Du khách Trung Quốc làm 'nóng' thị trường châu Á

Hà Anh 07/01/2023 07:00

Các quốc gia châu Á đang chuẩn bị đón một lượng lớn khách du lịch Trung Quốc khi các hạn chế về Covid-19 được dỡ bỏ.

Lượng khách du lịch từ Trung Quốc dự kiến sẽ làm “bùng nổ” thị trường châu Á. Ảnh: Reuters.

Chờ đón lượng khách khổng lồ

Chính phủ Trung Quốc vừa công bố những điều chỉnh trong chính sách phòng dịch của nước này. Theo đó, khách du lịch Trung Quốc sẽ không phải cách ly khi trở về nhà bắt đầu từ ngày 8/1, động thái này đã thúc đẩy lượng đặt phòng tăng vọt từ thị trường du lịch nước ngoài lớn nhất thế giới của năm 2019.

Trong đại dịch Covid -19, khoản chi tiêu toàn cầu 255 tỷ USD một năm của khách du lịch Trung Quốc gần như bị đình trệ, để lại một lỗ hổng lớn trên thị trường châu Á, nơi các quốc gia từ Thái Lan đến Nhật Bản đều có rất đông du khách đến từ Trung Quốc.

Dữ liệu của VariFlight cho thấy, các chuyến bay quốc tế đến và đi từ Trung Quốc chỉ bằng 8% so với mức trước đại dịch, nhưng các hãng hàng không đang tìm cách tăng cường công suất khi các nhà chức trách giảm bớt giới hạn do Covid-19 gây ra đối với số lượng chuyến bay.

Malaysia Airlines cho biết, họ hy vọng sẽ khôi phục các chuyến bay Trung Quốc về mức trước đại dịch vào tháng 6/2023, trong khi các hãng khác như Singapore Airlines và Qantas Airways của Australia từ chối cung cấp các mục tiêu chi tiết khi tình hình phát triển.

Nhà phân tích Cheng Weng của Morningstar lưu ý rằng, các hãng hàng không Trung Quốc có thể sẽ tăng đáng kể công suất từ cuối tháng 3, trùng với thời điểm bắt đầu mùa lập lịch bay mùa hè.

Viễn cảnh những người Trung Quốc rủng rỉnh tiền mặt đổ xô đến các con phố mua sắm trên khắp thế giới đã thúc đẩy cổ phiếu hàng xa xỉ trong tuần này, vì Trung Quốc chiếm 21% trong thị trường hàng xa xỉ trị giá 350 tỷ Euro (371,91 tỷ USD) của thế giới. Một số doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ nghỉ Tết Nguyên đán - thường là giai đoạn du lịch cao điểm của khách du lịch Trung Quốc - bắt đầu vào ngày 21/1.

Ông Cavaliere Giovanni Viterale - Tổng Giám đốc khách sạn Raffles Sentosa, cho biết, Sofitel Sentosa ở Singapore đang tạo ra các gói dịch vụ Tết nhắm đến du khách Trung Quốc, bao gồm tiệc lẩu Buffet và các gói lãng mạn dành cho các cặp đôi.

Tại Nhật Bản, công ty xe buýt du lịch Hato Bus đã lên kế hoạch nối lại các chuyến du lịch sử dụng tiếng Trung Quốc đã bị tạm dừng trong đại dịch, với mục đích nối lại hoàn toàn vào mùa xuân.

Trong khi đó, Australia, Đức, Thái Lan và các nước khác sẽ không áp đặt các quy tắc bổ sung đối với việc đi lại của người Trung Quốc vào lúc này. Pháp sử dụng mạng xã hội Sina Weibo để nhấn mạnh rằng, họ chào đón những người bạn Trung Quốc "với vòng tay rộng mở".

Chưa tỏ ra lạc quan, ông James Shen, Tổng Giám đốc của Công ty du lịch Odyssey Travel có trụ sở tại Melbourne, Australia cho biết, bất kỳ hy vọng nào về sự phục hồi mạnh mẽ của du khách Trung Quốc đến Australia trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán là còn qúa sớm, thay vào đó sự bùng nổ này sẽ diễn ra vào tháng 6 hoặc tháng 7/2023.

Nỗi lo thiếu máy bay

Khi hoạt động du lịch quay trở lại và Trung Quốc bắt đầu dỡ bỏ những biện pháp hạn chế Covid-19 cuối cùng, một sự thật phũ phàng bắt đầu lộ ra – thế giới đang thiếu máy bay một cách nghiêm trọng.

Các hãng hàng không từ United Airlines đến Air India đang tìm cách đặt các đơn đặt hàng máy bay lên tới con số hàng trăm, các nhà sản xuất máy bay lớn như Boeing và Airbus cũng đang tập trung vào các giao dịch bom tấn khác nhau. Nhưng những hạn chế về chuỗi cung ứng có nghĩa là những chiếc máy bay đó sẽ chỉ được giao trong nhiều năm nữa. Ngân hàng đầu tư Jefferies ước tính, hiện có 12.720 đơn đặt hàng máy bay đang tồn đọng.

Tất cả cho thấy, giá vé máy bay cao vẫn là băn khoăn của du khách. Ông Ajay Awtaney - người sáng lập trang web khách hàng thường xuyên của LiveFromALounge.com - cho biết: “Mọi người đã quen với vé máy bay giá rẻ trong thời kỳ đại dịch và việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ khiến tình hình trở nên rối hơn bởi không chỉ là sự thiếu hụt máy bay mà còn các yếu tố khác như giá dầu”.

Ông Awtaney cho biết: “Mặc dù các hãng hàng không lớn có khả năng tài chính để giảm giá, nhưng điều đó có thể sẽ khiến các hãng khác gặp khó khăn, dẫn đến giá vé thậm chí còn cao hơn trong thời gian dài”.

Boeing và Airbus, những gã khổng lồ sản xuất máy bay phần lớn được hưởng độc quyền cung cấp máy bay phản lực chở khách, đã bán hết các mẫu máy bay của họ cho đến năm 2029. Đầu tháng 12/2022, Airbus đã bỏ mục tiêu giao 700 máy bay phản lực trong năm, với lý do các vấn đề về chuỗi cung ứng. Trước đó, hãng đã cảnh báo rằng, chi phí năng lượng tăng vọt sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các nhà sản xuất nhỏ hơn, sử dụng nhiều năng lượng.

Thêm vào đó, hàng nghìn máy bay mà các hãng hàng không đang cất giữ ở các sa mạc trên khắp thế giới trong thời kỳ Covid-19 cũng đang góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt. Hàng trăm chiếc đã không được đưa trở lại các đội bay, bởi vì chúng hiện cần được bảo dưỡng nghiêm ngặt sau một thời gian dài không sử dụng, hoặc bởi vì các hãng hàng không có kế hoạch loại bỏ dần.

Trước việc “hàng rào” phòng dịch được các nước ồ ạt triển khai, nhiều ý kiến cho rằng, dù tâm lý cẩn trọng là chính đáng, nhưng những biện pháp phòng vệ quá khắt khe có thể dẫn tới tác động tiêu cực. Để hạn chế rủi ro, các quốc gia cần triển khai giải pháp đón du khách Trung Quốc một cách hài hòa và hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du khách Trung Quốc làm 'nóng' thị trường châu Á

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO