Du lịch Việt Nam: ‘Xoay trục’ để thích ứng

Minh Quân 09/12/2021 06:53

Dù “mở cửa”, song Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với những ca mắc Covid-19 mới. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp trong ngành du lịch phải tìm cách vừa thích ứng trạng thái bình thường mới, vừa đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch.

Tránh hiện tượng nay mở, mai đóng

Sau 19 tháng “đóng băng” bởi Covid-19, theo thông tin từ Tổng cục Du lịch (Bộ VHTTDL), từ tháng 11/2021, Việt Nam thực hiện thí điểm đón khách quốc tế và đã đón gần 1.000 lượt khách.

Trong tháng 12 này, Tổng cục Du lịch sẽ phối hợp với một số điểm đến trọng điểm như Phú Quốc (Kiên Giang), Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng) mở cửa đón thêm nhiều đoàn khách quốc tế tới Việt Nam trong tháng 12, trong đó có những đoàn khách đến từ các nước trong khu vực ASEAN. Dự kiến, đến hết năm 2021, các điểm đến thí điểm như Khánh Hòa sẽ đón 9.400 lượt khách quốc tế, Đà Nẵng đón 11.500 lượt. Không riêng khách quốc tế, thị trường nội địa trong thời gian qua cũng có dấu hiệu khởi sắc, một số địa phương công bố số lượng khách có chiều hướng tăng như Khánh Hòa đón hơn 522 nghìn lượt, tăng mạnh so với tháng trước, Hà Nội phục vụ hơn 300 nghìn lượt, Quảng Ninh đón hơn 170 nghìn lượt, Lào Cai cũng đón hơn 55 nghìn lượt.

Có thể nói, cho dù mới chỉ là những bước “chạy đà” khởi động nhưng ngành du lịch đang có những tín hiệu vô cùng khả quan. Tuy nhiên, khi biến chủng Omicron xuất hiện, ngành “công nghiệp không khói” lại tiếp tục đối mặt với những rủi ro mới.

Tại tọa đàm trực tuyến “Mở cửa du lịch, phục hồi kinh tế” diễn ra mới đây, chuyên gia Trần Du Lịch nhận định, chúng ta không thể chần chừ thêm việc mở cửa du lịch trong thời gian tới. Để khôi phục nền kinh tế của Việt Nam, hiện các tỉnh, thành phố đã rất chủ động xây dựng chương trình phục hồi du lịch và mong muốn được kết hợp với các tỉnh, thành khác để mở cửa. Tuy nhiên, các tỉnh, thành phố mong muốn khi mở cửa ngành du lịch phải đi vào thực chất, không thể hôm nay mở, ngày mai lại đóng.

Cũng theo ông Lịch, muốn mở cửa ngành du lịch, trước mắt cần xem lại thực chất các ngành có chuyển hướng quan điểm chống dịch từ “Zero Covid” sang thích ứng an toàn, sống chung với Covid-19 hay không. Theo đó, chúng ta không chủ quan nhưng cũng không sợ hãi, cần nhất quán thay đổi chủ trương chống dịch xuyên suốt trên tất cả các lĩnh vực. Mặt khác, trong gói hỗ trợ phục hồi kinh tế mà Chính phủ đang xây dựng, nên ưu tiên phục hồi ngành du lịch trước. “Đối với các doanh nghiệp thuộc nhóm 2, cần phải hỗ trợ ngay bằng các chính sách tài chính, tín dụng. Nếu những gói này làm chậm, khi doanh nghiệp “liệt” rồi thì dù có bơm tiền cũng không thể vực lại được. Song song đó, các doanh nghiệp ở nhóm 3 cần có giải pháp tài chính mang tính tín chấp, hỗ trợ để đứng lên sau mùa dịch”- ông Lịch đưa ra quan điểm.

Những khách du lịch Hàn Quốc đầu tiên đến Phú Quốc bằng “hộ chiếu vaccine”.

Việt Nam nhận 3 giải thưởng hàng đầu châu Á về du lịch MICE

Giải thưởng du lịch MICE thế giới lần thứ 2 (World MICE Awards 2021) vừa vinh danh Việt Nam chiến thắng ở 3 hạng mục trong khu vực châu Á. Theo đó, thành phố Hồ Chí Minh là “Điểm đến du lịch MICE tốt nhất châu Á - 2021”; Sheraton Grand Danang Resort là “Khách sạn du lịch MICE tốt nhất châu Á - 2021” và Vietnam Airlines là “Hãng hàng không du lịch MICE tốt nhất châu Á - 2021”. Kết quả giải thưởng được bình chọn sau một năm tìm kiếm bởi các chuyên gia hàng đầu trong ngành MICE và công chúng.

Minh Sơn

Chủ động “phá băng”

Thực tế cho thấy, việc phục hồi ngành du lịch giờ đây không còn là khẩu hiệu, phong trào mà đòi hỏi những hành động thực tế, thậm chí là chịu thua thiệt để tìm cơ hội vực dậy. Mới đây, Hà Giang đã tổ chức “Chương trình giới thiệu Lễ hội hoa tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ 7” bằng hình thức trực tuyến trên một số kênh truyền hình, báo điện tử và mạng xã hội. Ngoài ra, Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh đã tổ chức thành công tour du lịch online - du lịch trực tuyến, thu hút đông đảo người theo dõi. Hình thức này đang là cách để “làm nóng” cho hoạt động du lịch gần như bị “đóng băng” vì Covid-19.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tour du lịch trực tuyến không những quảng bá sản phẩm du lịch của Hà Giang, mà còn là hướng đi phù hợp để các doanh nghiệp du lịch khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hình thức tổ chức tour này cần được phát huy và nhân rộng ra các điểm du lịch khác trong cả nước.

Không đứng ngoài cuộc, mới đây ngành du lịch Hà Nội cũng đã triển khai các chương trình nhằm thiết lập hành lang du lịch an toàn Hà Nội và các địa phương. Đơn cử, như Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan xúc tiến xây dựng sản phẩm du lịch bằng xe điện tham quan các điểm di tích quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm và khu vực phố cổ, với mục đích hình thành những sản phẩm du lịch mới cho Thủ đô sau dịch Covid-19. Câu lạc bộ Du lịch bền vững VGreen (Hội Lữ hành Hà Nội) ra mắt chùm tour khám phá Hà Nội bằng xe đạp như tour “VGreen bike tour - Tinh hoa Tràng An”; tour “Thăng Long - Tứ trấn”; tour khám phá khu vực ngoại thành, tour Ba Vì - Làng cổ Đường Lâm, tour làng gốm Bát Tràng...

Ngoài ra, Sở Du lịch Hà Nội cũng kết hợp với doanh nghiệp cũng đang tiến hành xây dựng và phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch cộng đồng gắn với các giá trị văn hóa truyền thống; phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch về đêm tại một số tuyến phố, quận nội đô tại Hà Nội.

Theo kế hoạch vào ngày 17/12 tới đây, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Tổng cục Du lịch sẽ tổ chức Hội thảo “Thiết lập hành lang du lịch an toàn Hà Nội và các địa phương”. Tại hội nghị, sẽ có lễ ký kết hợp tác, phát triển du lịch an toàn giữa cơ quan quản lý nhà nước về du lịch của 12 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang.

Chuẩn bị đón Tết Nguyên đán và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 2022, Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ cũng vừa tổ chức chương trình khảo sát, tập huấn du lịch an toàn và khởi động chương trình kích cầu du lịch trong điều kiện mới với sự tham gia của các đơn vị lữ hành đến từ Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác.

Theo Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng, việc “bật đèn xanh” của các cơ quan quản lý tỉnh Phú Thọ sẽ là cơ sở để các đơn vị xây dựng các tour du lịch an toàn từ Hà Nội đi Phú Thọ ngay từ bây giờ. Trong đó, đơn vị sẽ khởi động lại hoạt động tham quan, trải nghiệm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng, Vườn quốc gia Xuân Sơn, trải nghiệm suối khoáng nóng tại huyện Thanh Thủy... với nhiều lựa chọn hành trình khác nhau từ 1-2 ngày.

Với những gì đã và đang thực hiện, du lịch Việt Nam đang nỗ lực tìm cho mình hướng đi mới cho dù phía trước vẫn còn không ít khó khăn. Hy vọng các khó khăn, rủi ro vì dịch bệnh sẽ dần được hoá giải.

Chuẩn bị tổ chức Hội thảo về phát triển nguồn nhân lực du lịch

Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch số 4569 ngày 8/12/2021 về việc tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng với tác động của đại dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2030”.

Hội thảo nhằm xin ý kiến các cơ quản lý nhà nước về du lịch, các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp du lịch, hiệp hội du lịch và các đơn vị liên quan về Dự thảo Đề án, đặc biệt tập trung vào phần đánh giá thực trạng của nguồn nhân lực du lịch và công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch dưới sự tác động của đại dịch Covid-19, xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch các giai đoạn thích ứng, phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Theo kế hoạch, hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Đề án “Phát triển nguồn nhân lực du lịch thích ứng với tác động của đại dịch Covid-19 giai đoạn 2021-2030” sẽ diễn ra vào tháng 12/2021 (1 buổi) tại Hà Nội.

G.B.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du lịch Việt Nam: ‘Xoay trục’ để thích ứng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO