Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi: Điều chỉnh phù hợp với thực tiễn

Lê Bảo 15/05/2019 06:36

Ngày 14/5, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo “Góp ý sửa đổi dự thảo Bộ luật Lao động từ cộng đồng doanh nghiệp”. Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và các chuyên gia cùng trao đổi, chia sẻ, góp ý cho dự thảo Bộ luật Lao động.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến từ DN cho rằng, các quy định về thời gian thử việc, thang bảng lương cho người lao động, thời gian làm việc, tăng tuổi nghỉ hưu… cần điều chỉnh thêm theo yêu cầu thực tế từ DN hiện nay. Vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu nhận được sự quan tâm rất lớn từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam.

Theo dự thảo, tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường là nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi, thời điểm tăng là từ 1/1/2021 với 2 phương án lộ trình: Phương án 1 là tăng mỗi năm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ. Phương án 2 là tăng mỗi năm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ. Đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường.

Góp ý về quy định này, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Trương Văn Cẩm nhấn mạnh: “Từ góc độ ngành dệt may, chúng tôi cho rằng việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu đưa vào quy định trong dự thảo lần này chưa phải là thời điểm thích hợp”. Theo ông Cẩm, Việt Nam vẫn đang trong thời kỳ dân số vàng, khả năng còn kéo dài đến năm 2035. Bên cạnh đó, lao động làm việc trong bộ máy hành chính sự nghiệp hiện nay vẫn đang trong tình trạng dư thừa, nếu tăng tuổi nghỉ hưu mà không thực hiện tinh giản biên chế tốt sẽ duy trì bộ máy kém hiệu quả.

Một vấn đề nữa thu được nhiều ý kiến từ phía các DN là về thời gian nghỉ Tết Âm lịch hiện đang được đề xuất theo hai phương án.

Phương án 1 là người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì không được nghỉ bù. Phương án 2 là giữ nguyên như hiện hành, người lao động được nghỉ 5 ngày Tết Âm lịch; nếu ngày nghỉ Tết Âm lịch trùng với ngày nghỉ hàng tuần thì được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.

Chia sẻ quan điểm về đề xuất này, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, phương án nghỉ Tết Âm lịch không nên sửa đổi vì hiện đang thực hiện ổn định. Tuy nhiên, cũng có đề xuất nên thực hiện theo phương án 2 là không được nghỉ bù bởi trên thực tế hiện nay hoạt động sản xuất của DN phụ thuộc rất nhiều vào các đơn hàng, phụ thuộc vào cả sự chênh lệch về múi giờ trên thế giới nên việc được nghỉ bù sẽ gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi: Điều chỉnh phù hợp với thực tiễn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO