Tỉnh nào cũng muốn đẩy nhanh tiến độ các dự án nhưng vẫn ách tắc. Vì sao?
Tiến độ giải ngân vốn ODA của nhiều địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn rất thấp; trong khi các nguồn ODA, vốn vay ưu đãi không còn nhiều.
Tắc ở khâu giải phóng mặt bằng
Giai đoạn 2016-2020, ĐBSCL tiếp nhận 100 dự án với tổng số vốn trên 39 nghìn tỷ đồng, trong đó chỉ riêng 5 tỉnh, thành trong vùng có 23 dự án ODA với số vốn vay là 641 triệu USD, chiếm gần 1/3 tổng nguồn vốn ODA cho toàn vùng. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2020, tiến độ giải ngân vốn ODA của 5 địa phương còn rất thấp.
Theo báo cáo của UBND TP Cần Thơ, năm 2020 nguồn vốn ODA đầu tư cho địa bàn 1.386 tỉ đồng bố trí cho 6 dự án gồm: Dự án Phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị; BV Ung bướu TP Cần Thơ quy mô 500 giường; Chuyển đổi nông nghiệp bền vững TP Cần Thơ; Kè bờ sông Cần Thơ - Ứng phó với biến đổi khí hậu; Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia của TP Cần Thơ giai đoạn 2018-2020 và Kè chống sạt lở, chống xâm nhập mặn, ứng phó biến đổi khí hậu khu vực rạch Cái Sơn.
Đến ngày 22/6, giá trị giải ngân các nguồn vốn nước ngoài là hơn 128 tỷ đồng, đạt 4,29% kế hoạch.
Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: Hầu hết các khó khăn của dự án sử dụng nguốn vốn ODA là kinh phí thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bị đội giá lên rất nhiều so với cơ sở trước đây. Các dự án liên quan việc giải phóng mặt bằng (GPMB) liên quan đến rất nhiều hộ dân dẫn tới việc giải quyết tái định cư, GPMB gặp nhiều khó khăn, có lúc không triển khai được…
Trong năm 2020 này tỉnh Vĩnh Long cũng có 7 dự án sử dụng vốn ODA do tỉnh làm cơ quan chủ quản, tổng nguồn vốn phân bổ cho các dự án trên 549,3 tỷ đồng. Trong đó 6 tháng đầu năm, giá trị thực hiện các dự án khoảng 20,55 tỷ đồng, đạt 5,5% kế hoạch, giá trị giải ngân mới chỉ đạt 15,55 tỷ đồng, đạt khoảng 4% kế hoạch.
Theo như giải trình của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long tiến độ thực hiện dự án chậm do thực hiện quy trình thủ tục giải phóng đền bù, tái định cư, ngoài ra có một số trường hợp các hộ dân chậm nhận tiền đền bù và giao mặt bằng.
Tuyến cao tốc từ TP HCM về đến Cần Thơ được kỳ vọng sẽ thông vào năm 2023. Thế nhưng, để hoàn thành được điều đó, vấn đề cần được giải quyết nhanh là tiến độ giải phóng mặt bằng của dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, toàn tuyến cao tốc nối từ TP HCM đến Cần Thơ sẽ được nối “thông” vào năm 2023. Trong đó, đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cơ bản hoàn thành vào năm 2022, trong khi cầu Mỹ Thuận 2 sẽ hoàn thành vào năm 2023…
Việc nối “thông” toàn tuyến cao tốc từ TP HCM đến Cần Thơ, từ lâu đã được các chuyên gia đánh giá sẽ là động lực giúp gia tăng thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, để nối “thông” được toàn tuyến này, thì vấn đề quan trọng cần giải quyết, là phải hoàn thành giải phóng mặt bằng đối với dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đoạn cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.
Để thực hiện dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cần phải di dời 1.319 hộ với tổng diện tích đất bị ảnh hưởng là 161,62 héc ta. Theo Tổng Công ty Cửu Long, việc thực hiện giải phóng bằng đối với dự án nêu trên đã chậm so với kế hoạch. Chẳng hạn, đoạn qua phường Tân Hòa, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long hiện đang chậm so với kế hoạch khoảng 20 đến 30 ngày.
Ông Nguyễn Văn Liệt, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long cho rằng, công tác giải phóng mặt bằng đối với dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ phải đến tháng 12/2020 mới có thể hoàn thành, không thể hoàn thành vào tháng 10/2020 như cam kết ban đầu.
Bạc Liêu cũng giống các địa phương khác khi tiến độ giải ngân của các dự án ODA chậm. Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu lý giải lý do khiến tiến độ giải ngân vốn chậm, do mức giá đền bù của các dự án ODA cao, trong khi các dự án đầu tư trong nước có mức giá đền bù thấp hơn.
Chuẩn bị sẵn mặt bằng hãy vay vốn ODA
Mới đây tại buổi làm việc với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết các địa phương đang gặp phải vướng mắc chung là GPMB chậm, nhưng đây là công việc của các địa phương.
Một số địa phương đề xuất dùng vốn ODA để thực hiện công tác GPMB, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh không đồng tình, đồng thời yêu cầu, không thể sử dụng vốn ODA cho việc GPMB. Đã có quy định cụ thể rõ ràng. Khi một dự án được triển khai thực hiện tại địa phương nào thì công tác GPMB là nhiệm vụ của chính địa phương đó. Đồng thời Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải huy động mọi nguồn lực để GPMB ưu tiên các dự án ODA.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị các tỉnh quyết liệt hơn nữa trong việc giải ngân nguồn vốn ODA trong năm 2020.
“Chúng ta cần rút ra kinh nghiêm khi xây dựng cần chuẩn bị sẵn mặt bằng, không để khi vay xong, ký kết xong mới bắt đầu triển khai GPMB. Từ đó làm cho nguồn vốn của chúng ta đắt hơn. Rất nhiều dự án bị kéo dài thời gian thực hiện cũng tức là tính hiệu quả của các dự án kém đi do ta trả lãi suất dự án cao hơn” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.