Dòng tiền lớn vẫn chảy vào Google, Facebook

Nguyễn Thanh Đạt 22/07/2021 08:00

Gần đây, một số tín hiệu cho thấy đã xuất hiện khả năng thu được thuế một cách “sòng phẳng” đối với Google, Facebook… cũng như một số nhà mạng nước ngoài cung cấp dịch vụ trên nền tảng điện tử tại Việt Nam. Tuy nhiên, đây không phải là việc dễ dàng, ngược lại còn rất khó khăn.         

Còn nhớ, tại phiên chất vấn trước Quốc hội (khóa XIV), chiều ngày 16/11/2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính lúc bấy giờ, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, kinh doanh điện tử trên Google cũng đã thực hiện kê khai nhưng chưa thu được. Nhiều đại biểu Quốc hội đặt vấn đề, vậy Bộ Tài chính có giải pháp gì chống thất thu thuế kinh doanh thương mại điện tử, cụ thể là kinh doanh qua Facebook, Google?

Thực tế cho thấy, những năm qua, hoạt động thương mại điện tử phát triển rất mạnh mẽ trên nền tảng internet nói chung và đặc biệt trên các mạng xã hội YouTube, Google, Facebook… Theo Tổng cục Thuế, số thu từ hoạt động thương mại điện tử của các tổ chức, cá nhân (Facebook, YouTube, Google…) trong nước năm 2016 là 46,86 tỷ đồng. Năm 2019, con số này đã lên tới 1.010 tỷ đồng và năm 2020 là 1.143 tỷ đồng (thuế giá trị gia tăng là 519 tỷ đồng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 624 tỷ đồng).

Còn theo thông tin từ Bộ Thông tin - Truyền thông, ở Việt Nam, tính đến cuối năm 2020, có khoảng 15.000 kênh YouTube bật nút kiếm tiền. Tuy nhiên, chỉ 30% trong tổng số trên, tương đương khoảng 5.000 kênh, chịu sự quản lý từ các công ty mạng của YouTube tại Việt Nam, có kê khai và nộp thuế đầy đủ.

Như vậy có thể thấy, việc trốn thuế ở lĩnh vực này là rất lớn, nhất là với nhiều cá nhân có thu nhập “khủng” từ kinh doanh qua mạng, hoặc phát sinh doanh thu từ YouTube cá nhân nhưng không kê khai thuế. Có thể nêu ví dụ: Cục Thuế TP HCM từng phát hiện và truy thu thuế của một cá nhân kênh YouTube có thu nhập lên đến 19 tỷ đồng từ năm 2016-2018.

Một trường hợp khác thu nhập 41 tỷ đồng từ Google, Facebook, YouTube chỉ trong 2 năm 2016 - 2017. Đặc biệt, cách đây chưa lâu, chỉ do vụ “lùm xùm” liên quan đến YouTuber Thơ Nguyễn, theo trang Social Blade (website theo dõi, thống kê và phân tích các trang mạng xã hội), kênh này thu về hơn 1,7 tỷ lượt xem trong năm 2020, trung bình khoảng 144 triệu lượt xem/tháng. Qua đó, doanh thu tương đương 16 tỷ đồng/năm.

Đầu tháng 6 năm nay, liên quan đến hoạt động thương mại điện tử có phát sinh thu nhập tại Việt Nam của Google, Facebook, YouTube…, Cục Thuế TP HCM đã kiến nghị Chính phủ quy định các tổ chức này phải thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam, cũng như hợp tác cung cấp thông tin của các tổ chức và cá nhân tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh và có thu nhập từ Google, Facebook, YouTube…

Tuy nhiên, nhiều cán bộ thuế cho biết, việc xác minh lý do dòng tiền ra vào của các nhà mạng xã hội là rất khó bởi thông tin tài khoản ngân hàng không thể hiện nội dung chuyển tiền. Từ đó, việc xác định thu nhập tính thuế đối với cá nhân, tổ chức có thu nhập từ các nhà mạng xã hội phụ thuộc khá nhiều vào “thiện chí” của người nộp thuế.

Còn thu nhập của các nhà mạng thì không rõ ràng. Chính vì thế, theo ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TP HCM, cần có quy định bắt buộc các ngân hàng phối hợp cung cấp thông tin cho cơ quan thuế, cũng như thực hiện việc khấu trừ nộp thuế theo quy định.

Về nguyên tắc, Google và Facebook có thu nhập tại Việt Nam thì phải đặt máy chủ tại Việt Nam để cơ quan quản lý nhà nước giám sát dòng tiền ra vào, đồng thời hai nhà mạng này kê khai và tự nộp thuế. Thế nhưng cả hai “ông lớn” này đều không mặn mà.

Được biết, hai nền tảng được các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lựa chọn quảng cáo trực tuyến nhiều nhất ở Việt Nam là Google và Facebook, chiếm khoảng 70% doanh thu thị trường quảng cáo trực tuyến.

Việc các tập đoàn lớn bỏ túi hàng tỷ USD nhưng đóng thuế nhỏ giọt trong khi doanh nghiệp trong nước phải đóng 20% thuế thu nhập doanh nghiệp là điều bất công. Cho dù họ có kê khai và nộp thuế qua các đại lý của họ tại Việt Nam, nhưng đó vẫn chỉ là thuế gián thu phụ thuộc rất nhiều vào sự nghiêm túc của các doanh nghiệp khi khai báo thông tin.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dòng tiền lớn vẫn chảy vào Google, Facebook

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO