Đông Nam Á trước nhu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu

Mai Nguyễn (Theo CNA) 09/02/2022 15:49

Chịu ảnh hưởng nặng nề bởi vô số các hiện tượng thời tiết cực đoan cuối năm 2021, nhưng việc Đông Nam Á xây dựng các chính sách để thích ứng vẫn chỉ đang ở giai đoạn đầu. 

Philippines

Kiven Meco Luzano cũng giống như hầu hết những người dân khác ở Philippines, đều bất lực trước những cơn bão – những vị du khách thường xuyên ghé thăm khu vực này. Tất nhiên anh biết một cơn bão đang tấn công cộng đồng của mình ở phía Nam đảo Leyte. Nhưng siêu bão Rai (hay còn gọi là Odette) đã đến với một cơn thịnh nộ hiếm có.

Cư dân đảo Leyte đã chứng kiến ​​ánh sáng ban ngày bỗng chốc bị dập tắt sớm hơn bình thường, kéo theo đó là những trận mưa lớn ập đến. Ban đầu họ không định sơ tán, nhưng mọi thứ đã đảo lộn khi những tia sét xé toạc bầu trời, chiếu sáng những cơn gió dữ dội tung hoành khắp thị trấn, trên từng mái nhà.

Khi siêu bão Rai từ từ di chuyển qua quần đảo Visayas vào giữa tháng 12/2021, chúng đi cùng những cơn gió giật mạnh tới 260 km/giờ. Ước tính hơn 400 người dân sẽ thiệt mạng và khoảng 1,5 triệu ngôi nhà sẽ bị phá hủy hoặc hư hại nặng nề.

Bão Rai là một hệ thống di chuyển chậm gây ra thiệt hại trên một khu vực rộng lớn. Ảnh: CNA.

Rai là một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Philippines trong suốt lịch sử. Đây chỉ là cơn bão cấp 5 thứ ba từng được ghi nhận ở Biển Đông và khơi dậy những ký ức cay đắng về siêu bão Haiyan, một thảm họa kinh hoàng đã tấn công khu vực này vào năm 2013. “Lần này đến lượt chúng tôi phải hứng chịu cơn thịnh nộ thiên nhiên”, Luzano nói.

Thực tế khắc nghiệt đối với cư dân Philippines là những cơn bão hủy diệt như thế này sẽ tiếp tục ập đến trong tương lai với mức độ ngày càng dữ dội và khó lường. Trong khi các hình thái thời tiết cực đoan rất phức tạp, một nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng các yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu đang góp phần vào sự xuất hiện thường xuyên hơn của các ‘hệ thống bão quái vật’.

Phía Nam đảo Leyte đã bị tấn công bởi một cơn bão mạnh khác, chỉ vài ngày trước lễ Giáng sinh. Ảnh: CNA.

Khoảng 1/4 các cơn bão trên thế giới đổ bộ vào Philippines, và trong khi con số này dự kiến ​​sẽ không tăng trong những năm tới, do biến đổi khí hậu, chúng được cho là sẽ ảnh hưởng nặng nề hơn và di chuyển theo những con đường khó dự đoán hơn.

Malaysia

Phần duy nhất còn lại trong ngôi nhà của gia đình Rohana Mahfuz là phần cầu thang phía trước. Khi nước dâng từ những ngọn núi xung quanh quận Hulu Langat, cách thủ đô Kuala Lumpur khoảng 40 km, sông Lui đạt đỉnh và biến thành một con quái vật nước nguy hiểm cuốn theo mọi thứ trên đường đi.

Rohana Mahfuz đã mất tất cả, chỉ còn lại phần cầu thang và cây cột của ngôi nhà sau trận lụt xối xả vào tháng 12/2021. Ảnh: CNA.

Khi nước đã ngập đến ngực, bà Mahfuz 75 tuổi cho biết đã đến lúc phải rời đi. Bên ngoài trời tối và hỗn loạn. “Tôi chỉ cảm thấy trống rỗng. Tôi đã mất tất cả, chúng tới như một cơn sóng thần”, bà tuyệt vọng.

Trong khi vô số người dân vội vã đến nơi trú ẩn sơ tán; nhiều người vẫn còn đang bị mắc kẹt trong phương tiện do đường cao tốc bị chặn cứng do sạt lở đất. Trên khắp bán đảo Malaysia, những cảnh tương tự đang diễn ra và hàng chục nghìn người dân sẽ phải di dời.

Malaysia đã coi đây là trận lũ lụt ‘trăm năm có một’. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng có khả năng những thảm họa kiểu này sẽ phổ biến hơn nữa trong tương lai, khi Trái đất ngày càng ấm lên nhanh chóng.

Bờ sông Sungai Lui đã bị xói mòn sau trận lũ lụt xối xả vào năm ngoái. Ảnh: CNA.

Báo cáo mới nhất của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) nhận định rằng, lượng mưa lớn sẽ trở nên dữ dội và thường xuyên hơn trên khắp châu Á trong những thập kỷ tới.

Cuối năm 2021, Malaysia đã kiệt sức sau một thảm họa không được chuẩn bị sẵn sàng, ước tính thiệt hại là 6,1 tỷ RM (khoảng 1,46 tỷ USD). Đó là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của việc thích ứng với khí hậu biến đổi nhanh chóng.

Singapore

Đối với quốc đảo Sư tử, 2021 là năm ẩm ướt thứ hai kể từ thời điểm năm 1980, với tháng Giêng có nhiều trận mưa nhất trong hơn 100 năm qua. Đồng thời, mực nước biển xung quanh khu vực đã tăng nhanh hơn mức trung bình toàn cầu và sẽ tiếp tục dâng cao quanh châu Á, khiến nhiều khu vực ven biển bị ngập lụt.

Những vấn đề này sẽ không tồn tại riêng lẻ. Các sự kiện xếp tầng khi một thiên tai gây ra hoặc tăng cường cho một thiên tai khác, đó sẽ là một câu chuyện khác. Các khu vực ven biển luôn có rất nhiều rủi ro, và do đó mưa lớn kèm theo nước biển dâng cao chính là rủi ro kép, bởi vì chúng đang xảy ra cùng nhau.

Trận lũ lụt ‘trăm năm có một’ ở Malaysia. Ảnh: Euronews.

Những nỗ lực thay đổi thực tế

Nhiều cuộc thảo luận đã diễn ra để tìm các giải pháp đối ngăn chặn biến đổi khí hậu, hoặc ít nhất là làm chậm lại. Những nỗ lực để hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu lên 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp là rất quan trọng để ngăn chặn những thảm họa có cường độ lớn hơn xảy ra trong tương lai.

Nhưng, ở thực tế này, học cách chung sống với những tác động biến đổi khí hậu sẽ khả quan hơn. Theo các chuyên gia, thích ứng với một hành tinh đang thay đổi sẽ liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng mới, phát triển các quần thể có khả năng chống chịu, cải thiện hệ thống cảnh báo sớm thiên tai, quy hoạch thành phố phù hợp với tương lai, bảo vệ và khôi phục các biện pháp bảo vệ bờ biển tự nhiên như rừng ngập mặn.

Ở khu vực Đông Nam Á, việc xây dựng các chính sách thích ứng đang được tiến hành nhưng chủ yếu vẫn đang ở giai đoạn đầu. Sự phức tạp của thách thức đang gây ra nhiều khó khăn và các chi phí liên quan sẽ trở thành gánh nặng cho các quốc gia trong tương lai.

Hồi sinh những tàn dư và chuẩn bị cho tương lai

Trên khắp các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai của Philippine và Malaysia, việc xây dựng và phục hồi chắc chắn sẽ mất một khoảng thời gian dài, đặc biệt là Philippines.

Ở thành phố Sogod ở phía nam đảo Leyte, vết thương từ cơn bão trên đường phố đã khiến cư dân nơi đây phải suy ngẫm về những gì sắp tới. “Họ lo lắng về những điều sẽ đến trong năm 2022. Có lẽ một cơn bão khác dữ dội hơn Rai sẽ đến, và họ vừa mới chỉ xây dựng lại ngôi nhà của mình. Đó cũng chính là lý do tại sao nhiều người dân vẫn chưa bắt đầu khắc phục thiệt hại”, Zenaida Calungsod, một công nhân nhà thờ ở địa phương cho biết.

Chu kỳ đau đớn của vòng lặp ‘xây dựng - tàn phá’ giữa thiên nhiên và con người đang khiến nhiều cộng đồng rơi vào bế tắc. “Chúng ta không thể cứ xây dựng rồi lại bắt đầu từ con số 0 mỗi khi gặp thiên tai”, cậu sinh viên 19 tuổi, đồng thời là điều phối viên chiến dịch quốc gia của Tổ chức Thanh niên Vận động Hành động vì Khí hậu Philippines nhấn mạnh.

Người dân Philippines sẽ phải sống trong vòng lặp ‘xây dựng - tàn phá’ giữa thiên nhiên và con người. Ảnh: CNN.

“Những cơn bão là không thể tránh khỏi nếu chúng ta vẫn không giải quyết được cuộc khủng hoảng khí hậu. Có quá nhiều việc cần phải làm cho đất nước trước những tác động của biến đổi khí hậu. Bởi vì nếu chúng tôi sẵn sàng, chúng tôi đã có thể cứu sống những người mà chúng tôi đã mất trong cơn bão”.

Theo đó, chính phủ Philippines đã ban hành Kế hoạch Hành động Quốc gia về Biến đổi Khí hậu với trọng tâm là an ninh lương thực, các thành phố thông minh và cung cấp đủ nước cho người dân. Nhưng điều đó có lẽ vẫn chưa đủ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đông Nam Á trước nhu cầu thích ứng với biến đổi khí hậu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO