Tăng trưởng du lịch, lượng và chất

Thế Tuấn 02/12/2019 07:50

Tháng 11/2019 ghi nhận mốc mới với lượng khách quốc tế đạt trên 1,8 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay. Thời gian qua, du lịch với tư cách một ngành công nghiệp không khói liên tục tăng trưởng. Tuy nhiên, số lượng lượt khách có đi cùng lợi nhuận nó mang lại hay không thì vẫn còn là một vấn đề.

Tăng trưởng du lịch, lượng và chất

Du khách quốc tế tới Phú Quốc.

Lượng khách quốc tế tăng mạnh

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết tháng 11 năm nay, tổng số khách quốc tế đến nước ta đạt gần 16,3 triệu lượt người, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khách đến bằng đường hàng không chiếm 79,8% tăng 14,1%; bằng đường bộ tăng 21,4%; bằng đường biển tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng tháng 11, du lịch Việt Nam đón lượng khách quốc tế đạt trên 1,8 triệu lượt, cao nhất từ trước đến nay.

Cụ thể hơn, trong 11 tháng, khách quốc tế đến nước ta từ châu Á đạt gần 13 triệu lượt người, chiếm 79,6% tổng số khách quốc tế, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Khách đến từ hầu hết các thị trường chính đều tăng: Trung Quốc tăng 15,1%; Hàn Quốc tăng 22,3%; Nhật Bản tăng 15,4%; Malaysia tăng 12,9%; Thái Lan tăng 47,1%... Khách đến từ châu Âu cũng tăng 6,3%. Khách đến từ châu Mỹ tăng 7,4% so với cùng kỳ năm 2018, chủ yếu là khách đến từ Hoa Kỳ, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2018.

Mục tiêu của du lịch Việt Nam trong năm 2019 là đón từ 17,5-18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 700.000 tỷ đồng. Như vậy, chắc chắn năm 2019 này, ngành du lịch sẽ đạt chỉ tiêu số lượng lượt khách quốc tế tới Việt Nam.

Cuối tháng 8 vừa qua, Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) đánh giá Việt Nam là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Hiện du lịch Việt Nam vẫn theo đuổi 3 mục tiêu, trong đó có 2 mục tiêu quan trọng là thúc đẩy sự phát triển bứt phá, bền vững, cải thiện năng lực cạnh tranh du lịch quốc gia; và tăng tỉ lệ đóng góp GDP trực tiếp từ 8,39% năm 2018 lên trên 10% GDP vào năm 2021.

Giải bài toán kinh tế

Lượng khách quốc tế đến Việt Nam ngày một nhiều là điều rất phấn khởi. Tuy nhiên, việc họ có kéo dài thời gian lưu trú hay không, có tiêu nhiều tiền trong chuyến du lịch đó hay không, lại là một vấn đề. Nói cách khác, đó chính là bài toán kinh tế cần có lời giải hiệu quả.

Tại Diễn đàn cấp cao Du lịch tổ chức cuối năm 2018, ông John Lindquist - Cố vấn cấp cao BCG, thành viên Hội đồng Cơ quan du lịch Vương quốc Anh nhìn nhận khách quốc tế đến Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng trong 3 năm liên tục, từ 8 triệu lượt năm 2015 lên hơn 15 triệu lượt trong năm 2018. Tuy nhiên, việc chi tiêu của khách tại Việt Nam lại ít hơn đáng kể khi so với các thị trường khác.

Cụ thể, khách quốc tế đến Việt Nam trung bình ở lại 9,5 ngày trong khi ở Thái Lan là 9,6 ngày. Tuy số lượng ngày không chênh lệch nhiều, số tiền chi tiêu của khách đến Việt Nam chỉ là 96 USD mỗi ngày, còn ở Thái Lan là 163 USD. Mức chi của khách đến Indonesia, Singapore cũng cao hơn, lần lượt là 132 USD và 325 USD.

Một con số khác cũng rất đáng tham khảo, đó là năm 2017, Việt Nam thu về 8,3 tỷ USD từ khách quốc tế, nhưng con số này ở Indonesia là 12,6 tỷ USD; Singapore là 18,4 tỷ USD, Thái Lan là 52,5 tỷ USD. Điều đó cho thấy khách quốc tế đến Việt Nam chi tiêu tiết kiệm. Cũng có nghĩa là chúng ta chưa có cách để du khách “sẵn lòng rút hầu bao” do ít có cơ hội tiêu tiền.

Nhiều chuyên gia trong ngành du lịch cho rằng, điều đó là do sản phẩm du lịch của ta chưa hấp dẫn và các loại hình giải trí về đêm còn hạn chế. Từ đó, con số tăng trưởng về doanh thu không tương xứng với lượng khách đến. Theo PGS.TS Phạm Trung Lương- nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, nguyên nhân khách đến Việt Nam chi tiêu ít là do các dịch vụ du lịch của ta chưa đạt đẳng cấp khiến mức chi trả thấp; độ dài trung bình của các chuyến du lịch ngắn và dịch vụ về đêm thu được nhiều tiền như các chương trình biểu diễn, quán bar… thì vẫn hạn chế.

Một điểm rất đáng chú ý nữa, theo đánh giá của các chuyên gia, xu hướng tiêu dùng du lịch của thế giới có nhiều thay đổi, từ chi trả tiền mặt sang thanh toán thẻ, sử dụng các ứng dụng thanh toán trên điện thoại thông minh. Khách đi du lịch theo phương thức trả sau với 82% ứng từ lương; các dịch vụ đặt chỗ, vé máy bay, khách sạn thông qua điện thoại thông minh tăng mạnh. Nói tóm lại, nền tảng công nghệ số sẽ chi phối tăng trưởng du lịch với 80% chuyến đi du lịch được booking online (đặt chỗ trực tuyến qua mạng) và 87% thế hệ trẻ sử dụng điện thoại thông minh. Trong khi đó, với lĩnh vực này, thì Việt Nam lại còn rất nhiều việc phải làm.

Tính đến hết tháng 11, tổng số khách quốc tế đến Việt Nam gần 16,3 triệu lượt người, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong 11 tháng, khách quốc tế đến nước ta từ châu Á đạt gần 13 triệu lượt người, chiếm 79,6% tổng số khách quốc tế, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Khách đến từ châu Âu cũng tăng 6,3%. Khách đến từ châu Mỹ tăng 7,4%. Mục tiêu của du lịch Việt Nam trong năm 2019 là đón từ 17,5-18 triệu lượt khách quốc tế, phục vụ 85 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch ước đạt 700.000 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng trưởng du lịch, lượng và chất

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO