Du lịch chuyển mình

V.Thắng 16/07/2016 09:00

Chiều 15/7, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chủ trì Hội nghị “Định hướng phát triển du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Việt Nam với nhiều lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử song phát triển du lịch vẫn kém các nước trong khu vực. Để du lịch Việt Nam chuyển mình, đang cần cuộc bứt phá mới.

Du lịch chuyển mình

Du lịch Việt Nam cần thêm nhiều nỗ lực để thu hút du khách.

Trộm cắp, chặt chém, ép khách… đang là lực cản

Nêu lên những bất cập hiện nay đang là những “rào cản” khiến ngành du lịch Việt Nam chưa cất cánh, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng, việc cấp thị thực cho khách du lịch tại các cửa khẩu còn hạn chế, thời gian lưu trú không quá 15 ngày, thời gian cấp thị thực còn chậm, chưa cấp thị thực bằng mạng điện tử. Hệ thống tiêu chuẩn dịch vụ còn chưa chuyên nghiệp khi lao động chủ yếu chưa qua đào tạo. Nhưng điểm được Bộ trưởng Thiện nhấn mạnh chính là việc quản lý còn bộc lộ nhiều bất cập như nạn trộm cắp tại nhà ga, bến tàu, vệ sinh an toàn thực phẩm, chèo kéo ép khách, nhà vệ sinh công cộng đang là nỗi lo ngại của khách nước ngoài đến khi đến Việt Nam, hệ thống giao thông đường sắt và biển chưa đáp ứng được nhu cầu, doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa gắn kết với du lịch.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, chúng ta đã xác định du lịch khai thác cảnh quan thiên nhiên, di sản văn hóa để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Chúng ta là nước có cơ hội lớn phát triển du lịch so với các nước khác khi có nhiều cảnh quan thiên nhiên nhưng lại chưa phát triển trong khi có chủ trương đã có. Cho nên chúng ta không né tránh nguyên nhân, yếu kém từ nội bộ và thể chế du lịch. Mục tiêu là trình Bộ Chính trị có Nghị quyết để định hướng phát triển du lịch trong 5 năm tới. Do đó các tỉnh cần nhìn thẳng vào thực trạng ta mới có được giải pháp thực sự đột phá mới có thể phát triển. “90% khách nước ngoài đến Việt Nam lần đầu chỉ có 6% quay lại lần thứ 2; khách trong nước 39% đến lần đầu thì chỉ 14% đến lần thứ 2. Liệu có trở thành mũi nhọn được không?”- Phó Thủ tướng nêu vấn đề.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ: “Nhiều lễ hội chi phí bỏ ra còn nhiều hơn thu về. Phải làm sao “lấy nó nuôi nó” chứ không phải chỉ tổ chức ra lễ hội. Đi du lịch nước ngoài thấy họ vét sạch túi tiền, không điểm vui chơi nào mà không có mua sắm bởi điểm đích cuối cùng của du lịch phải là mua sắm. Cho nên tất cả là do tư duy, tư duy của ta như vậy là không được. Trong khi giá vé tham quan rẻ làm thấp giá trị lịch sử, phải lấy thu bù chi chứ Nhà nước lấy đâu ra tiền mà đổ cho du lịch kiểu bao cấp như thế”.

Du lịch chuyển mình - 1

Du khách đến với dinh Thống Nhất (TP HCM). (Ảnh: Phạm Việt Thanh).

Phân chia trách nhiệm

Vậy làm sao để ngành du lịch Việt Nam thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn? Bộ trưởng Thiện cho rằng: “Đây là vấn đề khó cả trong nghiên cứu và các cơ quan quản lý”. Đề ra các giải pháp, Bộ trưởng Thiện nhấn mạnh, cần hướng tới chuyên nghiệp hiện đại, phát triển nội địa nội địa bền vững gắn chặt với bảo tồn các giá trị văn hóa, nâng cao hiệu quả chất lượng tăng cường năng lực, kiện toàn tổ chức bộ máy, nhưng quan trọng là quan tâm của nhà nước trong khi thời gian qua ta chưa đầu tư thỏa đáng. “Các nước khác họ quan tâm nhưng ta trong thời gian qua chưa đầu tư thoả đáng. Ví dụ ngay trong quảng bá xúc tiến du lịch các nước như: Thái Lan, Singapore họ đầu tư 80-90 triệu USD/ năm còn ta chỉ 2 triệu/ năm”- Bộ trưởng dẫn chứng.

Còn theo Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long, cần tăng cường công tác quản lý về du lịch. Trong đó chính quyền địa phương có vai trò gắn kết thế nào, trách nhiệm ra sao?... Theo đại diện tỉnh Thừa Thiên - Huế, du lịch cần có sự liên kết của nhiều vùng nhằm quảng bá hình ảnh điểm đến Việt Nam, nếu làm tốt thì sẽ tăng lượng khách du lịch. Tuy nhiên ngoài cơ chế chính sách ưu tiên về thuế, đất đai thì quan trọng làm sao huy động được nguồn lực xã hội hóa vào phát triển du lịch. Đồng thời Chính phủ, Quốc hội nên có chương trình mục tiêu bảo tồn tôn tạo di tích danh lam thắng cảnh để thu hút khách và giáo dục thế hệ trẻ.

Cho rằng “vấn đề đầu tiên là cần nâng cao hiệu quả xúc tiến du lịch”, ông Đặng Việt Dũng- Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nói: “Hiện nhiều tỉnh đi nước ngoài để xúc tiến du lịch, nhưng tỉnh A chỉ nói về tỉnh A, tỉnh B nói về tỉnh B trong khi khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam họ không biết bao nhiêu khu du lịch nên cần có quảng bá chung thì du lịch sẽ mạnh hơn. Cho nên cần thay đổi phương pháp xúc tiến”. Theo ông, đã là xúc tiến thì phải để doanh nghiệp tham gia xúc tiến mới thành công còn nhà nước không có hiệu quả cao, vì doanh nghiệp họ hiểu thị trường biết thị trường cần gì. “Đặc biệt làm sao để nhân dân làm du lịch từ người lái xe taxi cho đến nông dân tham gia quảng bá du lịch”-ông Dũng nêu quan điểm.

Nhấn mạnh trong 8 phiên họp chuyên đề của Chính phủ đều có vấn đề du lịch, nếu thống kê lại có thể nói văn bản đã đầy đủ hết, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ, ngay Nghị quyết của Chính phủ nói cụ thể hết từ dọn rác trở đi, bây giờ còn lại là triển khai thực hiện. Quan trọng là phân chia trách nhiệm thế nào, cái nào của địa phương, cái nào của ngành? Nói như lời Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: “Ngay trong Bộ VH-TT&DL cần xem lại đã gắn kết văn hóa với du lịch chưa, tổ chức Festival văn hóa vậy đã gắn với du lịch chưa hay chỉ tiêu tiền của nhà nước. Festival chính là nơi quảng bá du lịch, hình ảnh đất nước chứ còn đâu nữa, việc gì phải sang nước ngoài để quảng bá. Hay như liên kết ngành, vùng còn kém hiệu quả, chưa được quan tâm đúng mức”. Như vậy, trước tình thế mới đòi hỏi du lịch phải chuyển mình.

Quản lý không gắn kết dẫn đến tình trạng “của anh, của tôi”

Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Xuân Bình cho rằng phát triển du lịch chưa có tính liên kết ngành, liên vùng. Quản lý không gắn kết dẫn đến tình trạng “của anh của tôi” dẫn tới lãng phí không hiệu quả. Cho nên cần có định hướng các địa phương phối hợp với nhau, cần người “nhạc trưởng” có thể là Tổng cục Du lịch hay Bộ VH-TT&DL thì mới đủ mạnh. Vai trò của xã hội hóa là quan trọng, nhưng cần xác định rõ ràng xã hội hóa không phải chỉ là không dùng tiền nhà nước, mà còn phải sử dụng tiền như thế nào? Nhiều nơi xã hội hóa nhưng không hiệu quả, có nhiều lễ hội nói xã hội hóa nhưng tính hiệu quả không cao. Cho nên phải có cơ chế sử dụng xã hội hóa hiệu quả tiết kiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch chuyển mình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO