Du lịch golf, tại sao không?

Phạm Sỹ 29/05/2023 09:35

Du lịch golf có khả năng thu hút khách quốc tế, kích cầu để ngành du lịch nhanh chóng được phục hồi. Mặc dù loại hình du lịch này ở Việt Nam có nhiều lợi thế để phát triển nhưng vẫn chưa thực sự đạt hiệu quả như mong muốn.

Sân golf Bà Nà Hills (Đà Nẵng). Nguồn: vanhoa online.

Nhiều lợi thế

Với vị trí địa lý và cự ly bay lý tưởng, nhiều người cho rằng Việt Nam có cơ hội để trở thành “Thiên đường golf châu Á”. Bên cạnh đó, các sân golf của Việt Nam hiện được thiết kế và đầu tư chuyên nghiệp. Khí hậu Việt Nam cho phép khách du lịch golf hoạt động quanh năm.

Năm các năm 2019, 2021 và 2022, theo kết quả công bố của World Golf Awards, giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực golf, thuộc hệ thống giải thưởng World Travel Awards, Việt Nam được công nhận là Điểm đến golf bậc nhất châu Á.

Hiện nay Việt Nam đã có 80 sân golf 18 hố đi vào hoạt động. Dự kiến đến 2025 con số này sẽ tăng lên là 200. Các sân golf tại Việt Nam có chất lượng tốt, đẳng cấp.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga cho biết, chưa bao giờ có nhiều khách du lịch đến Việt Nam để chơi golf như hiện nay. Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế và đạt doanh thu 650.000 tỷ đồng (năm 2023), cần phải có nhiều giải pháp tập trung hơn đối với nhóm khách du lịch quốc tế có khả năng chi trả cao, lưu trú dài ngày tại Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2023, khoảng 30 đến 40% khách đến Việt Nam lựa chọn loại hình du lịch golf trong tổng số gần 3,7 triệu lượt khách quốc tế đến nước ta. Mỗi khách đến Việt Nam chơi golf chi tiêu trung bình 40 triệu đồng trong 5 ngày, chưa kể vé máy bay.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết, sản phẩm du lịch golf được đánh giá nhiều tiềm năng, đóng góp quan trọng trong việc thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, đặc biệt là nhóm khách từ các thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu… Loại hình du lịch này thúc đẩy gia tăng chi tiêu của khách du lịch, góp phần tăng nguồn thu từ hoạt động du lịch.

Theo ông Trần Ngọc Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam, nước ta gần các thị trường golf có mức tăng trưởng cao nhất thế giới và sở hữu nguồn tài nguyên, du lịch thiên nhiên và văn hóa độc đáo, hấp dẫn... Vì thế, không chỉ trước mắt mà lâu dài thì đây sẽ là sản phẩm du lịch thu hút khách quốc tế cao cấp khi họ có thể tới Việt Nam chơi golf quanh năm.

Cần chiến lược khai thác hiệu quả

Tuy nhiên, dù có nhiều lợi thế nhưng du lịch golf Việt Nam chưa phát triển. Sự liên kết giữa các doanh nghiệp (DN) lữ hành với sân golf vẫn còn lỏng lẻo, du lịch golf chưa kết nối với các loại hình du lịch khác. Cùng với đó là hệ thống dịch vụ du lịch golf chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tổ chức được các giải đấu chuyên nghiệp nên giá trị sản phẩm chưa cao. Các chương trình golf tour hiện đang khai thác còn hạn chế, chưa phong phú về nội dung do thị trường golf còn khá mới mẻ, các DN lữ hành trong nước còn thiếu thông tin về thị trường khách…

Theo các chuyên gia, để phát triển du lịch golf hiệu quả cần có chiến lược lâu dài và mang tính tổng thể chung cho tất cả các DN và cần có sự liên kết để tạo thành một hệ thống, trên cơ sở luôn coi golf là một thế mạnh của du lịch Việt Nam để phát triển. Bên cạnh đó, có lộ trình và kế hoạch phát triển một cách rõ ràng thông qua việc nghiên cứu thị trường để có cái nhìn toàn diện về các sân golf hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam và tăng thêm các dịch vụ chất lượng và cao cấp đi kèm.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, để du lịch golf phát triển, cần miễn hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt của những người chơi golf là khách du lịch. Việc giảm, miễn thuế sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh rất lớn cho du lịch Việt Nam trong quá trình thu hút khách du lịch cao cấp.

Còn theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu, nên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh giao lưu, kết nối giữa các câu lạc bộ golf. Bên cạnh đó các địa phương cũng cần hỗ trợ DN lữ hành trong kết nối sân golf, từ đó mở rộng du lịch golf giữa các địa điểm.

Tại tọa đàm “Tiềm năng và định hướng phát triển du lịch golf Hà Nội” do Sở Du lịch Hà Nội tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, để phát triển sâu rộng môn thể thao golf, cần tạo môi trường golf có chi phí thấp, biến golf trở thành môn thể thao phong trào mang lại sức khỏe, trí tuệ cho người Việt.

Trong sự kiện quảng bá Ryder Cup 2023 ngày 17/3 tại Hà Nội, Đại sứ Italy tại Việt Nam Antonio Alessandro bày tỏ mong muốn được cùng Việt Nam hợp tác phát triển du lịch golf. Việt Nam là quốc gia duy nhất tại khu vực Đông Nam Á được lựa chọn để quảng bá Ryder Cup 2023 - giải đấu danh giá của làng golf thế giới. Đây cũng là sự kiện thể thao được xem nhiều thứ ba thế giới, sau Thế vận hội Olympic và FIFA World Cup. "Golf chắc chắn là một lĩnh vực hợp tác quan trọng trong phát triển du lịch thể thao giữa hai quốc gia" - Đại sứ Alessandro nhấn mạnh. Theo ông Phạm Thành Trí - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam (VTGA), golf Việt Nam có thể đóng góp tới 10 tỷ USD vào du lịch Việt Nam trong những năm tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch golf, tại sao không?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO