Du ngoạn trên phá Tam Giang

Mai Hoàng 29/10/2021 16:34

Nằm trên diện tích rộng khoảng 52 km2, phá Tam Giang (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế) trải dài khoảng 24 km từ cửa sông Ô Lâu đến cửa sông Hương. Đây không chỉ là một trong những điểm du lịch đẹp và hấp dẫn ở Huế mà còn là đầm phá nước lợ lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á.

1. Đến Huế, sau khi khám phá các lăng tẩm, thăm cầu Trường Tiền và ngồi xích lô dạo quanh thành phố, chúng tôi hỏi đường đến phá Tam Giang. Thì ra, khu đầm phá nổi tiếng này chỉ nằm cách thành phố Huế hơn 12 cây số. Chúng tôi thuê chiếc xe máy lên đường đến phá Tam Giang.

Quả thật, phá Tam Giang không khiến người ta thất vọng, dù bạn đến buổi sáng kịp ngắm bình minh hay đến đây vào buổi chiều. Bởi ở đây, ngoài cảnh sắc thiên nhiên, thì cuộc sống của người dân góp phần quan trọng cho không gian trở nên sống động, cuốn hút.

Thảm động thực vật ở đây rất phong phú, thủy hải sản đa dạng và đặc biệt cảnh sắc cùng đầm phá này làm say lòng du khách. Với diện tích khoảng 52 km2, phá Tam Giang chiếm khoảng trên 50% diện tích đầm phá Việt Nam, được ghi nhận đầm phá nước lợ lớn nhất Đông Nam Á. Ở đây luôn tiềm ẩn nhiều câu chuyện kỳ thú mà du khách cảm thấy tò mò, muốn khám phá và trải nghiệm.

Điểm đến du khách không nên bỏ lỡ cơ hội ghé thăm làng chài Thái Dương Hạ. Đó là một ốc đảo nhỏ trên phá. Ở đây có ngôi đình khá đẹp. Lối kiến trúc đình khá lộng lẫy, uy nghi, thờ Thành hoàng làng là ông Trương Quý Công (hay Thương Thiều). Đây là người Đàng Ngoài, đã có công dạy cho dân làng nghề đánh bắt cá và buôn bán ghe mành. Cứ 3 năm 1 lần vào ngày 11 và 12 tháng Giêng âm lịch, lễ hội cầu ngư được tổ chức rất long trọng nhằm tưởng nhớ đến công ơn của ông.

Làng chài Thái Dương Hạ còn có ngôi chùa Thái Quốc uy nghiêm, trầm lặng.

Cuộc sống của ngư dân trên đầm phá Tam Giang.

Bên cạnh đó, cũng đừng quên dành thời gian khám phá rừng ngập mặn Rú Chá. Đây là điểm đến được nhiều du khách và các nhiếp ảnh gia tìm đến. Rừng ngập mặn Rú Chá (hay còn gọi là rừng ngập mặn nguyên sinh Rú Chá), là khu rừng ngập mặn nguyên sinh duy nhất còn sót lại trên phá Tam Giang. Có lẽ điểm gây ấn tượng mạnh đầu tiên của khu rừng ngập mặn này chính là cái tên độc đáo: Rú Chá. Theo tiếng địa phương Huế, “rú” ở đây nghĩa là rừng núi, còn “chá” là tên một loài cây mọc chiếm 90% diện tích nơi đây.

Đi thuyền vào khu vực này du khách sẽ thấy tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Không chỉ hấp dẫn du khách bởi những rặng cây mà nơi này còn có nguồn tôm, cá dồi dào. Bên cạnh đó, rừng ngập mặn Rú Chá cũng là nơi cư trú của nhiều loài chim. Khi ánh chiều buông xuống, từng đàn chim bay về tổ là cảnh tượng khó quên nhất khi đến Rú Chá.

2. Nếu có nhiều thời gian, hãy làm quen, trò chuyện với ngư dân nơi đây. Còn gì tuyệt vời hơn khi được ngồi trên những ghe thuyền của ngư dân để trải nghiệm đánh bắt thủy sản trên phá Tam Giang. Hầu hết những người dân ở đầm phá sống chủ yếu bằng nghề chài lưới, đánh bắt và nuôi trồng hải sản. Đàn ông dong thuyền ra khơi, đàn bà vào phá cào nghêu chỉ với dụng cụ là cây cào, chiếc nón lá đội đầu.

Theo lời kể của một ngư dân đánh bắt trên phá Tam Giang gần 30 năm nay, phá Tam Giang trước đây hai bên bờ lau sậy rậm rịt, nhiều hiểm họa bất thường. Nhiều thuyền bè qua lại bị sóng cuộn bất ngờ bị đắm chìm. Giờ mới hiền hòa thơ mộng, trở thành một điểm đến đầy kỳ thú của dải đất hẹp miền Trung. Hiện nay phá Tam Giang có gần 150 loài cá sinh sống. Hải sản ở đây là thủy hải sản nước lợ với giá cả phù hợp và ăn rất ngon miệng.

Những đứa trẻ vui đùa trên thuyền nhỏ.

Trên khu đầm phá rộng lớn này cũng có các chợ nổi. Trong đó, chợ nổi ở vùng đầm phá của thôn Mỹ Thạnh (xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền) họp từ rạng sáng. Đây là chợ nổi có từ lâu đời, từ địa điểm mua bán cá của một làng ngư nghiệp dần dần nơi đây trở thành điểm họp chợ cho cả vùng đầm phá các huyện Phong Điền hội tụ về.

Ngoài chợ nổi Mỹ Thạnh, trên phá Tam Giang còn có chợ nổi Đầm Chuồn (xã Phú An, huyện Phú Vang).

Nhiều năm trở lại đây, các chợ nổi Mỹ Thạnh và Đầm Chuồn trở thành những điểm du lịch hấp dẫn của du khách khi đến Huế.

Hội đua thuyền ở làng chài Thái Dương Hạ.

3. Phá Tam Giang đẹp nhất là vào thời khắc hoàng hôn. Khoảng 16h tới 17h30, ánh sáng vàng hồng nhuốm màu lên toàn bộ phá tạo nên bức tranh phong cảnh đẹp hữu tình. Nhiều bức ảnh tuyệt đẹp đã được các nhiếp ảnh gia ghi lại, cho thấy một bức tranh thiên nhiên kỳ thú, biến ảo…

Sau chuỗi thời gian khám phá vẻ đẹp phá Tam Giang, đến lúc bạn dừng chân thưởng thức một số món ngon nơi này. Một trong nhiều món đặc sản ở đầm phá Tam Giang là bánh khoái cá kình. Ngoài ra, nơi đây cũng có một số quán ăn và một vài nhà hàng có thể đáp ứng nhu cầu của du khách.

Mặc dù sở hữu nhiều lợi thế để phát triển du lịch, nhưng hiện việc khai thác du lịch ở phá Tam Giang chưa tương xứng với tiềm năng. Các sản phẩm, dịch vụ còn khá nghèo nàn, chất lượng chưa cao, các hoạt động trải nghiệm đơn điệu. Mức độ lan tỏa, tạo điểm nhấn, đem lại giá trị về kinh tế đối với du lịch ở mức nhỏ lẻ. Do đó, khi đến đây, du khách cần chuẩn bị tâm lý cũng như chủ động mang theo một số thiết bị cần thiết.

Bánh khoái cá kình là đặc sản của phá Tam Giang.
Chợ nổi trên phá Tam Giang.
Vẻ đẹp rừng ngập mặn Rú Chá.
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du ngoạn trên phá Tam Giang

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO