Tìm giải pháp vượt khó

Đức Quang 10/02/2020 05:00

Theo ước tính của Tổng cục Du lịch, thiệt hại trong 3 tháng tới của ngành là rất lớn. Dựa vào số liệu chi tiêu bình quân của khách du lịch và lượng khách sụt giảm, dự báo ngành du lịch có thể thiệt hại từ 5,9 đến 7,7 tỉ USD. Trong đó, lượng khách quốc tế có thể sẽ giảm từ 3,7 - 4,7 triệu lượt. Khách nội địa giảm 10,9 - 15,3 triệu lượt.

Tìm giải pháp vượt khó

Khách du lịch thăm Tháp Bà (Nha Trang).

Đáng chú ý, thị trường Trung Quốc, vốn chiếm khoảng 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Và cũng có thể lượng khách từ những thị trường quốc tế còn lại và khách trong nước cũng có thể giảm.

Tất nhiên, đó chỉ là ước tính, trong khi thực tiễn có thể còn thay đổi với nỗ lực của ngành du lịch cũng như các địa phương. Tới thời điểm này, bản thân ngành du lịch cũng đã đưa ra kịch bản đối phó với suy giảm, nhằm hồi phục lại thị trường khi hết dịch.

Theo Tổng cục Du lịch, nếu dịch kết thúc vào cuối tháng 3/2020, các hoạt động truyền thông, xúc tiến du lịch bắt đầu khởi động vào tháng 4/2020. Nếu kịch bản này xảy ra, ngành du lịch có thể thúc đẩy hoạt động du lịch nội địa, vốn thường bắt đầu vào thời điểm cao điểm từ cuối tháng 5, các doanh nghiệp có thể xúc tiến thúc đẩy mảng outbound (đưa du khách đi du lịch nước ngoài) để bù đắp những tổn thất kinh tế từ đầu năm 2020.

Với kịch bản thứ hai, dự báo khách du lịch quốc tế có thể tăng mạnh vào tháng 6/2020. Để thị trường tăng trưởng trở lại vào mùa cao điểm đón khách quốc tế từ tháng 10/2020 đến tháng 4/2021) thì trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 9/2020, ngành du lịch cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá trong và ngoài nước.

Còn với kịch bản thứ 3, khi dịch nCoV kết thúc vào mùa hè thì đến quý 4/2020, các hoạt động du lịch mới thực sự mạnh mẽ trở lại; đặc biệt là với du lịch quốc tế.

Tổng cục Du lịch cũng cho rằng, cần đẩy mạnh khai thác các thị trường trọng điểm gần, có kết nối đường bay thuận tiện đang có tốc độ tăng trưởng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, và ASEAN. Thêm vào đó, cần tập trung khai thác thị trường lớn, tiềm năng như Ấn Độ. Cạnh đó, sẽ tăng cường thu hút du khách từ những thị trường xa như Bắc Mỹ, khai thác mạnh hơn thị trường Mỹ và Canada trong bối cảnh thuận lợi là sắp có đường bay thẳng Việt Nam - Mỹ...

Nhìn chung, theo giới chuyên gia kinh tế, để vượt qua khó khăn thì ngành du lịch cần chuẩn bị chương trình kích cầu lớn để thu hút du khách. Kế đến, cơ quan quản lý cần đề nghị Chính phủ xem xét khả năng miễn lệ phí, đơn giản thủ tục visa cho khách du lịch trọn gói đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế phục vụ, cho phép triển khai cấp visa tại cửa khẩu. Các tỉnh, thành phố cũng cần xem xét giảm giá, miễn phí vé, phí tham quan từ 1- 2 tháng sau khi hết dịch để kích cầu du lịch. Theo bà Nguyễn Thị Khánh- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP HCM thì một chương trình kích cầu là cần thiết để thúc đẩy du khách đi du lịch trở lại nhưng phải phải giảm giá thật sâu, ít nhất phải 30-50%. Bà Khánh cũng cho rằng, không chỉ tập trung vào du khách quốc tế, mà mảng du lịch nội địa cũng cần có giải pháp kích hoạt thỏa đáng.

Trong khi đó, nhìn nhận khó khăn, một số doanh nghiệp cũng cho rằng đợt sụt giảm này cũng là cơ hội để đẩy mạnh việc tái cơ cấu thị trường, tránh lệ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường lớn. Ông Cao Trí Dũng- Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng nêu ví dụ, chẳng hạn như Trung Quốc, vốn là thị trường rất lớn của thế giới và ngay bên cạnh Việt Nam nên không thể xem nhẹ nhưng không nên quá lệ thuộc, phải mở rộng ra các thị trường khác để tránh sụt giảm sâu khi có sự cố, như dịch nCoV lần này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tìm giải pháp vượt khó

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO