Bình Liêu mùa hoa cỏ lau

Xuân Quảng 28/10/2019 11:05

Đầu mùa đông, vào khoảng tháng 10, đầu tháng 11, đường lên các cột mốc trên biên giới ở huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) lại thơ mộng, đẹp hơn bởi hai bên đường bạt ngàn bông hoa cỏ lau. Hoa cỏ lau mọc thành từng cụm hai bên đường rung rinh theo gió, đẹp mơ màng, thu hút mọi ánh nhìn say đắm.

Bình Liêu mùa hoa cỏ lau

Du khách chụp ảnh lưu niệm tại mốc 1317(2) Cửa khẩu Hoành Mô, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh).

Kỷ niệm 1 chuyến đi

Trong những năm vừa qua, hàng loạt các dự án trọng điểm của huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) được triển khai đã tạo lên một diện mạo mới trên biên giới.

Đó là các dự án đã đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình 135. Cùng với đó, con đường bê tông đến các cột mốc trên biên giới Việt - Trung cũng đã được đầu tư, mở rộng, huyện Bình Liêu nổi lên như một cung đường tuyệt đẹp đáng để chinh phục, khám phá của những người yêu di chuyến, khám phá. Và các cụm từ “Thiên đường cột mốc” và “Thiên đường cỏ lau” ở Sa Pa của Quảng Ninh luôn trong tâm trí những người thích được một lần đặt chân đến để khám phá Bình Liêu.

Bởi con đường đi lên các cột mốc trên biên giới đều là những cung đường đẹp, cũng có những con đèo hùng vĩ, uốn lượn quanh co, một bên vực sâu, một bên vách núi . Đó chính là “đặc sản” của biên giới hùng vĩ và cũng là thử thách với du khách.

Ồ, cung đường này kém gì đường Hà Giang đâu, nhưng yên tâm hơn trên núi dưới vực đều là cây rừng chứ không phải núi đá như trên Hà Giang… Một anh bạn chúng tôi lần đầu đến Bình Liêu đã trầm trồ khen ngợi.

Bình Liêu mùa hoa cỏ lau - 1

Niềm vui của du khách đã chinh phục được mốc 1297 (4) và "Thiên đường cỏ lau".

Bởi du lịch và các dịch vụ Bình Liêu chưa phát triển mạnh, chúng tôi nhờ cô Hoàng Gái, phóng viên Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Bình Liêu là người địa phương chỉ dẫn giúp. Cô phóng viên trẻ nhiệt tình nhận lời làm “hướng dẫn viên” đưa chúng tôi đến tất cả các điểm theo yêu cầu. Anh em chúng tôi phấn khởi mời cô lên xe dẫn đường, nhưng vì say xe lên cô bạn trẻ cứ đeo máy ảnh chạy xe máy, chở cậu con trai, chạy trước xe ô tô để dẫn đường cho chúng tôi. Anh em trong đoàn ái ngại, bảo đi hơn 30 km lên biên giới thì không an toàn, nhưng cô bạn trẻ cười to: Nào đi thôi không muộn, mẹ con em quen thế mà, được đi với mọi người là vui lắm…

Quanh co trên con đường qua xã Vô Ngại để lên cột mốc. Nhớ lời cô bạn dẫn đường dặn: Lên “Thiên đường cỏ lau” thì phải đi sang xã Bắc Xa, huyện Đình Lập (Lạng Sơn) thì mới lên được mốc 1297 (4) nhé, lau bắt đầu nở rồi đấy, trên đường đi ngắm ruộng bậc thanh lúa chín vàng của xã Vô Ngại, ngồi trên xe cũng chụp được ảnh bằng nay di động mà… Dọc đường cùng đi lên mốc 1297 (4) thuộc địa bàn xã Bắc Xa, rất nhiều xe du lịch từ 35 chỗ trở xuống cùng rất nhiều đoàn các “phượt thủ” cùng một hướng hành trình để khám phá… Bởi lên mốc này, nếu đi từ Bắc Xa lên cũng phải hơn 30 km, nhưng đường khó đi hơn nhiều.

Xã Vô Ngại là nơi sinh sống của 5 dân tộc, có đến 98% là đồng bào dân tộc thiểu số, diện tích đất nông nghiệp ít, thu nhập chính của đồng bào chỉ từ sản xuất nông, lâm và chăn nuôi nhỏ lẻ. Trước đây nói Vô Ngại anh em thường nói đùa là “vào ngại”, nhưng bây giờ đến xã Vô Ngại đã khác xưa nhiều bởi các chương trình xây dựng nông thôn mới.

Bình Liêu mùa hoa cỏ lau - 2

Đường lên cột mốc 1297 rợp bông lau.

Và những điều đáng nhớ

Các dự án xây dựng như cặp Cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) - Động Trung (Trung Quốc) và hạ tầng Khu kinh tế Cửa khẩu Hoành Mô; nâng cấp cải tạo đường từ Trung tâm y tế huyện đấu nối với quốc lộ 18C; cải tạo, nâng cấp nút giao thông đường nội thị thị trấn giao với cầu Nà Cắp và tuyến đường từ Trạm y tế Đồng Văn đến UBND xã Đồng Văn. Cùng với đó, huyện từng bước đồng bộ kết cấu hạ tầng tại các xã nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình 135.

Huyện Bình Liêu cũng tăng cường vận động, tuyên truyền các hộ dân thay đổi nhận thức, chủ động tiếp nhận, sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước để vươn lên thoát nghèo bền vững. Đơn cử, Lục Hồn là một xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Bình Liêu và tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2018, xã đã nỗ lực phấn đấu, đến nay, diện mạo nông thôn và đời sống sinh hoạt của người dân xã Lục Hồn đã có những đổi thay tích cực. Cơ sở vật chất, hạ tầng thiết yếu đã và đang được đầu tư một cách hiệu quả; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát huy cao nhất thế mạnh của địa phương. Người dân chuyển dần những loại cây kém hiệu quả sang trồng các giống cây có giá trị kinh tế cao như: tương, lạc, mía, dong riềng…Hiện nay, trên địa bàn xã có ba mô hình chăn nuôi giống gà Tiên Yên với quy mô từ 500 đến 3.000 con, ngoài ra, xã cũng hỗ trợ bò, trâu giống cho các hộ nghèo để giúp họ có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Cùng với đó, huyện Bình Liêu đã và đang triển khai nhiều giải pháp, trong đó tập trung cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích phát triển các ngành kinh tế biên mậu, dịch vụ du lịch, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Thực hiện cải cách hành chính, nâng cao chất lượng giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp; tổ chức các cuộc gặp, hội nghị tiếp xúc, đối thoại cùng doanh nghiệp để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, qua đó có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư có cơ hội đầu tư các dự án trên địa bàn huyện, nhằm thúc đẩy KT-XH phát triển.

Bình Liêu mùa hoa cỏ lau - 3

Du khách chụp ảnh ở "Thiên đường cỏ lau".

Bình Liêu sẽ bay xa

Tạm thời chia tay Bình Liêu, chúng tôi hẹn ngày gần nhất đến cùng chinh phục “sống lưng khủng long” trên đường tuần tra biên giới để đến mốc 1305. Chúng tôi còn được biết, UBND huyện sẽ ra mắt cuốn cẩm nang, tờ rơi và sách hướng dẫn du lịch Bình Liêu nhằm cung cấp thông tin, tuyên truyền, quảng bá tới các doanh nghiệp, công ty lữ hành và du khách kiến thức tổng quan về du lịch Bình Liêu.

Dự kiến, cuốn cẩm nang này sẽ phát hành 3 thứ tiếng, tiếng Việt, tiếng Trung và tiếng Anh, có các hình ảnh mang tính đặc trưng, các lễ hội, các điểm du lịch và Hội hoa sở Bình Liêu. Chắc chắn một điều, những nét đặc trưng của mùa hoa cỏ lau, vườn hoa Cao Sơn, ruộng bậc thanh, Hội hoa sở, các món ẩm thực địa phương sẽ là những sản phẩm du lịch hấp dẫn của Bình Liêu đến với du khách xa, gần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Bình Liêu mùa hoa cỏ lau

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO