Dự thảo Luật Dân số: Phải toát lên tinh thần nâng cao chất lượng dân số

Trần Ngọc Kha 11/01/2017 11:35

Dự thảo Luật Dân số do Bộ Y tế xây dựng, trong đó một trong những phương án được đề xuất là các cặp vợ chồng, cá nhân có quyền quyết định số con. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Như vậy có thể hiểu là các cặp vợ chồng tới đây có thể sinh con thoải mái theo ý muốn?

Dự thảo Luật Dân số: Phải toát lên tinh thần nâng cao chất lượng dân số

Phát triển có trách nhiệm về dân số để trẻ em được chăm sóc chu đáo.

Lý giải về giả thiết mới này, Bộ Y tế cho rằng: Áp dụng quy định như hiện hành để các cặp vợ chồng sinh một hoặc hai con có những nhược điểm nhất định, liên quan đến chất lượng và số lượng nguồn nhân lực sau này. Với phương án mới được đề xuất nói trên, những nhược điểm này sẽ dễ khắc phục hơn.

Và Bộ “nghiêng” về phương án mới. Bởi vẫn theo lý giải của Bộ Y tế, với quy định chính sách theo phương án nêu trên là bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền sinh sản theo tinh thần Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp với điều ước quốc tế mà VN là thành viên liên quan đến công tác dân số.

Như thế, liệu có đáng lo ngại về một viễn cảnh gia tăng dân số bùng phát và mất kiểm soát? Và như thế, bao nhiêu kết quả tuyên truyền, vận động người dân sinh có trách nhiệm sẽ theo sông, theo bể hết?

Để lại kiểm soát được mức sinh sẽ rất tốn kém chi phí cho việc tuyên truyền, vận động trong khi các nguyên nhân cũng như yếu tố có thể làm tăng mức sinh vẫn còn nguyên giá trị ở một nước chưa phát triển với tỷ lệ dân số nông thôn còn chiếm tới gần 70%.

Tại cuộc gặp mặt báo chí vào dịp cuối năm 2016, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhận định: Mục tiêu của chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình là mức sinh đã giảm được một cách vững chắc.

Trong vài thập kỷ qua, mức sinh của Việt Nam giảm nhanh, hiện đã đạt mức sinh thay thế (chỉ còn 2,1 con năm 2015 và được giữ vững cho đến nay, trong khi vào những năm 1965-1969, số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 6,8 con).

Bộ trưởng dự báo: Dân số nước ta sẽ tăng chậm lại và đạt 100 triệu dân vào năm 2025. Điều đó khiến cho Việt Nam vẫn là nước đông dân thứ 3 ở Đông Nam Á, thứ 8 ở châu Á và thứ 14 trên thế giới.

Mật độ dân số đạt 274 người/km2, cao gấp hơn 5 lần mật độ dân số thế giới (53 ngư ời/km2).Chính vì có những sự chuyển biến nói trên, ngày 4 tháng 1 năm 2016, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Kết luận số 119-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS-KHHGĐ.

Trong đó nêu rõ: “Ban Bí thư đề nghị Bộ Chính trị trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII xem xét, ban hành Nghị quyết về dân số” và “Cần chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”.

Việc chuyển trọng tâm này nhằm “giải quyết toàn diện các vấn đề dân số cả về quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số”.

Bộ trưởng nhấn mạnh: Như vậy, nếu trước đây, chính sách DS-KHHGĐ, chỉ tập trung vào một nội dung là KHHGĐ với mục tiêu giảm sinh thì nay, chính sách dân số mới với nhiều nội dung hơn, tức là với phạm vi rộng lớn hơn nhiều.

Ở đây cần lưu ý: Chúng ta chuyển trọng tâm, chứ không phải là “từ bỏ KHHGĐ” mà nội dung KHHGĐ được thực hiện theo phương thức mới.

Ông Mai Xuân Phương- Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng cục DS - KHHGĐ cho hay, đang xảy ra hiện tượng phát triển dân số không đồng đều giữa các vùng, miền.

Có nơi mức sinh thấp, thậm chí rất thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế, điển hình là ở TP HCM (1,45 con/phụ nữ), Bà Rịa-Vũng Tàu (1,56 con/phụ nữ).

Có nơi mức sinh cao như ở hầu hết các tỉnh thuộc trung du và miền núi phía bắc, một số tỉnh Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có mức sinh cao từ 2,5 con/phụ nữ trở lên, tỉnh có mức sinh cao nhất là Lai Châu: 3,11 con/phụ nữ.

“Chính vì vậy, trong thời gian tới đây, nói như Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, chúng ta cần vận động các cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con”- ông Phương cho hay.

Tất nhiên, bên cạnh đó, vẫn phải tiếp tục vận động cũng như đưa ra nhiều chính sách, chế tài khác để giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tận dụng cơ cấu dân số vàng; thích ứng với quá trình già hóa dân số, điều chỉnh phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, theo ông Phương. Tóm lại, chúng ta vẫn phải “đẻ có trách nhiệm, bất luận trong hoàn cảnh nào”- ông Phương nhấn mạnh.

​Chính vì vậy, một cách ngắn gọn, Luật Dân số muốn viết gì thì cũng phải toát lên tinh thần “đẻ có trách nhiệm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dự thảo Luật Dân số: Phải toát lên tinh thần nâng cao chất lượng dân số

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO