Dự án Khu neo đậu tránh trú bão Lạch Thơi (Nghệ An): Gần trăm tỷ đồng ‘chìm’ xuống biển

Điền Bắc 17/07/2020 08:45

Dự án Khu neo đậu tránh trú bão Lạch Thơi tại huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) mới đi vào hoạt động từ tháng 12/2017, nhưng đã bộc lộ nhiều bất cập, không phát huy được hiệu quả, luồng lạch bị bồi lắng, tàu thuyền thường xuyên bị mắc cạn... Tổng kinh phí đầu tư của dự án này lên tới gần 100 tỷ đồng đang có nguy cơ “tiền chìm xuống biển”.

Hạng mục biển báo phao tiêu hiện đã vô tác dụng.

Tàu vẫn mắc cạn dù lạch đã nạo vét

Trước thực trạng luồng lạch bị bồi lắng nhiều năm gây khó khăn cho tàu thuyền khi ra vào lưu trú tránh bão, tháng 10/2012, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 4036/QĐ-UBND phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng công trình Khu neo đậu tránh trú bão Lạch Thơi tại huyện Quỳnh Lưu.

Dự án do UBND huyện Quỳnh Lưu làm chủ đầu tư, có tổng giá trị lên đến hơn 115 tỷ đồng, sau đó hạ xuống còn 95,83 tỷ đồng gồm các hạng mục nạo vét; xây dựng biển báo tín hiệu; đê bao bãi thải và sửa chữa bến neo đậu tàu.

Theo quyết định phê duyệt nói trên, Dự án được xây dựng trên địa bàn các xã Sơn Hải, Quỳnh Thọ và Quỳnh Ngọc với tổng chiều dài nạo vét trên 4,3km (điểm đầu từ cửa lạch và điểm cuối là nhà thờ Song Ngọc); chiều rộng từ 15-45 m, đáy luồng sâu từ 3,5-4 m.

Dự án còn bao gồm hai tuyến kè dài gần 1.000 m để neo đậu tàu thuyền. Khi hoàn thành, Dự án được kỳ vọng sẽ là nơi neo đậu, tránh trú bão cho khoảng gần 300 tàu, thuyền đánh cá của ngư dân trong vùng có công suất lên tới 200CV. Ngày 10/01/2017, UBND tỉnh Nghệ An ký quyết định điều chỉnh, bổ sung một số hạng mục và gia hạn tiến độ đến tháng 12/2017.

Vậy nhưng, sau gần 5 năm triển khai, Dự án vẫn chưa thể hoàn thành, thậm chí khiến tàu, thuyền của ngư dân di chuyển khó khăn, mắc cạn. Được biết, quá trình nạo vét Lạch Thơi không thể tạo được dòng chảy như mong đợi. Tàu thuyền của ngư dân địa phương mỗi khi ra vào Lạch Thơi không nắm bắt được điểm lòng lạch, bị biến chuyển thường xuyên, dẫn tới mắc cạn.

“Tháng 12/2017, Dự án công bố hoàn thành, vậy nhưng tàu thuyền của chúng tôi ra vào lạch vẫn phải có thuyền nhỏ lai dắt, riêng cửa lạch đến năm 2018 bị bồi lấp hoàn toàn, hiệu quả Dự án là một con số không”, một chủ tàu bức xúc.

Lạch Thơi chỉ thông được 8 tháng

Như đã nói, Dự án nói trên hoàn thành đi vào hoạt động tháng 12/2017, thời điểm đó theo người dân là các chủ tàu thuyền, hệ thống phao tiêu rất rõ ràng, có đèn tín hiệu nhấp nháy, hướng dẫn tàu thuyền đi đúng lạch đã được nạo vét. Vậy nhưng, sự thuận tiện ấy tồn tại vỏn vẹn 8 tháng.

Sau đó, luồng Lạch Thơi (hơn 800 m tính từ cửa biển hướng vào đất liền) bị biến dạng hoàn toàn, nghĩa là luồng lạch đã bị bồi lấp. Đồng nghĩa với việc hiệu quả của Dự án nói trên, nhất là hạng mục nạo vét đã vô tác dụng.

“Họ thiết kế không tính được việc tác động của bão lũ đối với luồng lạch ở cửa biển. Do đó, chỉ sau 8 tháng đi vào hoạt động, Lạch Thơi lại quay lại như cũ, tàu thuyền ra vào phải thuê người lai dắt với giá từ 100-500 ngàn đồng/1 lần”, anh Th. - một chủ tàu chia sẻ

Thực tế tại Dự án này, chúng tôi ghi nhận những phản ánh của người dân là có cơ sở. Cụ thể, trong 4 hạng mục được phê duyệt, chỉ có 2 hạng mục là nạo vét và xây dựng hệ thống biển báo được triển khai, 2 hạng mục còn lại không có vốn để thực hiện. Trong 2 hạng mục nói trên, hạng mục nạo vét chiếm phần lớn số vốn của Dự án. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, gần 1km cửa lạch đã bị cát, bùn, đất bồi lắp. Thậm chí, trong quá trình nạo vét đáy lạch, bùn đất được nhà thầu móc lên và đổ ngay vào 2 bên bờ.

Riêng hạng mục xây dựng hệ thống biển báo được chủ đầu tư triển khai thành 2 hàng, mỗi bên 27 cái với tổng 54 phao báo hiệu. Tuy nhiên, hiện tại trên thực tế chỉ còn gần 10 phao báo hiệu, trong có có nhiều phao đã “mắc cạn”, hư hỏng và hết tác dụng.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khanh, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thọ cho biết: Do không hiệu quả trong khai thác, nên hiện nay số lượng tàu cá của xã đã giảm từ 15 xuống còn 10 chiếc với công suất khoảng 90CV.

Ông Khanh nói: “Riêng về tính hiệu quả của Dự án này, tôi thấy không thực tế, bởi thời gian đầu thì được, nhưng sau một thời gian, lạch bị khỏa lấp một cách nhanh chóng. Nạo vét một đường nhưng giờ nó lại hình thành đường khác. Giờ, tàu muốn vào phải lai dắt hoặc phải đợi thủy triều lên mới vào được”.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự án Khu neo đậu tránh trú bão Lạch Thơi (Nghệ An): Gần trăm tỷ đồng ‘chìm’ xuống biển

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO