Dự án đắp chiếu, 70 nghìn dân 'khát' nước sạch

Đình Minh 05/04/2022 06:57

4 năm trôi qua, Dự án Nhà máy nước sạch Thăng Thọ (Thanh Hóa) có tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ vẫn đang dang dở. Thay vì đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành sớm thì chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư phát triển và Xây dựng môi trường Việt Nam lại liên tục xin điều chỉnh, rồi cam kết, gia hạn nhưng chỉ là lời hứa suông.

Dự án hệ thống cấp nước có tổng vốn đầu tư 455 tỷ đồng đang “án binh bất động”

Cam kết rồi liên tục thất hứa

Theo tìm hiểu, dự án hệ thống cấp nước huyện Nông Cống (Nhà máy nước sạch Thăng Thọ) được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư ngày 2/1/2018, do Công ty CP Đầu tư phát triển và Xây dựng môi trường Việt Nam (DN XDMT) làm chủ đầu tư. Nhà máy có quy mô 1,2 ha, công suất thiết kế 15.000 m3 ngày/đêm, cung cấp nước sạch cho 14 xã thuộc huyện Nông Cống. Tổng vốn đầu tư khoảng 388,6 tỷ đồng. Dự kiến khởi công xây dựng vào quý I/2019, đưa vào hoạt động quý IV/2019.

Đến ngày 5/4/2018, dự án điều chỉnh phạm vi cấp nước xuống còn 10 xã. Hơn 1 tháng sau, dự án lại tăng lên 19 xã, gồm 13 xã thuộc huyện Nông Cống, 3 xã thuộc huyện Như Thanh, 3 xã thuộc thị xã Nghi Sơn. Hơn 2 tháng sau, dự án tăng vốn đầu tư lên khoảng 410 tỷ đồng, tăng quy mô lên 3,5ha, tăng công suất lên 30.000m3 ngày/đêm. Rồi đến cuối năm 2018, công suất thiết kế lại giảm, còn 29.000m3. Tại biên bản làm việc ngày 23/10/2020 giữa UBND huyện Nông Cống và đại diện DN XDMT, phía DN đã cam kết dự án sẽ được thực hiện từ tháng 11/2020, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2021, tuy nhiên, điều này không xảy ra.

Ngày 21/1/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định 277 tăng tổng vốn đầu tư dự án lên 455 tỷ đồng, đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư đến tháng 9/2021 phải hoàn thành và đưa vào sử dụng nhà máy. Tại buổi làm việc ngày 10/3/2021 giữa DN và UBND huyện Nông Cống, DN tiếp tục cam kết hoàn thành dự án trong tháng 9/2021. Tuy nhiên, một lần nữa, đơn vị này lại thất hứa.

Ghi nhận thực tế thời điểm đầu tháng 4/2022, dự án này mới chỉ hoàn thành san lấp mặt bằng, đào vài bể chứa nước, đang xây dựng nhà điều hành…, còn các hạng mục quan trọng khác, hầu như chưa thực hiện.

Trong khuôn viên dự án, các vật liệu xây dựng như sắt, thép, gạch… vứt ngổn ngang, hoen rỉ sau thời gian dài dầm mưa dãi nắng. Bên trong khu nhà điều hành, phần nền nhà bị nứt, lún sâu tới gần 30cm.

Theo quan sát của PV, gạch xây dựng tại công trình này có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng khi nhiều viên bị nứt, méo, lồi lõm. Về phần các bể chứa, mặc dù mực nước sâu từ 2-3m nhưng không có bất kỳ biển cảnh báo nguy hiểm nào. Nhiều người dân sống gần dự án cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, không có bất kỳ hoạt động xây dựng nào diễn ra tại đây.

Nguồn nước giếng khơi tại nhiều xã phía Tây Nam của huyện Nông Cống bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nặng.

Khốn khổ vì dùng nước nhiễm phèn, mặn

Theo thống kê sơ bộ, có khoảng hơn 70.000 dân tại 13 xã phía Tây Nam thuộc huyện Nông Cống đang gặp tình trạng thiếu nước sạch. Đặc biệt, tại các xã Yên Mỹ, Công Chính, Công Liêm, Thăng Bình, Tượng Văn... thuộc vùng triều nhiễm mặn, rất khó khăn về nước sạch mùa nắng hạn. Để có nước sạch sử dụng, người dân phải đi mua với giá từ 80.000 - 100.000đ/m3. Với hộ ít người thì mỗi tháng trung bình chỉ sử dụng từ 2 - 5m3, giá dao động vài trăm nghìn đồng. Còn với hộ đông khẩu và vào thời kỳ nắng hạn, số nước sử dụng lên tới hàng chục khối, chi phí mất cả triệu đồng.

Ông Nguyễn Xuân Hùng - 60 tuổi, trú thôn Phú Thứ, xã Tượng Văn cho biết: Hiện tại, nguồn nước giếng đào của gia đình bị nhiễm phèn và nhiễm mặn nên không thể sử dụng để ăn uống. Mỗi tháng, gia đình ông phải tích trữ nước mưa và mua nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt.

Dẫn chúng tôi đi xem bể nước rỉ ra màu vàng sau nhà, ông Phan Trọng Cẩn (61 tuổi, trú thôn Phú Thứ) chia sẻ: Nguồn nước ngầm ở đây bị nhiễm mặn và phèn rất nặng, ống nước ông mới thay cách đây không lâu đã bị bào mòn, hoen rỉ đến đáng sợ.

Nói về dự án hệ thống cấp nước của huyện chậm tiến độ, ông Đồng Minh Quân - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết: Từ đầu năm 2022 đến nay, huyện đã 2 lần có văn bản mời đại diện doanh nghiệp làm việc về tiến độ của nhà máy nước sạch, tuy nhiên, cả 2 lần DN đều báo bận. “Phía DN XDMT vừa có văn bản gửi UBND huyện, họ cam kết sẽ triển khai thi công lại vào đầu tháng 4/2022. Trong văn bản, họ cho rằng trong năm 2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên không thể thi công được”- ông Quân nói.

Chúng tôi đặt câu hỏi, trước đó, DN cũng đã 2 lần cam kết thi công, thực hiện đúng tiến độ nhưng kết quả là không hoàn thành. Lần này, nếu DN tiếp tục dùng chiêu bài này để kéo dài thời gian thì huyện sẽ xử lý ra sao? Ông Quân cho biết: Khi DN XDMT 2 lần thất hứa, phía UBND huyện đã có văn bản báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh nhấn mạnh: Không nên cho phép gia hạn mà phải bắt buộc DN XDMT thi công, để đẩy nhanh tiến độ, tiến tới có nước sạch cho bà con sử dụng.

“Nếu họ còn tiếp tục xin gia hạn, rồi cam kết mà không thực hiện, chúng tôi sẽ kiên quyết báo cáo UBND tỉnh cho dừng triển khai dự án này”- ông Quân khẳng định.

Có khoảng hơn 70.000 dân tại 13 xã phía Tây Nam thuộc huyện Nông Cống đang gặp tình trạng thiếu nước sạch. Đặc biệt, tại các xã Yên Mỹ, Công Chính, Công Liêm, Thăng Bình, Tượng Văn … thuộc vùng triều nhiễm mặn, rất khó khăn về nước sạch mùa nắng hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự án đắp chiếu, 70 nghìn dân 'khát' nước sạch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO