Dự báo bức tranh kinh tế toàn cầu 2021

Phan Quang Vũ 02/02/2021 19:00

Năm 2020 đi qua trong sự tuyệt vọng của nhiều nền kinh tế. Rất ít quốc gia có được tăng trưởng dương. Còn thì đa số là “đi ngang”, tụt dốc và rơi vào khủng hoảng.

Kinh tế thế giới năm 2021 sẽ phục hồi không đồng đều.

Thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, xung đột, bạo động ở nhiều nơi đã biến 2020 trở thành một năm không thể nào quên. Đặc biệt, cú sốc Covid-19 khiến nền kinh tế toàn cầu chao đảo, cuộc sống bị đảo lộn. Vậy, năm 2021 này, kinh tế thế giới sẽ ra sao khi mà hy vọng kiểm soát được Covid-19 đã le lói?

Cũng cần nhắc lại, vào đầu năm 2020, khi Covid-19 bắt đầu xuất hiện, không chỉ các chính trị gia mà cả các nhà kinh tế tài ba cũng đã không lường trước được tình hình. Vào thời điểm trước tháng 3/2020, giới chuyên gia kinh tế vẫn lạc quan khi đưa ra dự báo về kinh tế toàn cầu khi mà họ cho rằng chuỗi thịnh vượng sẽ kéo dài, các quốc gia đều cải thiện điều kiện sống…

Nhưng rồi quý 1 của năm 2020 qua đi, những con số khủng khiếp xuất hiện cho thấy sự lao dốc không cưỡng được của các nền kinh tế hàng đầu thế giới. Đại dịch Covid-19 bùng phát dữ dội vượt khỏi biên giới Trung Quốc mà tung hoành ở Mỹ, châu Âu.. đã là giáng mạnh có sức tàn phá ghê gớm vào nền kinh tế thế giới. Lúc đó, các chuyên gia kinh tế lỗi lạc đành phải chua chát nhận ra rằng Covid-19 thực sự là “sát thủ vô hình” đẩy nền kinh tế toàn cầu sa lầy vào đợt suy thoái tồi tệ nhất kể từ khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc (năm 1945), hàng ngàn tỉ USD “bốc hơi”, hơn 3 tỉ người trong tổng số chừng 7 tỉ người bị ảnh hưởng, theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).

1. Khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra đã dẫn đến sự suy giảm nhu cầu, khi không có nhiều người tiêu dùng mua hàng hóa và sử dụng dịch vụ. Mà rõ nhất là vận tải và du lịch. Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) gọi 2020 là năm tồi tệ nhất của ngành hàng không thế giới khi lưu lượng hành khách đi lại cả năm giảm hơn 70% so với năm 2019, cùng đó là số doanh thu giảm tương ứng. Theo tính toán của IATA, ngành hàng không năm 2020 sẽ chịu mức lỗ ròng lên tới hơn 118 tỷ USD, tệ hơn nhiều so với dự báo lỗ trên 84 tỷ USD đưa ra hồi tháng 6/2020.

Cụm từ “đại suy thoái” đã xuất hiện kể từ tháng 7/2020. Tuy nhiên, vào thời điểm “bàn giao” 2020-2021, người ta cho rằng đã “le lói” hy vọng khi mà vaccine ngừa Covid-19 được đưa vào tiêm chủng ở nhiều quốc gia, nhất là ở Mỹ và châu Âu.

Nhiều định chế tài chính ước tính, nếu năm 2020 có khoảng từ 12.000 tỉ USD cho tới 82.000 tỉ USD “bốc hơi” thì năm 2021 sẽ khắc phục được điều đó khi nhân loại bước vào thời “hậu Covid”. Dự đoán tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2021 này được cho là sẽ ở mức 3,7%.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế độc lập lại cho rằng, đó cũng chỉ là “con số hy vọng” vì rằng rất khó có thể nói rằng Covid-19 đã thực sự được kiểm soát. Nó là kẻ thù khó lường nhất trong lịch sử hiện đại mà con người từng biết. Thêm vào đó, sự suy sụp của nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ thì cũng không nhiều chỉ dấu hồi phục mạnh trong vòng 1 năm, cho dù Covid-19 hoàn toàn được kiểm soát đi chăng nữa.

Các nền kinh tế như Trung Quốc (thứ hai thế giới), Nhật Bản (thứ ba), Đức (thứ tư) tuy rằng đã có dấu hiệu hồi phục nhưng như người ta nói “khi gã khổng lồ ngã bệnh thì gượng đứng lên được là hết sức khó khăn”.

Trong tình thế đó, nhiều định chế tài chính quốc tế cho rằng kinh tế toàn cầu nói chung, khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói riêng đã xuất hiện những điểm sáng tích cực. Tại Australia, doanh số bán hàng trực tuyến của nước này trong tháng 12/2020 đã tăng 55,6% so với cùng kỳ năm 2019 và tăng cao hơn 17% so với tháng 11/2020, đạt mức tăng cao nhất từ trước tới nay. Còn tại New Zealand, kinh tế trong quý 4/2020 đã đạt tăng trưởng kỷ lục 14% so với quý 3. Cho đến hết năm 2020, GDP của New Zealand đã thoát khỏi vũng lầy âm, mà đã tăng trưởng dương 0,4% (so với năm 2019).

Tín hiệu phục hồi xuất hiện rõ nét hơn tại một số nền kinh tế Ðông Nam Á. Tại Singapore, thị trường lao động đã khả quan hơn khi số việc làm của công dân Singapore và người nước ngoài có tư cách lưu trú dài hạn đã tăng 43,2 nghìn lên 2,34 triệu việc làm; chỉ thấp hơn 0,4% so với 2,35 triệu việc làm của cùng kỳ năm 2019. Các nền kinh tế Indonesia, Việt Nam, Thái Lan cũng cho thấy tín hiệu khả quan khi đã thoát khỏi mức “chạm đáy”.

Tại một số nước phát triển như Anh, Mỹ, bức tranh kinh tế cũng đã bớt u ám. Kinh tế Anh dự báo sẽ chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ kể từ quý 2/2021, khi các biện pháp hạn chế để phòng dịch được nới lỏng và nhu cầu tiêu dùng phục hồi. Với Mỹ, sau khi Chính phủ triển khai chương trình tiêm vaccine phòng Covid-19, Cục Dự trữ liên bang (FED) đánh giá, kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm 2021 và 3,2% trong năm 2022. Tỷ lệ thất nghiệp cũng được điều chỉnh giảm xuống 5% vào năm 2021 và 4,2% trong năm 2022. Đặc biệt, việc Quốc hội Mỹ thông qua gói cứu trợ trị giá 900 tỷ USD dành cho doanh nghiệp và người thất nghiệp được coi là “liều thuốc tăng lực” để đưa nền kinh tế Mỹ trở về quỹ đạo tăng trưởng trong năm 2021.

Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) vào thời điểm cuối tháng 12/2020 cũng cho rằng nền kinh tế toàn cầu có thể trở lại mức trước đại dịch Covid-19 vào cuối năm 2021. Trong khi đó, nghiên cứu của Oxford Economics cho rằng các khu vực khác như Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh triển vọng hồi phục kém.

Dự báo giá dầu mỏ vẫn không tăng trong năm 2021 do nhu cầu đi lại vẫn giảm và các phương tiện giao thông xanh sẽ nhiều hơn.

2. “Phục hồi không đều” đó là nhận định chung của giới phân tích tài chính khi nói về kinh tế thế giới năm 2021. Người ta cũng cho rằng “dòng thủy triều” sẽ đổ về các thị trường mới nổi.

Tờ The Business Times (Singapore) số ra ngày 23/12 đưa ra nhận xét, các tình huống chưa từng có của cuộc suy thoái kinh tế do Covid-19 gây ra đã làm cho những người tham gia thị trường trở nên tỉnh táo hơn trong việc xem xét định giá thị trường hiện tại để hướng tới triển vọng phía trước. Hy vọng về vaccine ngừa Covid-19 đã đưa đến các biện pháp kích thích tài chính từ đó dẫn tới tăng trưởng. Đặc biệt, nó kích hoạt tâm lý chấp nhận rủi ro trong các nhà đầu tư bán lẻ.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, tốc độ phục hồi kinh tế và thu nhập giữa các khu vực sẽ khác nhau đáng kể. Mặc dù dịch bệnh được kiểm soát tốt ở các khu vực chính của châu Á, nhưng các khu vực như Mỹ, châu Âu và Mỹ Latinh thì không được như vậy. Việc mở cửa trở lại nền kinh tế vẫn là thách thức đối với nhiều quốc gia, xuất phát từ sự khác biệt trong khả năng kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

“Các nền kinh tế châu Á dự kiến sẽ khởi động năm 2021 trên một nền tảng vững chắc, trong khi các điều kiện tăng trưởng tồi tệ hơn sẽ làm chậm quá trình phục hồi của các quốc gia phát triển phương Tây”- nhận xét của The Business Times .

Đáng chú ý, theo giới phân tích, sự phục hồi vững chắc của nền kinh tế Trung Quốc (tính từ nửa cuối năm 2020) được cho là nhân tố rất quan trọng, tác động tới kinh tế toàn cầu. Một số chuyên gia cho rằng, nếu Trung Quốc giữ được đà tăng trưởng trong khi kiểm soát tốt dịch bệnh thì đến năm 2027 sẽ vươn lên vị trí nền kinh tế lớn nhất thế giới, thay chỗ của Mỹ đã thống trị từ nhiều thập niên. Nếu như thế thì Mỹ sẽ rơi xuống thành nền kinh tế lớn thứ hai; Nhật Bản vẫn giữ vị trí thứ ba; Ấn Độ thay vào Đức để trở thành nền kinh tế lớn thứ tư, còn Đức rơi xuống thứ năm.

Các nhà phân tích tin rằng trong năm 2021, tổng hợp của các chất xúc tác tích cực sẽ hỗ trợ cho các nền kinh tế mới nổi. Sự kết hợp của sự phục hồi theo chu kỳ năm 2021; đồng USD yếu; chu kỳ tăng hàng hóa có thể có của sự mở rộng toàn cầu; và sự phục hồi mạnh mẽ về thu nhập là những động lực không thể bỏ qua. Hơn nữa, một chính sách ổn định hơn và thân thiện với thương mại hơn của Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Mỹ đắc cử Joe Biden sẽ hỗ trợ thêm cho tăng trưởng của các thị trường mới nổi.

“Dòng thủy triều” đang hướng sang các thị trường mới nổi và năm 2021 sẽ là năm bùng nổ của những quốc gia này - nhận định của nhóm kinh tế gia của IMF.

3. Khi năm 2020 kết thúc, IMF đưa ra nhận định: Kinh tế thế giới tăng trưởng 5,2% vào năm 2021.

Đây là nhận định được cho là tươi sáng nhất trong khi đa số các nhận định khác cho rằng năm 2021 kinh tế thế giới sẽ tăng ở mức 3,7%.

Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của Quỹ tiền tệ quốc tế (IFM) cho rằng, kinh tế thế giới đang phục hồi sau khi chạm đáy xuyên suốt các cuộc đại phong tỏa kể từ tháng 4/2020. Cho dù dịch Covid-19 còn tiếp diễn, quá trình mở cửa tại nhiều quốc gia đã chậm lại và một số nước phải thực hiện phong tỏa từng phần để bảo vệ nhóm dân cư dễ tổn thương, thì kinh tế toàn cầu vẫn sẽ buộc phải vượt qua trở ngại để quay lại mức như trước đại dịch.

Báo cáo này cũng cho rằng năm 2020 tăng trưởng toàn cầu giảm 4,4%, mức độ giảm sút này ít nghiêm trọng hơn so với dự báo 4,9% được đưa ra vào thời điểm tháng 6. Đáng chú ý, Báo cáo cho rằng nhờ vào sự hồi phục mạnh mẽ của quý 3 và 4/2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 sẽ được củng cố hơn. Tuy nhiên, quá trình phục hồi dường như phụ thuộc các biện pháp giãn cách xã hội cho tới khi các rủi ro sức khỏe được giải quyết và các quốc gia có thể phải sẽ thắt chặt các biện pháp ngăn chặn tùy theo sự lây lan của virus.

Báo cáo của IMF cũng cho rằng nhóm các nền kinh tế thị trường mới nổi và đang phát triển được dự báo tăng trưởng -3,3% năm 2020 nhưng sẽ đạt mức 6% vào năm 2021. Trung Quốc là nước có triển vọng tăng trưởng mạnh nhất so với đa số các quốc gia trong nhóm này với mức tăng dự báo là 1,9% (năm 2020) và 8,2% (năm 2021).

Báo cáo cũng nhận định, dịch bệnh có thể đảo ngược các tiến bộ đạt được kể từ những năm 1990 trong việc giảm nghèo đói và sẽ làm gia tăng bất bình đẳng. Gần 90 triệu người có thể rơi vào tình trạng cực kỳ nghèo đói với mức thu nhập ít hơn 1,90 USD/ngày trong năm 2021. Ngoài ra, việc đóng cửa trường học trong giai đoạn dịch bệnh gây ra một thách thức mới đáng kể có thể tác động nghiêm trọng đến nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, các điều chỉnh giảm tiềm năng tăng trưởng cũng đồng nghĩa với việc nguồn thu trong trung hạn giảm so với dự kiến ​​trước đó, làm gia tăng khó khăn trong việc thanh toán các nghĩa vụ nợ. Do đó, triển vọng tăng trưởng trung hạn thấp đi kèm với sự dự báo gia tăng ​đáng kể nợ công.

Các dự báo của IMF được xây dựng trên giả định sự giãn cách xã hội sẽ tiếp tục vào năm 2021 nhưng sau đó được nới lỏng dần cùng với những tiến bộ về các liệu pháp điều trị và việc tiếp cận với vaccine. Mức độ lây lan dịch bệnh cũng được giả định sẽ được kiềm chế ở mức thấp vào cuối năm 2022. Các dự báo trong trung hạn cũng giả định suy thoái sẽ để lại những tổn thương trong các nền kinh tế và đòi hỏi những thay đổi về cấu trúc, tác động đến tiềm năng tăng trưởng.

Dù các mức dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2021 có khác nhau, con số chênh lệch là khá lớn nhưng hầu hết các ý kiến đều cho rằng năm 2021 là năm “thiên hạ” phải làm lành những vết thương tài chính. “Vết thương rồi cũng sẽ lên da non nhưng nó sẽ ở lại gương mặt suốt đời. Kể cả đến đời con cháu chúng ta thì chúng vẫn nhớ về vết thương ấy như một kỉ niệm buồn” - Logan’s Strulafott, kinh tế gia độc lập, người vẫn thường tự hào về nguồn gốc “đa chủng tộc” của mình, nhận xét.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự báo bức tranh kinh tế toàn cầu 2021

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO