Dự án treo và nông dân mất đất

Thành Luân 29/11/2019 08:00

Ngành nông nghiệp của TP HCM - đô thị lớn nhất nước đang ngày càng suy giảm trong đóng góp GDP (chỉ đạt 0,5 – 0,6%). Nông dân thiếu đất sản xuất nhưng nhiều dự án dù đã thu hồi đất của nông dân mà chưa triển khai hoặc quy hoạch treo khiến đất bị bỏ hoang và gây lãng phí lớn.

Dự án treo và nông dân mất đất

Dù thiếu đất sản xuất thì nông dân vẫn không thể làm gì được khi đất đã bị thu hồi cho các dự án “quy hoạch treo”.

Các kiến nghị, gửi gắm của nông dân đến lãnh đạo TP HCM mới đây là hồi chuông cảnh báo từ lâu nay, thế nhưng các bất cập cứ mãi tiếp diễn. Chính Chủ tịch Hội Nông dân TP HCM Nguyễn Thị Bạch Mai cũng thừa nhận, sự chồng chéo giữa Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Đất đai đã hạn chế các quyền hợp pháp, chính đáng của nông dân. Trong khi đó, dù thiếu đất sản xuất thì nông dân vẫn không thể làm gì được khi đất đã bị thu hồi cho các dự án “quy hoạch treo”.

Một khó khăn khác cũng được phản ánh cấp thiết là nông dân tại các huyện vùng ven của TP HCM hiện không thể xây dựng công trình trên đất nông nghiệp dẫn đến không xin được chứng nhận VietGAP. Đơn cử như nhiều nông dân quận Thủ Đức phàn nàn việc phần đất của mình thuộc quy hoạch Dự án Tam Bình 3 (Q.Thủ Đức) từ năm 2003 và các hộ sản xuất ở đây đang trong tình trạng không được cấp phép xây dựng nhà lồng, nhà kính, nhà lưới, nhà kho, nhà trông vườn để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Còn tại huyện Cần Giờ, một huyện thành công bởi các mô hình hợp tác xã (HTX), thế nhưng nông dân cũng phản ánh nhiều dự án treo, đã thu hồi đất của nông dân nhưng chỉ rục rịch xây dựng từ nhiều năm mà không triển khai khiến người dân không có đất sản xuất. Bà con làm gì trên đất cũng không được, HTX vào làm thì chính chính quyền địa phương đến lập biên bản, khiến nông dân rất bức xúc. Chủ nhiệm một HTX ở huyện Bình Chánh còn cho biết, hơn 6,5 ha đất nông nghiệp ở địa phương này suốt thời gian dài vẫn chưa được cấp phép cho hoạt động HTX, trong khi chính quyền nhiều lần có quyết định cưỡng chế do chồng chéo về luật định.

Có những nơi như quận 12 có quy hoạch công viên cây xanh và nhiều khu chức năng khác nhưng bao nhiêu năm vẫn chẳng thấy thực hiện dự án. Trong khi đó rất nhiều hộ nông dân có đất sản xuất nhưng vướng vào quy hoạch này nên cũng chỉ biết ngậm ngùi nhìn mảnh đất hoang hóa và lãng phí. Một số hộ tận dụng để chăn nuôi bò, lợn tại khu đất thì bị cấm cản, có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng để khai thác quỹ đất nhưng cũng không được chấp thuận.

Tương tự, Hội Nông dân huyện Nhà Bè cầu cứu đến lãnh đạo thành phố khi có cơ hội được đối thoại, phản ánh tình trạng gần 250 hộ nông dân đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất khoảng hơn 200ha của huyện này đang vướng phải quy hoạch thành Khu Đô thị - Công nghiệp cảng Hiệp Phước nhưng lại “treo” hơn 10 năm qua. Ngay cả tổ chức Hội Nông dân, một cơ quan Hội nghề nghiệp được nắm nhanh nhất các chủ trương, chính sách của Nhà nước, nhưng cũng thừa nhận chưa biết lúc nào Nhà nước thu hồi đất của Dự án trên để thực hiện quy hoạch, khiến nông dân thấp thỏm vừa làm vừa lo. Có thể nói, sự chồng chéo giữa Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Đất đai đang làm cho người dân TP HCM chưa thực hiện được đầy đủ các quyền cơ bản của mình, nhất là tại các huyện ngoại thành Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh,…

Đất nằm trong dự án quy hoạch treo cũng khiến người nông dân TP HCM chịu sức ép từ nhiều phía, nhất là khổ sở khi vay vốn ngân hàng. Chủ nhiệm HTX Thuận Yến, huyện Cần Giờ phản ánh, nhiều năm trước Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) Chi nhánh huyện Cần Giờ có tạo điều kiện cho bà con vay trong thời hạn 12 tháng, nhưng nay cần đáo hạn khoản vay thì lại bị o ép, ngân hàng định giá tài sản thế chấp (đất nông nghiệp) quá thấp khiến nhiều hộ nông dân lao đao. Rốt cuộc, không chỉ thiếu vốn đầu tư sản xuất, nông dân còn phải tiếp tục “trông trời trông đất trông mưa”, với các rủi ro về thu hồi đất sản xuất bất cứ lúc nào, dù dự án “treo” và không có cơ quan nào nhận trách nhiệm.

Nông nghiệp TP HCM hiện đóng góp khoảng 0,5 – 0,6% GDP của toàn thành phố. Trên thực tế, quỹ đất dành cho nông nghiệp của thành phố tuy rất lớn trên giấy tờ báo cáo nhưng hiệu quả sử dụng là rất thấp. Dù đã thu hồi đất của nông dân nhưng dự án lại quy hoạch treo, khiến đất thực tế dành cho sản xuất nông nghiệp bị bỏ hoang, lãng phí đang gây bức xúc rất lớn đối với những người làm công tác quản lý nông nghiệp và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của hàng ngàn nông dân TP HCM hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự án treo và nông dân mất đất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO