Vùng trọng điểm du lịch lao đao vì Covid-19

Hà Văn Đạo 31/03/2020 08:00

Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, hai vùng trọng điểm du lịch của miền Trung là Đà Nẵng, Khánh Hòa gần như dừng mọi hoạt động để tập trung cao độ cho công tác phòng, chống dịch. Trên 3.000 nhà hàng, quán ăn, điểm lưu trú đóng cửa, thiệt hại trong quý I/2020 ước tính hàng chục ngàn tỷ đồng, trên 40.000 lao động ngưng việc.

Vùng trọng điểm du lịch lao đao vì Covid-19

Nhiều cơ sở phục vụ du lịch ở Khánh Hòa phải đóng cửa.

Khó khăn chồng chất

Theo khảo sát tại TP Đà Nẵng và Khánh Hòa ngày 30/3, hầu hết các điểm du lịch, nhà hàng, điểm kinh doanh…ở các tuyến phố chính đều đóng cửa. Lực lượng lao động đông đảo hàng ngày được vận động về nhà chờ thông báo mới.

Sở Du lịch Khánh Hòa thống kê sơ bộ trong quý I/2020, lượng khách du lịch, chủ đạo là khách Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc…đã sụt giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái. Công suất hoạt động của các khu lưu trú chỉ đạt hơn 20%. 400 trăm nhà hàng đã treo biển sang nhượng hoặc chuyển đổi mục đích kinh doanh.

Ước tính của ngành du lịch Khánh Hòa, trong 3 tháng đầu năm 2020, thiệt hại trên 5.000 tỷ đồng, hơn 16.000 lao động phải tạm nghỉ hoặc nghỉ hẳn. Bà Võ Thị Mỹ cùng nhiều cán bộ Công ty CP F17 Nha Trang lo lắng, trước đây, phải đến hàng ngàn nhân viên mới đủ công suất để phục vụ nhưng từ khi thực hiện chỉ đạo đóng, gần 1.000 lao động ngừng việc. Một số lao động thì nghỉ luôn để hưởng trợ cấp trong ít tháng, chưa thể xoay sở được hướng lựa chọn công việc mới.

Công ty Du lịch Nam Thành và nhiều đơn vị khác chia sẻ: Dịch bệnh thì phải thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống. Các nhà hàng, khách sạn “đóng băng”, nợ tiền ngân hàng tăng vọt không có nguồn chi trả nên doanh nghiệp muốn tăng cường hỗ trợ cho người lao động trong thời điểm này cũng khó.

Ông Cao Trí Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng trong cuộc họp với các ban ngành thành phố Đà Nẵng bàn việc tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch nhận định: Thiệt hại rất nặng nề. Nếu dịch bệnh Covid-19 được khống chế trong tháng 6 thì tổng thiệt hại lên đến 800 triệu USD. Nếu kéo dài hơn thì chưa thể thống kê được nên các giải pháp tháo gỡ cần sớm được đưa ra.

Ước tính sơ bộ, hết quý I/2020, có khoảng trên 700 doanh nghiệp du lịch tương ứng với hơn 25.000 lao động ở Đà Nẵng đời sống bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Nhiều công ty chuyên tổ chức tour đi nước ngoài doanh thu chỉ đạt 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bàn giải pháp

Trước các khó khăn và nhiều lo lắng, nhất là việc bố trí lao động trở lại làm việc sau khi hết dịch bệnh, ngành du lịch Đà Nẵng kiến nghị các cơ quan chức năng của thành phố cần nhanh chóng nghiên cứu các giải pháp, nhóm giải pháp kịp thời hỗ trợ cho ngành du lịch. Cụ thể như: Hỗ trợ quảng bá; Hỗ trợ miễn giảm thuế; Chỉ đạo, tác động hộ thống ngân hàng giảm lãi suất, giãn nợ hoặc khoanh nợ đối với các khoản vay của các đơn vị kinh doanh du lịch.

Ông Nguyễn Đình Ân, Cục trưởng Cục Thuế Đà Nẵng luôn sát cánh nắm bắt các nguyện vọng cũng như khó khăn của ngành du lịch để kiến nghị lên các cơ quan chức năng liên quan sớm có giải pháp phù hợp đúng người, đúng đối tượng, đúng lĩnh vực. Sẽ luôn tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp vực dậy sau những ngày thiệt hại nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP Đà Nẵng cũng chia sẻ: Ngay khi có Thông tư hướng dẫn về giãn nợ, giảm lãi suất, đơn vị sẽ triển khai ngay. UBND TP Đà Nẵng cũng chỉ đạo ngành Thuế, Hải quan, Quản lý thị trường dừng thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, cơ sở, nhất là đơn vị liên quan đến hoạt động du lịch nếu không thật sự cần thiết.

Nhiều cơ sở kinh doanh du lịch đang treo biển sang nhượng ở Nha Trang (Khánh Hòa) cũng đang chật vật. Tiền thuê đất, thuê mặt bằng có khi vài tỷ đồng/năm. Nếu không được khoanh nợ lại hoặc miễn lãi suất trong những tháng phòng, chống dịch thì phát sinh nợ xấu là điều khó tránh khỏi. Thậm chí có doanh nghiệp, cơ sở nguy cơ phát sinh nợ xấu cùng lúc ở nhiều tổ chức tín dụng.

Để chung tay gỡ khó cho ngành du lịch, ông Lê Hữu Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã ký văn bản số 2675/UBND-KT gửi đến Sở Công thương, Cục Thuế, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa, Cục Quản lý thị trường đề nghị kết hợp, nghiêm cứu, chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp du lịch trình tự, thủ tục để xem xét hỗ trợ cho doanh nghiệp như: Gia hạn tiền nộp thuế, miễn tiền chậm nộp, nhanh chóng thực hiện cơ cấu lạ lịch trả nợ, giảm hoặc miễn các món lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới…UBND tỉnh Khánh Hòa cũng chỉ đạo Sở Du lịch tỉnh này xây dựng ngay kế hoạch chi tiết, giải pháp khắc phục thiệt hại do Covid-19 gây ra.

Trước những biến động và thách thức lớn mà ngành du lịch đang phải đối diên, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM cho biết, ngành du lịch sẽ tập trung triển khai kế hoạch giảm tác động trong và sau dịch bệnh với 6 nhóm giải pháp. Thứ nhất, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền. Thứ hai là hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, chuẩn bị các chính sách thúc đẩy du lịch phát triển ngay sau dịch bệnh kết thúc. Thứ ba, triển khai chương trình kích cầu du lịch sau dịch bệnh. Thứ tư, tăng cường xúc tiến du lịch, đa dạng hóa thị trường khách quốc tế; chuẩn bị các phương thức đa dạng hóa sản phẩm du lịch: Du lịch nghệ thuật, du lịch xanh, du lịch đường thủy, du lịch y tế... Tiếp đó là hoàn thành và công bố Chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2030; thành lập Hội đồng phát triển du lịch thành phố. Cuối cùng, thúc đẩy kế hoạch liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa TP HCM và 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Đông Nam Bộ. (Thanh Giang)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vùng trọng điểm du lịch lao đao vì Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO