Dòng người nghẹn ngào đến tiễn biệt nhạc sĩ Phó Đức Phương

Hoàng Minh 24/09/2020 13:56

Trưa ngày 24/9, tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, gia đình và đồng nghiệp đã đến tiễn đưa nhạc sĩ Phó Đức Phương về nơi an nghỉ cuối cùng.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh ngày 23/7/1944, tại thôn Đa Ngưu, xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên – là quê nội của ông. Quê ngoại ông ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Theo gia phả dòng họ Phó, thì nhạc sĩ Phó Đức Phương là hàng cháu của nhà cách mạng yêu nước Phó Đức Chính. 18 tuổi, ông thi đỗ vào khoa toán, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng do hoàn cảnh lịch sử xã hội cũng như đời sống kinh tế khó khăn, năm 1965, Phó Đức Phương buộc phải xin nghỉ học và trở thành nông trường viên, thuộc nông trường Cửu Long (tỉnh Hòa Bình).

Nhạc sĩ Phó Đức Phương từ trần hồi 12h18 phút ngày 19/9, hưởng thọ 77 tuổi sau thời gian ngắn chống chọi với ung thư tụy.

Một năm sau, ông thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Ở tuổi 22, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt, Phó Đức Phương cho ra đời ca khúc đầu tiên trong sự nghiệp âm nhạc của mình, bài hát “Những cô gái quan họ” và lập tức được công chúng và giới chuyên môn hoan nghênh, đón nhận.

Sự ra đi của nhạc sĩ Phó Đức Phương là một mất mát lớn của nền âm nhạc Việt Nam.

Sau khi ra trường, ông về công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Thái Bình từ năm 1971 - 1976 với vai trò là Nhạc sĩ, kiêm chỉ đạo nghệ thuật của Đoàn. Từ năm 1976 - 1984, ông là chuyên viên của Vụ Âm nhạc & Múa - Cục Nghệ thuật Sân khấu (Bộ Văn hóa).Từ năm 1984 - 1986, ông về chỉ đạo Nghệ thuật của Đoàn Ca múa nhạc Hà Nội (nay là Nhà hát Thăng Long).

Từ năm 1986 - 2000, ông là chuyên viên âm nhạc của Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VHTTDL). Từ 2002 cho đến năm 2018, ông là Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Nhiều năm ông là Ủy viên BCH Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa III (1983 -1989); Khóa VII (2005-2010); Khóa VIII (2010 -2015); Khóa IX (2015-2020) và là Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội.

Các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội đến viếng nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Sự nghiệp sáng tác âm nhạc của ông bao gồm nhiều thể loại, từ nhạc cho phim truyện, nhạc cho sân khấu, lễ hội... nhưng mảng sáng tác chính của ông cũng là lĩnh vực thành công nhất, đó là thể loại ca khúc. Âm nhạc của Phó Đức Phương từ ca khúc đầu tiên cho đến những tác phẩm những tác phẩm cuối cùng luôn thấm đẫm âm hưởng Dân ca đồng bằng Bắc Bộ, toát lên tinh thần nhân văn, lẽ sống cao cả, đưa đến cho người nghe một cảm xúc gần gũi, yêu thương, tự hào về quê hương xứ sở và tình nghĩa – đạo lý con người.

Tác phẩm của ông luôn chiếm được tình cảm yêu mến của khán thính giả cả nước và nước ngoài. Mọi người luôn dành cho ông những tình cảm trân quý nhất. Ông đã được tặng thưởng nhiều Huy chương Vàng, các giải thưởng âm nhạc xuất sắc trong các kỳ Liên hoan, hội diễn trong nước và quốc tế.

NSND Trung Đức

Với những đóng góp của ông trong lĩnh vực âm nhạc, năm 2001 ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật; Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2012); Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam” và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Ban nhạc Bức Tường đến viếng nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Không những vậy, nhạc sĩ Phó Đức Phương là một trong những người khởi xướng thành lập Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Với nhiều cố gắng nỗ lực phi thường, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam ra đời tháng 4 năm 2002; và ông đã trở thành người Giám đốc đầu tiên, người thuyền trưởng dũng cảm và đầy khát vọng, đam mê, vì quyền và lợi ích hợp pháp của các nhạc sĩ và đồng tác giả. Đã cùng tập thể đoàn kết vượt qua chặng đường dài 18 năm, đạt những thành tích xuất sắc được đất nước và quốc tế ghi nhận. Kết quả hoạt động của Trung tâm đã góp phần không nhỏ khuyến khích sáng tạo, mang lại sự công bằng cho các tác giả, thúc đẩy sự phát triển và bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

Các sáng tác của nhạc sĩ Phó Đức Phương gắn liền với tên tuổi của nhiều ca sĩ.

Trong công việc và âm nhạc, ông cầu toàn kỹ tính bao nhiêu thì trong cuộc sống, nhạc sĩ Phó Đức Phương lại là người dung dị xuề xòa, dễ gần bấy nhiêu. Ông sống giản dị hòa đồng với mọi người. Trong ông là cả một kho tư liệu sống về văn hóa, về triết lý nhân sinh quan, thấm đẫm tình người, hồn quê. Trong gia đình, nhạc sĩ Phó Đức Phương là một người chồng, người cha mẫu mực. Những tháng cuối đời, vợ, các con cùng những người thân trong gia đình ông luôn kề cận sớm hôm, hết lòng thuốc thang chăm sóc. Đồng nghiệp, bạn bè chẳng quản đường xá xa xôi ở khắp mọi miền cũng đến thăm ông với mong muốn ông vững tâm vượt qua bạo bệnh. Chính vì điều đó mà nhạc sĩ Phó Đức Phương đã sống những ngày cuối đời với tất cả niềm tin mãnh liệt, và tin rằng bệnh tật sẽ qua để ông có thể tiếp tục sáng tác, tiếp tục cống hiến cho đời.

Rất nhiều người đã không cầm được nước mắt trước sự ra đi của nhạc sĩ Phó Đức Phương

Viết trong số tang, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân bồi hồi chia sẻ, Hội Nhạc sĩ Việt Nam với hơn 1500 hội viên vô cùng thương tiếc nhạc sĩ Phó Đức Phương, một nhạc sĩ tài năng của đất nước, một cán bộ nghệ thuật đầy tâm huyết và trách nhiệm, một người bạn tốt với anh em đồng nghiệp. Sự nghiệp âm nhạc của ông mãi còn cùng âm nhạc Đất nước, với công chúng yêu nhạc. Cầu mong hương hồn ông thanh thản nơi vĩnh hằng. Xin vĩnh biệt ông, nhạc sĩ Phó Đức Phương, người nghệ sĩ của nhân dân.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đọc điếu văn.

Không cầm được nước mắt, ca sĩ Tùng Dương viết “Ngủ ngon nhé chú thương yêu. Cháu sẽ nhớ mãi những buổi tập bài cùng chú… Chỉ có giấc ngủ thôi, ta lại dạo chơi cảnh giới khác. Ta lại thong dong tiếp tục độc hành, sáng tạo. Người tráng sĩ Sông Hồng mạnh mẽ nhất mà cháu từng biết được trở về với Đất mẹ, được về quê, về với sông Cái, sông Mẹ. Các thế hệ tiếp nối sẽ gìn giữ những tinh hoa của chú”.

Ca sĩ Tùng Dương không kìm được cảm xúc trước sự ra đi của nhạc sĩ Phó Đức Phương.

Ca sĩ Thanh Lam cho biết, dù đã linh cảm về sự ra đi của người nhạc sĩ tài hoa sau một thời gian chống chọi với căn bệnh ung thư tụy nhưng Thanh Lam cho biết, chị vẫn không khỏi hụt hẫng. Bởi trước đó khi vào thăm nhạc sĩ, ông vẫn giữ được tinh thần lạc quan, sẵn sàng đối diện với thử thách của cuộc sống. “Sự ra đi của chú là tổn thất lớn cho nền âm nhạc nước nhà nhưng tôi tin là những ca khúc của chú, những khát vọng mà chú gửi gắm sẽ tiếp tục được nối dài bởi thế hệ trẻ và những người yêu nhạc Phó Đức Phương” ca sĩ Thanh Lam nói.

Ca sĩ Thanh Lam đến tiễn biệt người nhạc sĩ tài hoa.

Còn nhạc sĩ Nguyễn Cường cho biết ông lặng người khi hay tin Phó Đức Phương qua đời. Ông tâm sự các thành viên trong Bộ tứ sông Hồng (Nguyễn Cường, Trần Tiến, Dương Thụ và Phó Đức Phương) luôn dành cho nhau sự yêu mến, kính trọng. Họ yêu quý nhau như anh em ruột thịt. Nhạc sĩ Trần Tiến đang nằm viện không thể đến viếng, chỉ có nhạc sĩ Dương Thụ và nhạc sĩ Nguyễn Cường đến đưa tiễn, đứng trước linh cữu người bạn tri kỷ, Nguyễn Cường và Dương Thụ lặng đi.

Nhạc sĩ Nguyễn Cường đến chia tay người bạn trong Bộ tứ Sông Hồng.

Cũng ngày, lễ truy điệu nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng đã được tổ chức trọng thể tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông. Sau khi hỏa táng, gia đình, đồng nghiệp sẽ đưa cố nhạc sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng là Công viên tưởng niệm Thiên Đức (Phú Thọ).

Ca sĩ Tùng Dương.
Ca sĩ Thanh Lam.
Lễ truy điệu nhạc sĩ Phó Đức Phương.
Sau khi hỏa táng, gia đình, đồng nghiệp sẽ đưa cố nhạc sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng là Công viên tưởng niệm Thiên Đức (Phú Thọ).
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dòng người nghẹn ngào đến tiễn biệt nhạc sĩ Phó Đức Phương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO