Dự án cao tốc kêu khó

Đức Sơn 26/10/2021 07:43

Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (Công ty  Đèo Cả) vừa có văn bản gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị giải quyết hàng loạt khúc mắc liên quan đến dự án đường cao tốc Dự án Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Theo Công ty Đèo Cả, doanh nghiệp này là nhà đầu tư sở hữu 65,58% vốn điều lệ của Công ty cổ phần BOT Bắc Giang- Lạng Sơn.

Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (Dự án thành phần 1) đã hoàn thành, UBND tỉnh Lạng Sơn với vai trò là cơ quan có thẩm quyền, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc quan trọng, cơ bản làm thay đổi phương án tài chính dự án và ảnh hưởng mang tính chất quyết định đến sự tồn tại hay phá sản của nhà đầu tư.

Cụ thể, sau khi Dự án thành phần 1 kết thúc từ tháng 9/2019 đến nay, việc triển khai Dự án Cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (Dự án thành phần 2) vẫn bị đình trệ, kéo dài nên toàn tuyến cao tốc chưa được khai thông. Các phương tiện theo hướng từ Quốc lộ 1A vào cao tốc và ngược lại đang khai thác tạm thời trên các tuyến nhánh của nút giao tại Km 45 nên rất bất tiện.

Mặt khác, trên tuyến Quốc lộ 1A đã giảm 1 trạm thu phí (Km24+800) so với phương án tài chính ban đầu nên nguồn thu của dự án bị thiếu hụt trong suốt vòng đời của dự án.

Theo Công ty Đèo Cả, những vấn đề nêu trên đã làm giảm lưu lượng phương tiện lưu thông trên cao tốc, ảnh hưởng đến doanh thu, không đảm bảo phương án tài chính.

Tại Dự án thành phần 2, Công ty Đèo Cả liên doanh với các nhà đầu tư là Công ty cổ phần Licogi 16 và Công ty cổ phần Bê tông Hà Thanh góp vốn vào doanh nghiệp dự án Công ty cổ phần BOT Bắc Giang- Lạng Sơn- Hữu Nghị để thực hiện dự án.

Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án thành phần 2 cũng gặp nhiều khó khăn. Để tăng tính khả thi cho dự án, Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị và nhà đầu tư Công ty Đèo Cả đã làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và tỉnh Lạng Sơn để từng bước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Tuy nhiên, ngày 10/3/2021 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng của tỉnh Lạng Sơn (ông Trịnh Tuấn Đông - Giám đốc Ban) lại có báo cáo số 251/BC-BQLDA tham mưu cho tỉnh trong đó đề nghị phương án tách phần vốn ngân sách nhà nước để đầu tư độc lập một đoạn tuyến đầu tư công do tỉnh chủ trì, phần còn lại để cho nhà đầu tư đầu tư theo hình thức BOT và chỉ được thu phí trên đoạn tuyến đó, dẫn đến thời gian thu phí lên đến gần 40 năm.

Theo Công ty Đèo Cả, đề xuất này không phù hợp. Việc Ban Quản lý dự án của tỉnh Lạng Sơn đẩy hết tất cả rủi ro, trách nhiệm và khó khăn cho nhà đầu tư tự giải quyết các tồn tại trước đây với ngân hàng, nay lại tiếp tục gây khó khăn khi mà nguồn vốn chủ sở hữu hơn 400 tỷ đồng đã góp vốn từ hơn 3 năm nay đã được chi trả cho giải phóng mặt bằng, tư vấn thiết kế, thi công, nhưng không đem lại hiệu quả do dự án bị đình trệ kéo dài.

Từ đó, Công ty Đèo Cả kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn xem xét việc Ban Quản lý dự án tỉnh đưa ra đề xuất đối với phương án tách phần nguồn vốn ngân sách để đầu tư độc lập 1 đoạn tuyến đầu tư công do tỉnh chủ trì, phần còn lại để nhà đầu tư đầu tư theo hình thức BOT… theo báo cáo số 251/BC-BQLDA ngày 10/3/2021 của Ban Quản lý dự án tỉnh do ông Trịnh Tuấn Đông ký.

“Nếu để Ban Quản lý dự án tiếp tục làm đầu mối giải quyết các tồn tại nêu trên sẽ thiếu khách quan và không minh bạch, Công ty Đèo Cả sẽ dừng việc tham gia đầu tư dự án và báo cáo kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ xem xét, giải quyết” - văn bản của Công ty Đèo Cả nêu rõ, đồng thời kiến nghị UBND tỉnh Lạng Sơn công bố lý do dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng bị chậm trễ, thời gian và các biện pháp triển khai hoàn thành dự án cho nhân dân được biết để theo dõi giám sát công khai.

Tìm hiểu của phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, sau khi xem xét kiến nghị của Công ty Đèo Cả, ông Hồ Tiến Thiệu - Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra, xem xét các nội dung đề nghị của công ty, báo cáo đề xuất với UBND tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự án cao tốc kêu khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO