Du lịch tăng tốc

Minh Quân 22/11/2022 07:16

Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tới đích cuối của mục tiêu đón 5 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam năm 2022. Mặc dù đến thời điểm hiện tại việc “tiệm cận” mục tiêu trên vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng hoạt động của toàn ngành công nghiệp không khói đã và đang cho thấy nhiều tín hiệu khả quan.

Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang tăng nhanh. Ảnh Quang Vinh.

Những cú hích mạnh mẽ

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê tính đến tháng 10/2022 số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 2,35 triệu người. Trong đó riêng tháng 10, cả nước đón khoảng 485.000 lượt khách quốc tế, tăng 12,1% so với tháng 9. Có thể nói, những chỉ số trên cùng với quỹ thời gian còn lại khá hạn hẹp, việc cán mốc 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2022 là một thử thách không dễ dàng với toàn ngành du lịch.

Tuy nhiên, đây không hẳn là áp lực với du lịch nước nhà, thậm chí còn mở ra nhiều cơ hội về tăng trưởng trong thời gian tới. Bởi với những hành động mạnh mẽ trong công tác xúc tiến, quảng bá của ngành du lịch, Việt Nam đang dần trở thành “điểm sáng” của du lịch thế giới. Theo Tổng Cục Du lịch, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam của khách quốc tế đang tăng cao. Trong đó, tốp 10 địa điểm được tìm kiếm nhiều nhất gồm: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Huế (Thừa Thiên Huế), Quy Nhơn (Bình Định) và Phan Thiết (Bình Thuận). Bên cạnh đó, mới đây du lịch Việt Nam cũng đã được xướng tên tại tại Giải thưởng du lịch uy tín thế giới World Travel Awards (WTA).

Không chỉ là những chỉ số, giải thưởng, du lịch Việt Nam hiện cũng đang “bùng nổ” các sự kiện nhằm thu hút khách quốc tế. Mới đây, Tổng cục Du lịch phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch và các đơn vị liên quan tổ chức nhiều chương trình xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam tại Hội chợ du lịch thế giới (WTM) 2022 London (Anh). Tỉnh Ninh Bình cũng vừa tổ chức thành công Festival Tràng An kết nối di sản. Chưa hết, Sở Du lịch Hà Nội và Quảng Ninh cũng vừa tổ chức đón 12 thành viên đến từ 12 hãng lữ hành của thị trường Australia đến khảo sát và kết nốt thị trường. Từ ngày 14/11 đến 3/12, cuộc thi Hoa hậu Du lịch thế giới diễn ra tại Việt Nam với sự tham gia của 71 người đẹp đến từ 71 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều đặc biệt, trong thời gian dự thi các thí sinh sẽ trải nghiệm tại các điểm di sản tại Hà Nội, Ninh Bình, Phú Thọ, Sơn La và Vĩnh Phúc. Từ đây, hình ảnh quê hương, đất nước Việt Nam sẽ được lan tỏa rộng khắp, tạo hiệu ứng mạnh mẽ tới bạn bè khắp thế giới. Thông qua cuộc thi này, các thí sinh cũng sẽ góp phần chứng minh Việt Nam đang là điểm đến an toàn sau đại dịch Covid-19. Ngoài ra, từ ngày 9 đến 11/12, tại Đà Nẵng sẽ diễn ra Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam VITM Da Nang 2022 với chủ đề “Du lịch Mice, Golf và Nghỉ dưỡng”…

Nỗ lực cho sự phát triển bền vững

Với hàng loạt các hoạt động xúc tiến và quảng bá, không thể phủ nhận thị trường khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đang “nóng lên”. Dự báo từ nay đến cuối năm 2022 và đầu năm 2023 ngành du lịch có nhiều diễn biến thuận lợi với các sự kiện như Lễ Giáng sinh, Tết Dương lịch, Tết Âm lịch… Việc một số nước hoàn toàn mở cửa du lịch trùng với các sự kiện này hứa hẹn mùa du lịch cao điểm đang đến gần. Mặc dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, công tác quảng bá cần phải xúc tiến mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là cần mở thêm các đường bay thẳng quốc tế.

Theo Giám đốc Công Ty TNHH Savingbooking.com Nguyễn Đức Việt, hiện các đường bay quốc tế mở cửa khá tốt nhưng tần suất bay cần gia tăng, giá cả hợp lý để hấp dẫn khách hàng hơn. Ông Việt cũng bày tỏ, nhân lực phục vụ ngành du lịch đã chuyển nghề trong đại dịch cũng khiến các doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn khi trở lại với đường đua tăng trưởng. “Cần khơi thông các thủ tục tạo thuận lợi cho du khách quốc tế đến Việt Nam bằng cách nên tăng thời hạn thị thực lên 30-45 ngày hoặc gia tăng miễn thị thực cho nhiều vùng, lãnh thổ, quốc gia nhằm thu hút khách du lịch quốc tế” – ông Việt đề xuất.

Nhìn nhận về xu hướng phát triển của thị trường khách quốc tế trong thời gian tới, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, điều quan trọng nhất là du lịch Việt Nam luôn đặt mục tiêu đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, luôn sẵn sàng và có các phương án đảm bảo khách đi du lịch được an toàn.

Cũng theo ông Khánh, sự cạnh tranh chính là thách thức lớn nhất giữa các điểm đến trong tương lai. Chính vì thế, các điểm đến phải đổi mới để phù hợp với nhu cầu thị trường. Ngoài ra, các yếu tố tâm lý e ngại sau dịch bệnh, xung đột, kinh tế phát triển chậm… có thể làm giảm nhu cầu du lịch. Sau tác động của dịch Covid-19, quan điểm “bền vững” được mở rộng hơn, không chỉ dừng lại việc chú trọng phát triển cân bằng, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, mà còn là ứng phó nhanh, linh hoạt với khủng hoảng. “Để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững ở Việt Nam, Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ các địa phương phát triển “mỗi địa phương một sản phẩm du lịch độc đáo” để thu hút khách du lịch tới tất cả các điểm đến trên cả nước, tạo sự cân bằng ở các điểm đến” – ông Khánh nói.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, mặc dù số lượng khách du lịch quốc tế thấp hơn khách nội địa nhưng lại chiếm phần lớn doanh thu của ngành du lịch. Do đó, phục hồi và phát triển du lịch quốc tế ở Việt Nam không chỉ là yêu cầu cấp bách của hơn 40.000 doanh nghiệp và hơn 2 triệu lao động du lịch, mà còn là yêu cầu cấp bách của hàng triệu người dân và hàng chục nghìn cơ sở dịch vụ làm kinh tế dựa vào ngành du lịch. Khó khăn vẫn còn nhưng hoạt động dịch vụ đã và đang cho thấy nhiều tín hiệu khả quan. Dự báo những tháng cuối năm, các ngành dịch vụ tiếp tục có sự phục hồi do Việt Nam đã chủ động và linh hoạt mở cửa trở lại đối với các hoạt động kinh tế, hoạt động dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ và khách quốc tế đến Việt Nam không ngừng gia tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch tăng tốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO