Dự án hồ chứa nước bỏ rơi quyền lợi người dân

Nguyễn Tuấn Anh 28/11/2020 08:23

Dự án hồ chứa nước thôn 9, xã Hòa Trung, huyện Di Linh được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt đầu tư năm 2018 với tổng giá trị dự toán gần 40 tỷ đồng. Sau 2 năm triển khai, đến nay hơn 70% các hạng mục công trình đã hoàn thành. Tuy nhiên, hàng chục hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện dự án vẫn chưa được đền bù, di dời khiến cho đời sống gặp nhiều khó khăn.

Dự án hồ chứa nước đang xây dựng nhưng người dân chưa được đền bù, di dời.

Dân không được mời họp, đền bù mập mờ

Nhìn vườn cà phê trồng xen cây ăn quả gần 4 ha vàng héo và chết dần sau nhiều lần ngập lụt, chị Bùi Thị Duyên ở thôn 8 xã Hòa Bắc, huyện Di Linh không khỏi xót xa khi nguồn thu nhập chính của gia đình chuẩn bị nằm sâu dưới lòng hồ chứa nước thôn 9, xã Hòa Trung.

Chị Duyên chia sẻ, gia đình rất ủng hộ việc xây hồ thủy lợi, tạo nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu sản xuất cho bà con. Tuy nhiên, đến nay dự án đã sắp hoàn thành nhưng gia đình vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ đền bù từ chủ đầu tư.

Tương tự, toàn bộ gia sản của ông Khổng Văn Khiên, ở thôn 2, xã Hòa Trung gây dựng gần 30 năm nay sắp ngập trong hồ thủy lợi. Thế nhưng chưa một lần, ông Khiên được chủ đầu tư và chính quyền địa phương thông báo mời họp.

Ông Khiên bức xúc: “Trước khi làm không báo dân đi họp. 80% người dân không biết người ta bàn cái gì, chỉ biết đến nhà tôi kiểm kê cây. Nhà tôi có nhiều diện tích ngập, đường điện, nhà cửa, trâu bò. Tôi vào đây gần 30 năm rồi mà họ không giải quyết cho tôi chạy trước thì mai mốt ngập tôi lấy cái gì tôi chạy, tiền đâu tôi chạy và đất trượt giá tôi lấy gì tôi mua”.

Có gần 1,3 ha đất bị thu hồi xây hồ thủy lợi nhưng gia đình ông Lê Thanh Trung, ở thôn 1, xã Hòa Trung cũng không biết vì sao đất bị thu hồi. Ông Trung chia sẻ: “Tôi không được đi họp nên không biết gì cả, chỉ có nghe nói trong này được đắp đập thấy sốt ruột quá chạy lên hỏi. Thì mấy ông nói là bây giờ giao cho xã, còn hỏi xã thì xã nói bên công trình, chả biết đường nào mà lần. Đến ngày nay thì đập đã xong rồi mà họp không được họp, không biết gì về đền bù...”

Ngoài nhiều hộ dân không được mời họp thông báo chủ trương đầu tư dự án hồ chứa nước thì một số hộ được nhận đền bù cũng không biết diện tích đất bị chủ đầu tư thu hồi bao nhiêu. Bà Bùi Thị Thim, thôn 1, xã Hòa Trung, huyện Di Linh bức xúc: “Gia đình có 3 thửa đất trong khu vực đập. Xã có mời tôi đến và đưa bản dự thảo và yêu cầu tôi ký vào rồi nộp lại. Thấy xã và chủ đầu tư làm việc không minh bạch tôi không ký. Trong các dự thảo họ không hề ghi ngày tháng năm cụ thể. Thấy nghi ngờ tôi về kiểm tra thì giá đền bù lúc đầu họ đưa ra là 481 triệu đồng. Tôi tiếp tục kiến nghị thì Trung tâm quỹ đất huyện lại mời tôi lên và đưa dự thảo và bảng kê tính đền bù lần hai với giá 515 triệu đồng. Thấy thắc mắc tôi lại lên huyện hỏi thì Trung tâm quỹ đất lại cộng thêm cho gia đình tôi vào bảng chiết tính thứ ba với giá là 527 triệu đồng. Tôi không hiểu họ làm ăn kiểu gì...”.

Trong khi rất nhiều người dân có quyền lợi khẳng định họ không hề được chính quyền địa phương hay chủ đầu tư dự án mời lên thông qua dự án, ông Bùi Văn Trọng- Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Trung lại khẳng định việc họp dân rất công bằng và dân chủ.

Còn ông Trần Ngọc Thiệu-Bí thư Đảng ủy xã Hòa Trung cho biết, chủ đầu tư làm việc với UBND xã chứ không mời Đảng ủy tham gia nên chỉ nắm sơ sơ không nắm kỹ công tác đền bù. Tuy nhiên ông cũng thắc mắc là việc đền bù không công bằng, có một số hộ ở đầu nguồn chưa bị ảnh hưởng gì thì lại được chủ đầu tư đền bù trước, còn những hộ ở ngay giữa lòng hồ bị ảnh hưởng trực tiếp thì lại không thấy đền bù. Trong khi đó phần lớn các hộ này bị lấy gần như hết đất sản xuất.

Chủ đầu tư làm ngược quy trình

Theo báo cáo của Trung tâm Khai thác công trình công cộng huyện Di Linh, trong 30 hộ bị dự án thu hồi diện tích, hiện có 16 hộ đã được chủ đầu tư thực hiện đền bù 10,5 tỷ đồng. Còn 14 hộ chủ yếu là các hộ có đất nằm trong lòng hồ ngập nước thì vẫn chưa thực hiện đền bù.

Ông Hoàng Trung Kiên-Giám đốc Trung tâm Khai thác công trình công cộng huyện Di Linh thừa nhận theo quy định khi triển khai thực hiện dự án thì chủ đầu tư phải thực hiện công tác họp dân, đền bù, giải phóng mặt bằng.

Ông Kiên lý giải:“Nếu với nguồn ngân sách bảo đảm được thì chúng tôi sẽ thực hiện đền bù một lần cho các hộ dân để giải phóng mặt bằng. Nhưng mà ở đây để đảm bảo tiến độ chung của dự án thì chúng tôi vừa song song việc đền bù cho người dân và tiến hành thi công tiến độ của dự án. Nói đến quy định Nhà nước khi chúng tôi làm dự án thì phải đền bù cho dân. Nhưng mà chúng tôi chưa thực hiện đến phần đó và diện tích đó chưa ngập nước và đang tiến hành thi công đập đầu mối. Khi nào thu hồi tiếp thì mới chặn dòng. Và công trình đang trong thời gian triển khai, thi công chưa xong, chưa kết thúc dự án. Chưa tiến hành chặn dòng thì chúng tôi chưa tiến hành thu hồi phần diện tích đó”.

Ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng cho biết: Theo quyết định phê duyệt dự án của UBND tỉnh Lâm Đồng phần chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng tạm tính là hơn 16,2 tỷ đồng. Đây là chi phí chủ đầu tư phải thanh toán hết cho các hộ dân được đền bù theo quy định của pháp luật.

Ông Trung chia sẻ: “Chi phí giải phóng mặt bằng là được phê duyệt riêng, Chủ đầu tư chỉ sử dụng chi phí đó vào công tác giải phòng mặt bằng. Nếu họ dùng dư thì phải trả lại cho ngân sách, chứ không được lấy nguồn giải phóng mặt bằng để thi công”.

Hiện Dự án hồ chứa nước thôn 9, xã Hòa Trung đã hoàn thành hơn 70% công trình. UBND tỉnh Lâm Đồng đã cấp hơn 25 tỷ đồng vốn ngân sách để thi công. Tuy nhiên hàng chục hộ dân nằm trong lòng hồ của dự án đến nay vẫn chưa một lần được thông báo dự họp. Việc làm trái quy định của chủ dự án đang khiến cho nhiều người dân bức xúc khi quyền lợi của họ bị bỏ rơi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự án hồ chứa nước bỏ rơi quyền lợi người dân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO