không chỉ tẩy chay tôm, mà còn sợ rằng lao động nhập cư từ Myanmar có thể lây lan virus qua thức ăn hoặc dụng cụ nấu nướng tại những nhà hàng họ làm việc bên ngoài Samut Sakhon.

Hiện, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đang thực hiện cách ly tại nhà 14 ngày sau khi tiếp xúc với một tỉnh trưởng mắc Covid-19, trong khi Chủ tịch Quốc hội Chuan Leekpai cũng đã yêu cầu 29 nhân viên làm việc tại Quốc hội từng gặp gỡ một người mắc Covid-19 làm xét nghiệm.

Dù là quốc gia đầu tiên bên ngoài Trung Quốc phát hiện bệnh nhân Covid-19 nhưng tới nay Thái Lan cũng mới chỉ ghi nhận 6.285 ca bệnh, trong đó có 61 ca tử vong nhờ kiểm soát hiệu quả những đợt dịch bệnh trước đó.

Kết quả này có được là nhờ các biện pháp hạn chế chặt chẽ hoạt động đi lại trong nước, nhanh chóng triển khai xét nghiệm và truy dấu tiếp xúc.

Đợt bùng phát mới có thể sẽ cản trở các nỗ lực nhằm khôi phục ngành du lịch vốn là ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia nhưng lại chịu thiệt hại nặng nề về dịch bệnh khi Chính phủ chỉ vừa mới nới lỏng các biện pháp hạn chế với hoạt động đón tiếp du khách nước ngoài và tung ra những gói kích thích du lịch trong nước.

Thận trọng dùng vaccine

Trong khi một số vaccine đã chứng minh hiệu quả trong thử nghiệm giai đoạn cuối, bao gồm vaccine Pfizer-BioNTech đang được sử dụng ở Mỹ, Anh và Canada, các cơ quan quản lý tại khu vực Đông Nam Á đang có những bước đi thận trọng, có nước dự định tiêm chủng vài tuần sau, nhưng cũng có những nước đến 6 tháng cuối năm 2021 mới bắt đầu.

Bất chấp những nỗ lực của Covax, vẫn có lo ngại rằng các quốc gia có thu nhập thấp hơn trong khu vực bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua vaccine.

Các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đang phải đối mặt với vô số thách thức liên quan đến chi phí, lưu trữ và phân phối. Trong đó, Thái Lan đã tuyên bố sẽ dẫn đầu việc triển khai vaccine ở khu vực sông Mekong bằng cách nhận chuyển giao công nghệ của Oxford-AstraZeneca để tự sản xuất hàng triệu liều như “một sản phẩm công cộng” cho các nước láng giềng.

Dù vậy, cho đến nay, Thái Lan mới chỉ đặt mua 26 triệu liều, đủ để tiêm chưa đến 20% dân số, thông qua hợp đồng trị giá 80 triệu USD cho vaccine Oxford-AstraZeneca. 26 triệu liều dự kiến được bàn giao vào tháng 5 hoặc tháng 6 năm 2021. Thái Lan đặt kỳ vọng vào vaccine rẻ hơn được sản xuất trong nước của Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, nơi dự kiến thử nghiệm trên người từ tháng 4 năm sau.

Trong khi đó, ngày 14/12, Singapore đã trở thành quốc gia châu Á đầu tiên phê duyệt Pfizer-BioNTech. Kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối cho thấy vaccine có hiệu quả 95%. Họ bắt đầu tiêm chủng Covid-19 vào ngày 30/12 với nhóm đầu tiên là các nhân viên y tế tại Trung tâm Quốc gia về Bệnh Truyền nhiễm (NCID).

Các vaccine nổi tiếng khác đang chờ phê duyệt bao gồm vaccine của Moderna và Oxford-AstraZeneca, cho hiệu quả lần lượt là 95% và 62-90%. Sinovac của Trung Quốc được thông báo có kết quả khả quan nhưng chưa có thông tin chi tiết.

Myanmar, Lào và Campuchia chủ yếu phụ thuộc vào cam kết của Covax là cung cấp 20% số liều cần thiết với giá thấp, hoặc mua vaccine của Nga và Trung Quốc. Campuchia được cho là đang cân nhắc mua vaccine Nga vì mức giá phải chăng, ngoài một triệu liều họ đảm bảo được thông qua Covax. Tại một phiên họp gần đây của Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã kêu gọi nước giàu giúp nước nghèo có vaccine với giá cả phải chăng.

Indonesia đã có 125,5 triệu liều vaccine Sinovac, trong khi Philippines đang cân nhắc mua 20 - 50 triệu liều và Singapore đã đặt hàng với số lượng chưa rõ. Cũng có thông tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil và Chile đã đặt mua hàng từ công ty, trong khi UAE và Bahrain đã cấp phép sử dụng.

Việt Nam cũng đặt kỳ vọng vào vaccine sản xuất nội địa, khi 4 công ty trong nước đang phát triển vaccine. Vaccine Nanocovax của Công ty Nanogen phối hợp với Học viện Quân y ngày 17/12 bắt đầu thử nghiệm giai đoạn một trên người. Nanocovax dự kiến có giá 120.000 đồng (5,17 USD) cho mỗi mũi tiêm, so với mức 8-74 USD của vaccine Oxford-AstraZeneca, Pfizer-BioNTech và Moderna.

Ngày 29/12, Hàn Quốc báo cáo thêm 40 ca tử vong do Covid-19, mức tăng hàng ngày cao nhất từ khi đại dịch bùng phát tại nước này.

Cùng ngày, 1.040 ca nhiễm đã được xác nhận, nâng tổng số ca nhiễm lên 58.725 ca, trong đó 859 người đã chết. Một số nhà quan sát cho rằng ca tử vong tăng cao phản ánh sự gia tăng các cụm lây nhiễm tại viện dưỡng lão và trung tâm chăm sóc dài hạn, nơi lưu trú của người cao tuổi gặp vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đông Nam Á trước dịch Covid-19: Không thể chủ quan

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO